Trong nội dung bài viết này, xin phép được giới thiệu nhận định của một số tờ báo Mỹ về cuộc chiến này.
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên nói về cuộc chiến 1979
- Cập nhật : 19/02/2017
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, người trực tiếp chỉ huy mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang lặng người khi nhớ về cuộc chiến bảo vệ biên giới gần 40 năm về trước.
“Khi chúng tôi đến thăm nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, thì một nửa trong số 1.700 ngôi mộ tại đây là không có tên tuổi. Nhưng đau đớn nhất là gần 3.000 anh em, những người đồng đội của chúng tôi vẫn nằm rải rác ở đất Vị Xuyên trong những khe suối, hốc đá” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho biết.
- PV: Thưa ông, Vị Xuyên đã trở thành một trong những mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ông nhận định thế nào về vị trí của Vị Xuyên trong bối cảnh lịch sử lúc đó?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang (1984-1989): Chúng ta đã biết sau sự kiện ngày 17-2-1979, Trung Quốc đưa 60 vạn quân xâm lược 6 tỉnh biên giới Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho quân và dân ta. Đến năm 1984, Trung Quốc lại quyết định nổ súng tấn công vào tuyến biên giới Hà Giang, trong đó cụ thể là Vị Xuyên.
Tại sao lại là Vị Xuyên chứ không phải nơi nào khác. Phía bên kia họ đã tính toán kỹ, họ không đánh vào Lạng Sơn, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị là nơi dễ bị phát hiện. Trong khi Hà Giang nằm ở phía Bắc của Việt Nam, duy nhất chỉ có đường số 2 từ Phú Thọ đi lên, là nơi vắng vẻ, ít người biết đến. Bởi thế Vị Xuyên mới trở thành tâm điểm của cuộc chiến.
- PV: Sự khốc liệt của trận tuyến Vị Xuyên lúc đó có thể được miêu tả như thế nào, thưa ông?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Chỉ trong 3 ngày, từ ngày 28-4 đến 30-4-1984, cơ bản các điểm cao trên biên giới của chúng ta như 1509, 772, 685… đã bị chiếm. Có những ngày Vị Xuyên bị bắn 3 đến 5 vạn quả đại pháo.
Cả vùng núi Hà Giang, đặc biệt là khu vực Đồi Đài bị bắn phá trở nên trắng xóa, mà đến bây giờ người ta vẫn gọi là “lò vôi của thế kỷ”. Rất nhiều chiến sỹ của ta đã hy sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ thì có gần 5.000 chiến sỹ đã ngã xuống tại mặt trận Vị Xuyên.
Khi chúng tôi đến thăm nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, thì một nửa trong số 1.700 ngôi mộ tại đây là không có tên tuổi. Nhưng đau đớn nhất là gần 3.000 anh em, những người đồng đội của chúng tôi vẫn nằm lại rải rác ở mảnh đất Vị Xuyên.
Trang nhất Báo Nhân dân số ra ngày 20-3-1979 đưa tin về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc
- PV: Cuộc sống của bộ đội Vị Xuyên lúc bấy giờ hẳn là rất gian khổ, thiếu thốn?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Chúng tôi ăn ngủ chủ yếu dưới hầm hoặc trong công sự, hoặc trú ẩn trong những hang đá lớn. Tôi nhớ là hồi ấy bộ đội nấu nướng ở trong những hang như Làng Lò, hang Dơi… Những hang ấy rộng lắm, chứa được có khi đến hàng nghìn người.
Những anh em bị thương cũng được đưa về đó nghỉ ngơi. Nước rất khan hiếm, vì ở trên núi đá vôi làm gì có nước. Bởi vậy chúng tôi phải xuống suối Thanh Thủy để lấy nước, rồi gùi từng gùi về đơn vị. Lương thực, thực phẩm thiếu thốn lắm, khi chưa có chi viện.
- PV: Là người chỉ huy, chắc hẳn ông nắm rõ tâm tư của những người lính khi ấy?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Tôi là cán bộ chỉ huy và thường xuyên lên tận nơi trực tiếp kiểm tra anh em. Trong đơn vị, nhiều anh em là người Hà Nội. Hồi ấy, thanh niên Hà Nội dễ bị ấn tượng “À, công tử bột, chắc chẳng làm nên trò trống gì đây”.
Nhưng vừa thấy tôi lên, anh em ôm lấy tôi, bảo là: “Thủ trưởng ạ, thủ trưởng cứ yên tâm. Chúng em là lính Hà Nội nhưng dứt khoát giữ được trận địa”. Quả là họ đã giữ lời hứa, suốt 5 năm chiến đấu, chúng tôi đã giữ vững trận tuyến, mặc dù có những thời điểm hai bên giằng co, cách nhau chỉ có 10-15m. Trong khoảng thời gian ấy, dù thương vong nhiều, nhưng chúng tôi quyết giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
- PV: Kể từ thời điểm 17-2-1979, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc mở đầu cho đến khi cuộc chiến kết thúc, gây ra nhiều đau thương, mất mát, trong đó có mặt trận Vị Xuyên. Giờ khi nhìn lại thời điểm ấy trong cuộc đời, ông có suy nghĩ gì?
- Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy: Chúng ta không ai muốn chiến tranh. Ai cũng muốn hòa bình, hữu nghị, sống trong yên ổn. Nhưng tình thế bắt buộc chúng ta phải chiến đấu để giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi may mắn sống sót trở về, nhưng còn mấy nghìn đồng đội của chúng tôi, các anh vẫn nằm lại nơi biên giới. Chúng tôi hy vọng Nhà nước, các tổ chức đoàn thể sẽ rà soát, tìm kiếm hài cốt các anh để đưa về nghĩa trang Vị Xuyên, để những người thân của họ, những người đồng đội như chúng tôi an lòng.
- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo ANTĐ