Lần đầu tiên trong gần 30 năm, một vị Thủ tướng Australia đã đàm phán với một vị tổng thống Myanmar.
Asean - Trung Quốc: mong đợi gì cho COC?
- Cập nhật : 12/10/2016
Sau những thất vọng hồi tháng 7 năm nay, khi lần đầu tiên AMM sau 45 lần họp đã không ra nổi một Tuyên bố chung, nhưng dư luận vẫn mong chờ một sự thay đổi trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN sắp tới sẽ diễn ra tại Phnompenh – thủ đô Campuchia. Một trong những nội dung trọng tâm mà thế giới cùng khu vực mong đợi ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là việc liệu ASEAN có thông qua được bản COC trên biển Đông hay không?
Nhiều quốc gia vẫn trông mong sẽ có sự thay đổi trong hội nghị thượng đỉnh lần này vì những lý do sau:
Thứ nhất, người ta vẫn biết Thủ tướng Campuchia Hun Sen là một “ chính khách lão luyện”, cho nên sau sự cố AMM 45, mặc dù ông ta vẫn phải đứng về phía Trung Quốc (để giành những lợi ích kinh tế to lớn từ phía Trung Quốc), nhưng trước sự lên án mạnh mẽ của ASEAN và cộng đồng quốc tế, có thể ông ta sẽ đưa ra một biện pháp trung dung để xoa dịu ASEAN cũng như trấn an các cường quốc khác khi muốn chứng tỏ Campuchia không hẳn là ngả toàn bộ về phía Trung Quốc.
Trung Quốc và Philipines đụng độ một thời gian dài ở khu vực khu vực bãi cạn Scarborough, biển Đông.(điểm A trên hình). |
Thứ hai, sau sự cố AMM 45, cả Campuchia cũng như Trung Quốc đều phải điều chỉnh chính sách đối ngoại, Trung Quốc không thể để Hoa Kỳ lợi dụng tình hình này để siết chặt “sự bao vây quân sự” của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc thông qua các nước ASEAN trong chiến lược “trở lại châu Á” của Washington.
Thế nhưng, những hy vọng về một bản COC sẽ được công bố trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này dường như đã bị dập tắt.
Cho đến nay, bản dự thảo COC (dự thảo số 0) từ Indonesia đã được trao đến tay tất cả các quốc gia trong ASEAN, nội dung bản dự thảo lần này gồm 9 điều, và nhận được sự đồng ý của tất cả các quốc gia trong ASEAN. Trong bản dự thảo này, chúng ta cần đặc biệt chú ý tới điều 4, điều 5, điều 6.
Điều 4 nhắc tới phạm vi áp dụng của COC: “COC được áp dụng tại tất cả các khu vực biển chưa được giải quyết giữa các bên liên quan trên biển Đông, không ảnh hưởng tới các tuyên bố chủ quyền”. Theo quy định tại điều này, phạm vi áp dụng của COC rất rộng, bao trùm lên tất cả các khu vực tranh chấp trên biển Đông. Nhưng có lẽ, Trung Quốc sẽ là bên phản đối điều này, bởi lẽ Trung Quốc chỉ muốn đề cập và công nhận vùng Trường Sa là vùng tranh chấp, còn vùng Hoàng Sa, theo Trung Quốc đương nhiên là không phải là vùng đang tranh chấp. Và như vậy, trong tương lai, nếu COC được thông qua thì có lẽ lại xuất hiện một loạt những tranh cãi về đâu là vùng đã giải quyết và đâu là vùng chưa giải quyết.
Khoản 3 Điều 5 quy định rằng: “Bất kỳ hành động hay hoạt động nào diễn ra khi COC đang có hiệu lực cũng không thể tạo cơ sở cho việc khẳng định, ủng hộ hoặc phủ nhận một tuyên bố chủ quyền lãnh thổ nào ở biển Đông hay tạo ra bất kỳ quyền chủ quyền nào ở biển Đông”. Nếu vậy, có lẽ Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ và thế mạnh của họ để tiếp tục tạo những lợi thế cho họ trước khi họ tham gia vào COC. Và đó cũng là chiến thuật của Trung Quốc khi họ kéo dài thời gian hoàn tất COC càng lâu càng có lợi cho họ.
Tại điều 6 trong COC vẫn chưa xác định rõ được đâu là khu vực tranh chấp trên biển Đông, mà chỉ “khuyến khích các bên liên quan cùng làm việc để xác định và làm rõ các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải tại biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”.
Trong bài phát biểu mới đây trước báo chí Việt Nam, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã cho biết là các thành viên ASEAN đã nhất trí với nhau về các thành tố cơ bản của COC. Tuy nhiên, các thành viên ASEAN đồng ý với nội dung của bản dự thảo nhưng không đồng nghĩa với việc đồng ý thông qua bản dự thảo này. Ngoại trưởng VN cũng nhắc tới việc đưa COC ra trước ASEAN, nhưng ông ta nhấn mạnh 2 điểm: Thứ nhất, ông ta khẳng định : “COC không phải nguyên lý để giải quyết tranh chấp về chủ quyền hoặc về một hòn đảo nào. COC tiến tới bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực để các bên cùng cam kết không gây ra xung đột, đánh chiếm, chiếm đóng, chứ không phải cơ chế giải quyết chủ quyền, lãnh thổ”. Điều đó nhằm ý cảnh báo rằng COC không phải là “chiếc đũa thần” có thể dẹp yên mọi tranh chấp trên biển Đông. Thứ hai, ông ta cũng cho rằng: “Đây là thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc nên phải được cả ASEAN và Trung Quốc đồng ý với nhau đi vào thỏa thuận. Nhưng quan trọng nhất là các nước ASEAN phải thống nhất được với nhau những nguyên tắc, thống nhất thành tố cơ bản của COC”. Thực chất trong vấn đề này, chính là việc các nước ASEAN chưa đủ quyết tâm để đồng thuận trong việc thông qua COC.
Trong sự cố AMM lần thứ 45 hồi tháng 7 vừa rồi, công luận đã chỉ đích danh Campuchia đã đứng về phía Trung Quốc, khi mà tìm cách gạt các ý kiến của Philippines, Việt Nam ra khỏi bản tuyên bố chung, và thậm chí còn tìm cách không đưa ra bản tuyên bố chung khi bế mạc AMM 45 nữa.
Trong hội thảo kỷ niệm 10 năm ra đời DOC, chúng ta có thể chú ý lời phát biểu của bà Phó Oánh – thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Trong phát biểu đăng tải trên Xinhua, China Daily và CRI, bà ta dường như chỉ nhắc tới DOC, với COC bà chỉ nhắc tới một lần khi cho rằng cần phải từ từ từng bước để tiến tới COC. Điều này cũng đúng với chiến lược mà bấy lâu nay Trung Quốc vẫn đang áp dụng, một mặt tuyên bố là sẵn sàng cho việc tham gia đàm phán COC với ASEAN, nhưng thực tế thì đang tìm cách trì hoãn bằng cách gây ảnh hưởng để các nước ASEAN không thông qua được COC, trong thời gian đó, lợi dụng việc Mỹ sẽ không có phản ứng mạnh mẽ ở biển Đông, Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng và tăng cường lợi thế của mình trên khu vực biển này.
Tuy nhiên, để không muốn rơi vào thế bị động và có thể kiểm soát được tiến trình thông qua COC, Trung Quốc cũng đồng ý tham gia nhưng với tư cách không chính thức.
Ngay sau khi kết thúc hội thảo về DOC, Tân hoa xã đã đưa tin bà Soeung Rathchavy – trợ lý Ngoại trưởng Campuchia, cũng đồng thời là trưởng ban tổ chức hội thảo về COC cho biết là “tất cả các bên đều đồng ý rằng COC phải được tạo lập bởi cả ASEAN và Trung Quốc thông qua nguyên tắc đồng thuận”. Điều này cũng hàm ý là nếu Trung Quốc chưa đồng thuận thì khó có thể đưa ra COC được.
Như đã nói, trong bối cảnh hiện nay, kể cả những căng thẳng liên quan đến tranh chấp Senkaku/ Điếu ngư Đài giữa Trung Quốc và Nhật Bản – một đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng phản ứng của Mỹ rất chung chung và không rõ ràng, một mặt Mỹ khẳng định Mỹ không có vị trí nào trong tranh chấp, và Mỹ không đứng về phía bên nào, nhưng Mỹ cũng tái khẳng định Mỹ đã có Hiệp ước an ninh với Nhật, vì thế nếu Nhật bị tấn công, Mỹ sẽ can thiệp ngay bằng quân sự. Nhưng dường như Trung Quốc cũng biết những điều đó, cả Trung Quốc và Nhật sẽ không thể để xảy ra chiến tranh. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục gây căng thẳng trên khu vực, nhưng chưa đến mức dẫn đến chiến tranh, và phản ứng của Mỹ trong trường hợp đó, cũng rất hạn chế ngoài những phát biểu chung chung của các quan chức Mỹ.
Nói về những vấn đề liên quan đến việc đi đến ký kết COC, Ngoại trưởng Hoa Kỳ hồi tháng 7 cho rằng: “Việc này không phụ thuộc vào Mỹ, không phụ thuộc vào Trung Quốc, không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào bên ngoài, mà trông chờ vào chính các thành viên ASEAN". |
Chính vì vậy, khi biết những giới hạn mà Mỹ có thể chấp nhận, Trung Quốc vẫn luôn tận dụng tình thế đó, để tạo lập những lợi thế cho mình, trong đó có cả việc ngăn cản việc ký kết COC của ASEAN.
Việc Trung Quốc chưa đồng thuận việc ký kết COC là điều rất rõ trong các phát biểu của các quan chức Trung Quốc. Các học giả cũng đã từng kiến nghị là các nước ASEAN có thể tự ký với nhau bản COC, còn sau đó sẽ mời Trung Quốc tham gia, đó sẽ là cách mà đặt Trung Quốc vào thế bắt buộc phải tham gia, thế nhưng điều quan trọng là Trung Quốc đã và đang thành công trong việc chia các thành viên ASEAN ra làm nhiều nhóm khác nhau, từ đó tác động tới họ. Campuchia là một trường hợp điển hình. Tờ nhật báo Cambodia Daily đã trích lời bà Soeung Rathchavy cho biết là “COC vẫn còn đang trong thời gian thảo luận”, và bà ta cũng cho biết thêm là COC sẽ không được thông qua trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN tháng 11 này.
Nói như Ngoại trưởng Hoa Kỳ hồi tháng 7: “Điều này không phụ thuộc vào Mỹ, không phụ thuộc vào Trung Quốc mà phụ thuộc vào ASEAN. Không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào bên ngoài, mà trông chờ vào chính các thành viên ASEAN” Chính ASEAN sẽ phải quyết định vấn đề này. Nhưng ASEAN với “nỗi buồn cố hữu” đó là sự chia rẽ về lợi ích khiến ASEAN đứng trên bờ vực của sự tan vỡ, ngay cả quốc gia chủ nhà ASEM lần này là Lào, mặc dù dưới sự phản đối của nhiều quốc gia tại khu vực sông Mekong về dự án thuỷ điện.
Với tình hình này, tương lai của COC cũng như triển vọng về những giải pháp cho việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông còn rất xa vời.
Hoàng Việt
Theo SGTT