Trung Quốc và ASEAN đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận hải quân đầu tiên; Philippines tăng cường hợp tác quân sự với Nga, Mỹ và Trung Quốc; tàu sân bay Mỹ Theodore Rooservelt tới châu Á - TBD... là những tin tức nóng nhất về Biển Đông.
Việt Nam mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước trong đó có Belarus có lợi cho đa dạng hóa nguồn cung, chủ động hơn trong xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Sputnik Nga ngày 20/10 dẫn các nguồn tin cho hay Việt Nam luôn coi trọng phát triển truyền thống hữu nghị và quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện với Belarus.
Việt Nam và Belarus nhất trí tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự
Vào ngày 18/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Bế Xuân Trường và Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc gia về Công nghiệp quốc phòng Belarus đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban hỗn hợp liên chính phủ Việt Nam - Belarus về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Tại kỳ họp này, Việt Nam khẳng định hoạt động của ủy ban hỗn hợp này đã đóng góp cho bảo vệ hòa bình, ổn định của mỗi nước, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Việt Nam khẳng định luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện với Belarus.
Hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác kỹ thuật quân sự hai nước kể từ Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban hỗn hợp đến nay. Hai bên đạt được đồng thuận về nội dung của “Kế hoạch hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam - Belarus năm 2018” và “Kế hoạch hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam - Belarus giai đoạn 2016 - 2020”.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc những năm gần đây đều chú ý đến các động thái hợp tác quân sự của Việt Nam với các nước, trong đó có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam - Belarus.
Theo đánh giá của họ, phát triển quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Belarus là một trong những động thái tích cực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trang bị của Việt Nam, giúp Việt Nam tránh lệ thuộc quá mức vào Nga. Việt Nam đã thành công trong chính sách này. Trọng điểm trong hợp tác với Belarus là “chương trình nghiên cứu sản xuất công nghiệp quốc phòng và đào tạo kỹ thuật”.
Một minh chứng rõ nét của hợp tác kỹ thuật quân sự Việt Nam - Belarus là dưới sự hỗ trợ của Belarus, Việt Nam đã chế tạo thành công một loại máy bay không người lái cỡ lớn có tên là HS-6L, sải cánh 22 m, thời gian hoạt động liên tục trên không lên tới 35 giờ, khoảng cách bay dài nhất là 4.000 km.
Việt Nam nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái từ năm 2013. Việt Nam sử dụng HS-6L cho mục đích khoa học và do thám. Việc chế tạo thành công HS-6L cho thấy Việt Nam có khả năng phát triển các loại máy bay không người lái dân dụng và quân dụng.
Máy bay HS-6L có thể tiến hành giám sát các hoạt động quân sự của đối phương trên Biển Đông cũng như khu vực lân cận.
Máy bay không người lái HS-6L của Việt Nam lắp động cơ Rotax 914; có thể lắp thiết bị quang học và giám sát, kiểm soát radar.
Vào năm 2014, Việt Nam cũng đã mua một số máy bay không người lái chiến thuật Grif-K của Belarus, loại máy bay này sải cánh 5,7 m, trọng lượng cất cánh tối đa là 120 kg, tải trọng hiệu quả là 25 kg.
Ngoài dựa vào Belarus để phát triển máy bay không người lái, trước đây Việt Nam cũng đã nhập khẩu máy bay không người lái hạng trung Magic Eye của Thụy Điển. Hai bên còn ký thỏa thuận hợp tác sản xuất loại máy bay không người lái này.
Năm 2014 và 2015, Việt Nam cũng đã đặt mua máy bay không người lái Orbiter2 và Orbiter3 của Israel. Nhưng tính năng của những máy bay này không bằng máy bay không người lái HS-6L của Belarus.
Radar Vostok-E giúp Việt Nam chống tàng hình
Bên cạnh máy bay không người lái, báo chí Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc Việt Nam mua rất nhiều radar cảnh báo sớm tầm xa Vostok-E của Belarus. Loại radar này tốt hơn sản phẩm cùng loại của Nga, có thể giúp Việt Nam phát hiện ra máy bay chiến đấu tàng hình của đối phương, trong đó có J-20 Trung Quốc.Theo suy đoán của báo chí Trung Quốc, Việt Nam tập trung triển khai radar Vostok-E ở bờ biển vịnh Bắc Bộ và hướng vào do thám trên Biển Đông. Nhờ những radar này, hạm đội Hải quân Việt Nam có thể an toàn vươn ra Biển Đông trong thời chiến.
Hiện nay, Trung Quốc đã biên chế máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ thử nghiệm trong các đơn vị quân đội, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, sau đó sản xuất hàng loạt loại máy bay này.
Radar Vostok-E có các đặc điểm như chống gây nhiễu, chống tàng hình, tin cậy và tính cơ động cao. Khoảng cách dò tìm đối với những máy bay chiến đấu không tàng hình như Su-27 đạt 360 km, đối với những máy bay tàng hình như F-117A và B-2 là 350 km.
Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng radar Vostok-E có khả năng phản ứng nhanh tốt. Nó chỉ cần 2 nhân viên là có thể điều khiển. Việc triển khai và thu về anten của nó có thể tiến hành tự động hoặc bằng tay, thời gian từ khởi động đến phát hiện mục tiêu dài nhất chỉ cần 6 phút.
Do có các chức năng theo dõi tự động, loại radar này một lần có thể theo dõi và “khóa” tới 16 mục tiêu trên không.
Ngoài ra, radar Vostok-E có thể dễ dàng tích hợp vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát của toàn bộ lực lượng phòng không. Tức là sau khi phát hiện và “khóa” được máy bay chiến đấu đối phương, radar này có thể nhanh chóng cung cấp thông tin cho các loại vũ khí phòng không để tiến hành tấn công giai đoạn đầu.
Radar Vostok-E có thể cùng với tên lửa Bastion-P Việt Nam mua của Nga tạo thành mạng lưới hỏa lực “kép” phòng không, chống hạm.
Chính vì loại radar này chỉ có chức năng do thám, không có chức năng điều khiển hỏa lực, có nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Việt Nam buộc phải dựa cả vào loại radar khác mới đối phó được máy bay tàng hình của đối phương, điều này ít nhiều giảm khả năng phản ứng nhanh trong chiến đấu.
Ngoài những hợp tác trên, phía Belarus còn thiết lập văn phòng tại Việt Nam. Hai bên còn có thể thúc đẩy triển khai hợp tác trên các lĩnh vực như xe tăng chiến đấu và máy bay vận tải quân dụng. Điều này có thể giúp cho trình độ vũ khí trang bị của Việt Nam được cải thiện.
Ngoài Nga và Belarus, Việt Nam còn tìm kiếm nhiều đối tác hợp tác công nghiệp quân sự hơn, bao gồm Ukraine, Séc, Ba Lan, Indonesia, Ấn Độ, Israel và Hàn Quốc. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với các nước này để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã để mắt tới những nước có công nghệ quân sự tiên tiến như Pháp, Đức và Anh. Nếu có được công nghệ vũ khí từ những nước phát triển này của châu Âu thì thực lực công nghiệp quân sự của Việt Nam sẽ tiếp tục nâng lên tầm cao mới.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn