Từ lâu, Trung Quốc đã hạ quyết tâm và chủ động vạch kế hoạch xâm lược Việt Nam vào tháng 2/1979, núp dưới cái tên “Cuộc chiến phản kích tự vệ”.
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Vai trò của Hiệp ước Xô–Trung với cuộc chiến 1979
- Cập nhật : 19/02/2017
Thời hiệu của Hiệp ước Xô-Trung đã làm chậm kế hoạch gây chiến tranh của Bắc Kinh, nhờ đó Việt Nam đã giảm được rất nhiều thiệt hại....
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin BBC ngày 20/2/2014, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc cho rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch đánh Việt Nam từ năm 1978 nhưng phải đến tận giữa tháng 2/1979, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.
Vậy điều gì đã khiến Bắc Kinh không thể thực hiện được kế hoạch mà họ mong muốn?
Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Tỉnh Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979
Hiệp ước Xô-Trung là rào cản khiến Bắc Kinh không thể sớm thực hiện kế hoạch
Theo các nhà lý luận và hoạch định chiến lược cũng các chuyên gia phân tích về quân sự thì việc Đặng Tiểu Bình phải lùi kế hoạch xâm lược Việt Nam đến tháng 2/1979 – khiến Bắc Kinh mất đi nhiều lợi thế - là do ông ta muốn có được sự bảo đảm của Washington và các đồng minh của Mỹ ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc chiến này – nhất là kiềm chế Liên Xô.
Cùng với đó là đảm bảo có được phản ứng tích cực của các nước ASEAN – nơi mà Việt Nam đang rất cần sự ủng hộ sau khi chế độ Pol Pốt - đồng minh chính trị của Trung Quốc tại Campuchia - bị lật đổ.
Nghĩa là Bắc Kinh tìm mọi cách cô lập Việt Nam về mặt ngoại giao và phong toả sự trợ giúp của quốc tế khi Trung Quốc thực hiện cuộc xâm lăng.
Và thực tế đã diễn ra đúng như giới phân tích dự đoán khi Đặng Tiểu Bình thực hiện chuyến thăm Đông Nam Á vào cuối năm 1978, ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng tới khu vực này, rồi sau đó thực hiện chuyến thăm lịch sự tới Mỹ và ghé thăm Nhật Bản trên đường trở về, cùng với đó là có các kết nối ngoại giao với Pháp.
Tuy nhiên, theo Brother Enemy: The War After the War thì Mỹ đã không thuyết phục được các đồng minh ủng hộ việc Trung Quốc tấn công Việt Nam, nên chỉ có một mình Washington đứng về phía Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979.
Còn các quốc gia Đông Nam Á thì cũng không khẳng định rõ lập trường ủng hộ cuộc chiến của Bắc Kinh.
Phải chăng đó là lý do khiến Đặng Tiểu Bình phải lùi thời gian thực hiện cuộc xâm lăng Việt Nam đến tháng 2/1979?
Thực ra đó không phải điều khiến Đặng Tiểu Bình không dám phát động sớm cuộc chiến, mà nguyên nhân được nhận diện chính là Hiệp ước Xô – Trung về liên minh, hợp tác hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau, được ký kết vào ngày 14/2/1950.
Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Xô, một vấn đề quan trọng đặt ra là giá trị pháp lý của Hiệp ước Xô – Trung hữu nghị và liên minh ký năm 1945 giữa Liên Xô và chính quyền Tưởng Giới Thạch, khi tình hình chính trị tại Trung Quốc đã có nhiều thay đổi với một nhà nước Trung Hoa mới ra đời tháng 10/1949.
Sau các cuộc viếng thăm của Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đến Liên Xô vào cuối năm 1949 và đầu năm 1950, hai bên đã thống nhất thay thế Hiệp ước Xô – Trung ký năm 1945 bằng một bản hiệp ước mới giữa Liên Xô với nhà nước Trung Hoa mới.
Và ngày 14/2/1950, Hiệp ước Xô – Trung về liên minh, hợp tác hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau đã được ký kết.
Nội dung của Hiệp ước Xô – Trung về liên minh, hợp tác hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau bao gồm lời nói đầu và sáu điều khoản quan trọng, có hiệu lực 30 năm. Nội dung điều khoản thứ 2 của hiệp ước có ghi: Không bên nào đã ký kết hiệp ước được tham gia bất kỳ liên minh chống lại bên kia, hoặc có các hành động hay các biện pháp nhằm chống lại bên kia.
Trong khi đó, đầu tháng 11/1978, trong chuyến thăm của Tổng bí đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Liên Xô, hai bên đã ký kết Hiệp ước Xô - Việt hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau.
Đây được xem là sự cộng hưởng cho một rào cản pháp lý quan trọng đối với các hành động gây chiến tranh xâm lược Việt Nam của Bắc Kinh.
Khi ngày 15.2.1979 là ngày đầu tiên Hiệp ước Xô-Trung về Liên minh, hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau hết hiệu lực, Trung Quốc chính thức bước ra khỏi sự ràng buộc của hiệp ước này, ngay lập tức, ngày 16.2.1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố về khả năng sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô.
Theo Brother Enemy: The War After the War, dọc tuyến biên giới Xô - Trung thời điểm đó Bắc Kinh đã tập trung khoảng 1,5 triệu quân giải phóng Trung Quốc trên tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu quân. Điều đó cho thấy Đặng Tiểu Bình rất chờ đợi ngày Hiệp ước Xô-Trung hết hiệu lực để thực hiện kế hoạch xâm lược của mình.
Thời hiệu của Hiệp ước Xô-Trung đã làm chậm kế hoạch gây chiến tranh của Bắc Kinh, nhờ đó mà Việt Nam đã giảm được rất nhiều thiệt hại. Bởi lẽ, nều cuộc chiến diễn ra ngay trong năm 1978 thì có thể Việt Nam đã phải củng một lúc đối phó với hai cuộc tranh biên giới: chống Pol Pốt ở biên giới phía Tây Nam, chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Trong tình huống đó thì hậu quả mà các kẻ thù gây ra cho đất nước ta sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều.
Ngọc Việt
Theo Báo Đất Việt