Ông McCain: Biện pháp quân sự với Triều Tiên là lựa chọn cuối cùng; Triều Tiên lại thử tên lửa và tiếp tục thất bại; Ông Trump nói Triều Tiên thử tên lửa là coi thường Trung Quốc; Trung Quốc tiếp tục nhập khoáng sản của Triều Tiên
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trưa 29-04-2017
- Cập nhật : 29/04/2017
Donald Trump hy vọng Kim Jong-un suy nghĩ 'có lý'
Tổng thống Mỹ cho rằng việc cầm quyền từ tuổi 27 của Kim Jong-un là rất khó khăn, hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ biết cân nhắc tính toán.
"Lúc đó ông ấy mới 27 tuổi. Ông ấy tiếp quản quyền lực sau khi bố mất. Nói gì thì nói, đây không phải là điều dễ dàng, đặc biệt ở tuổi đó", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua nói với các phóng viên về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhấn mạnh rằng ông Kim nắm quyền từ khi còn rất trẻ, theo Reuters.
Tuyên bố này được ông Trump đưa ra khi trả lời câu hỏi liệu ông có cho rằng Kim Jong-un suy nghĩ hợp lý hay không.
"Tôi sẽ không nói ông ấy giỏi hay không, chỉ nói rằng đó là một công việc rất khó khăn. Về vấn đề ông ấy suy nghĩ hợp lý hay không, tôi không có ý kiến. Tôi hy vọng rằng ông ấy biết suy tính hợp lý", Trump nói.
Ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên từ cuối năm 2011, sau khi cha ông, Chủ tịch Kim Jong-il qua đời. Ông Kim được cho là sinh năm 1984, năm nay 33 tuổi.
Đề cập tới căng thẳng hiện nay ở bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump cho rằng hoàn toàn có khả năng Mỹ và Triều Tiên xung đột lớn từ tình trạng đối đầu vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.(Vnexpress)
-----------------------------
Mỹ tính thường xuyên điều vũ khí chiến lược tới Hàn Quốc
Mỹ dự định điều các vũ khí chiến lược tới Hàn Quốc thường xuyên để hóa giải những mối đe dọa từ Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc nhất trí thúc đẩy "các biện pháp có thể trên mọi khía cạnh, bao gồm điều động thường xuyên các tài sản chiến lược Mỹ", Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hôm nay.
Thông tin trên là kết quả của Đối thoại Quốc phòng Tích hợp Mỹ - Hàn (KIDD) diễn ra tại Washington trong hai ngày, bắt đầu ngày 26/4. KIDD được tổ chức hai năm một lần, lần đầu diễn ra năm 2011.
Mỹ hiện có khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc. Các tài sản chiến lược được nhắc tới thường là từ những căn cứ Mỹ tại Guam, Nhật Bản hoặc lãnh thổ Mỹ như oanh tạc cơ B-2, B-1B, B-52, chiến đấu cơ F-35 hay tàu sân bay.
Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã tiếp nhận và lắp đặt các bộ phận chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở thị trấn Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, và sẽ sớm đưa nó vào hoạt động. Mỹ và Hàn Quốc coi đây là biện pháp đối phó với mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.
Ngoài ra, Mỹ còn điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến gần bán đảo Triều Tiên để răn đe Bình Nhưỡng. USS dự kiến tới nơi vào cuối tuần này, trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đã cập cảng Hàn Quốc hôm 25/4.(VNexpress)
--------------------------------
Trung Quốc lo căng thẳng Triều Tiên 'vượt tầm kiểm soát'
Bình luận tình hình Triều Tiên có thể "vượt tầm kiểm soát" được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra hôm qua, trong cuộc gặp với một nhà ngoại giao Nga ở Liên Hợp Quốc, theo Reuters.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc là đồng minh duy nhất của Triều Tiên, song vài tháng qua họ tỏ ra khó chịu khi láng giềng theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho rằng hoàn toàn có khả năng Mỹ và Triều Tiên xung đột lớn vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ông Trump hôm qua tuyên bố vẫn muốn giải quyết khủng hoảng Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình, có thể thông qua các lệnh trừng phạt mới về kinh tế, mặc dù lựa chọn quân sự vẫn có thể được dùng đến.
"Chúng tôi muốn giải quyết mọi thứ bằng con đường ngoại giao, song nó rất khó", Trump nói, mô tả Triều Tiên là thách thức toàn cầu lớn nhất của ông.
Mỹ hôm 26/4 thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III không vũ trang tại căn cứ không quân ở California.
ICBM là tên lửa đạn đạo với tầm bắn tối thiểu là 5.500 km. Mục đích chính của tên lửa này là mang đầu đạn hạt nhân để tấn công mục tiêu tầm xa. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Triều Tiên, hai nước cách nhau khoảng 8.000 km, có thể tấn công lẫn nhau bằng ICBM.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Mỹ nhiều khả năng không tấn công phủ đầu Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng có thể đáp trả vào các mục tiêu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, gây thương vong lớn. (Vnexpress)
--------------------------------
ASEAN quan ngại sâu sắc về tình hình bán đảo Triều Tiên
Trưa 28-4, hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ở Manila đã ra tuyên bố quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
Cụ thể theo thông cáo báo chí mà hội nghị phát đi lúc 13g45, Hiệp hội các nước đông Nam Á (ASEAN) bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về sự gia tăng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên bao gồm hai cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên vào năm 2016 và những lần phóng tên lửa sau đó.
ASEAN cho rằng sự bất ổn ở bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến tình hình trong và ngoài khu vực.
ASEAN mạnh mẽ thúc giục Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của nước này đã được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ và luật pháp quốc tế về việc duy trì hòa bình và an ninh.
ASEAN cũng thúc giục Triều Tiên và các bên liên quan kiềm chế không làm căng thẳng tình hình, không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp tình hình.
Các ngoại trưởng ASEAN cũng ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nối lại đối thoại về bán đảo Triều Tiên nhằm tháo ngòi căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.(Tuoitre)