Theo Reuters, trong những lần diễn tập gần đây, tàu sân bay Mỹ nhiều lần bị tàu ngầm và chiến hạm khóa mục tiêu và tiêu diệt trên lý thuyết.
Sức mạnh của Hải quân Việt Nam: Đội tàu ngầm kilo Việt Nam
- Cập nhật : 08/03/2017
Hợp đồng kỷ lục
Tháng 12/ 2009, Việt Nam lần đầu tiên ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka (NATO định danh: Kilo cải tiến) trị giá 2 tỷ USD. Ngoài đóng tàu, hợp đồng bao gồm huấn luyện thủy thủ Việt Nam, cung cấp thiết bị, kỹ thuật.
Tàu ngầm lớp Kilo nằm trong danh sách tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Các quốc gia đang vận hành hoặc đặt hàng gồm Nga, Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romania và Việt Nam.
Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất lịch sử xuất khẩu khí tài hải quân của Nga.
Việc mua tàu Kilo và lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên ra đời năm 2013 được đánh giá là mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam.
Tàu Kilo ra đời như thế nào
Tàu ngầm Kilo được chế tạo tại nhà máy Admiralty Verfi (St. Petersburg), một trong những cơ sở đóng tàu lâu đời nhất của Nga. Trong 313 năm hoạt động, nhà máy này đóng hơn 2.300 tàu mặt nước gồm thiết giáp hạm, tàu tuần dương, chế tạo hơn 300 tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân.
Ngày 25/8/2010, chiếc đầu tiên trong hợp đồng được khởi đóng và hạ thủy sau đó hai năm. Từ khi hạ thủy, nó thực hiện hơn 100 lần thử nghiệm lặn tại những độ sâu khác nhau. Các thử nghiệm đều đạt và vượt yêu cầu.
53 sĩ quan, thủy thủ Việt Nam huấn luyện cùng tàu ngầm trong nhiều tháng tại Nga.
5 tàu còn lại khởi đóng và hạ thủy trong vòng bốn năm sau đó. Ngày 28/5/2014, chiếc thứ sáu trong hợp đồng được cắt thép đóng, hạ thủy ngày 28/9/2015.
Việt Nam đặt tên 6 con tàu gắn với các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Những hố đen trong lòng đại dương
Kilo thuộc lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel – điện, có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Đây là tàu ngầm thuộc hế hệ thứ ba (loại tiên tiến nhất thế giới), dài gần 74 m, rộng 10 m, lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ (37 km/h), lặn sâu tối đa 300 m, hoạt động độc lập 45 ngày đêm, thủy thủ đoàn 52 người.
Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm. Song vũ khí uy lực nhất là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Klub-S. Tổ hợp này gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, giúp chỉ huy tàu ngầm lựa chọn linh hoạt vũ khí trong tác chiến
MẪU 3M54E/E1 CHỐNG HẠM
Phiên bản 3M54E chứa đầu nổ nặng 450 kg, tầm bắn tối đa 220 km, đủ sức phá hủy tàu mặt nước cỡ lớn. Phiên bản 3M-54E1 có tầm bắn 300 km, bay ở tốc độ cận âm 990 km/h.
TÊN LỬA 91RE1/RE2 CHỐNG NGẦM
Tầm bắn 50 km, có khả năng tự tách đầu đạn để ngư lôi tìm mục tiêu. Phiên bản 91RE1 tốc độ tối đa 2.900 km/h, ngư lôi mang đầu nổ 76 kg đủ sức đánh thủng vỏ tàu ngầm đối phương.
TÊN LỬA 3M-14E TẤN CÔNG MẶT ĐẤT
Có hệ thống định vị toàn cầu, sử dụng hệ thống đo độ cao, khớp ảnh địa hình nên có thể bay bám sát địa hình, khiến đối phương khó phát hiện.
Kilo 636 vận hành tốt trong vùng biển nông, có khả năng di chuyển ở gần khu vực đáy biển hơn các loại tàu ngầm tấn công khác. Nhờ công nghệ hiện đại làm giảm đáng kể độ ồn cho lớp Kilo, tàu ngầm có khả năng “tàng hình” trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại, ẩn mình tốt hơn trong lòng biển để tiếp cận đội tàu nổi của địch và tấn công trước khi bị phát hiện.
Nhờ vũ khí hiện đại và khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo, Kilo 636 được hải quân Mỹ mệnh danh là “hố đen trong lòng đại dương”.
Tàu ngầm về Việt Nam
Tên của các tàu ngầm Kilo đều được gắn với tên 6 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
31/12/2013HQ-182 Hà NộiLà chiếc Kilo đầu tiên Việt Nam tiếp nhận. Ngày 31/12/2013, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Sea chở theo tàu ngầm HQ-182 Hà Nội về đến quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).
22/3/2014HQ-183 TP HCMĐược khởi đóng một năm sau tàu ngầm Hà Nội. Tháng 7/2012, con tàu hoàn tất quá trình kiểm tra cấp nhà nước sau khi lặn thử nghiệm hai lần, trong đó một lần ở độ sâu 190 m. Tháng 2/2014, Kilo HQ-183 TP HCM được tàu vận tải Hà Lan vận chuyển từ Kaliningrad về Việt Nam. Một tàu kéo và phá băng phải đưa HQ-183 TP HCM vượt qua dòng sông băng gần 1.000 km. 13h30 ngày 22/3/2014, tàu ngầm kilo được lai dắt vào quân cảng Cam Ranh.
31/1/2015HQ-184 Hải PhòngĐược hạ thủy tháng 8/2013. Sau hơn 40 ngày vượt biển, ngày 28/1/2015, tàu vận tải Rolldock Star chở tàu ngầm Kilo phiên hiệu 184 mang tên Hải Phòng thả neo tại vịnh Cam Ranh. Sáng 31/1/2015, tàu HQ-184 Hải Phòng rời khỏi tàu vậntải Rolldock Star và được các tàu hộ tống Hải quân lai dắt cập quân cảng Cam Ranh vào trưa cùng ngày.
2/7/2015HQ-185 Khánh HòaTháng 8/2013, tàu ngầm mang tên HQ-185 Khánh Hòa được đưa vào chế tạo, hạ thủy ngày 28/3/2014, kiểm tra toàn diện trên biển Baltic trước khi đưa về Việt Nam.
5/2/2016HQ-186 Đà NẵngTối 2/2/2016, tàu vận tải Rolldock Star lai dắt, đưa tàu ngầm Kilo 186 Đà Nẵng về neo đậu tại vịnh Cam Ranh. Ngày 5/2, sau khi các chuyên gia hoàn tất kiểm tra kỹ thuật, nhấn chìm một phần tàu lai dắt Rolldock Star, tàu ngầm Kilo 186 đã cập quân cảng Cam Ranh an toàn.
20/1/2017HQ-187 Bà Rịa-Vũng TàuChiếc cuối cùng trong lô tàu ngầm được chuyên chở về vịnh Cam Ranh sáng 20/1/2017, mang phiên hiệu HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu.
Căn cứ của tàu ngầm
Quân cảng Cam Ranh – một trong những căn cứ lớn nhất của hải quân Việt Nam được chọn là căn cứ của đội tàu ngầm kilo. Cảng nước sâu, xung quanh kín gió, thuận lợi để tránh trú, tàu cỡ lớn ra vào thuận lợi. Ngoài ra, cảng còn có mối liên kết với đường sắt, đường không, đường bộ, gần đường hàng hải quốc tế.
Cam Ranh được giới chuyên gia đánh giá là một trong những quân cảng tốt nhất thế giới, có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa – chiến lược toàn cầu
Sức mạnh mới của Hải quân Việt Nam
Cả 6 tàu Kilo đều thuộc biên chế của Lữ đoàn tàu ngầm 189 (Vùng 4 Hải quân).
Đội hình tàu ngầm Kilo đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hoá vũ khí, khí tài quân sự, nâng cao sức chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Tàu ngầm Kilo cùng các tàu mặt nước, tàu hộ vệ là phương tiện hiện đại làm nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, bảo vệ các căn cứ hải quân, khu vực bờ biển, vùng biển của Việt Nam.
Ngày 28/2/2017, tại lễ thượng cờ hai tàu ngầm HQ-186 Đà Nẵng và HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc hiện đại hóa hải quân, phát triển lực lượng tàu ngầm là việc làm bình thường của quốc gia có biển. Đó không phải là chạy đua vũ trang, không phải để răn đe các nước trong khu vực, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Theo Vnexpress.net