Chuyên gia cảnh báo toan tính của Trung Quốc khi đưa tàu cứu hộ đến neo đậu thường trực ở đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đưa máy bay ném bom diễn tập tại Hoàng Sa
- Cập nhật : 21/05/2018
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc diễn tập oanh tạc cơ trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, không tiến hành quân sự hóa và rút các trang thiết bị quân sự trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa.
Trước đó, ngày 18-5, trang web của quân đội Trung Quốc đăng video và hình ảnh cho thấy một oanh tạc cơ H-6K diễn tập hạ cánh và cất cánh tại đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 21-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với hành động trái phép nêu trên của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
"(Hành động đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa - PV) làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông" - bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Cũng liên quan đến vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, trước đó, tối 8-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa.
Phản ứng của Việt Nam được đưa ra sau khi đài CNBC của Mỹ dẫn nhiều nguồn tin tình báo cho biết các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt tại đá Chữ Thập, đá Subi, và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Tuoitre.vn