Trong ASEAN, đối tác quan trọng nhất về khí tài quân sự của Nga là Việt Nam mà mới nhất là việc Nga chuyển giao xe tăng T-90S cũng như đàm phán cung cấp hệ thống phòng không S-400 và tiêm kích Su-35S, theo truyền thông Nga.
Tin Biển Đông: Trung Quốc và ASEAN lần đầu tập trận hải quân chung?
- Cập nhật : 25/10/2017
Trung Quốc và ASEAN đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận hải quân đầu tiên; Philippines tăng cường hợp tác quân sự với Nga, Mỹ và Trung Quốc; tàu sân bay Mỹ Theodore Rooservelt tới châu Á - TBD... là những tin tức nóng nhất về Biển Đông.
Trung Quốc và ASEAN lần đầu tập trận hải quân chung?
Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Singapore, Trung Quốc và khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) lên kế hoạch tăng cường quan hệ quân sự và sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung theo đề xuất của Bắc Kinh.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), chi tiết của cuộc tập trận này chưa được công bố, song các nhà quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy ASEAN không coi Trung Quốc “là kẻ thù”.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Chang Wanquan và người đồng cấp Singapore Ng EngHen, đã gặp mặt bên lề hội nghị an ninh ASEAN tổ chức tại Philippines. Hai quan chức đã thảo luận “những sáng kiến thực tế xa hơn để thúc đẩy mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc” cũng như lên kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc.
Singapore được xem là “nhà điều phối” giữa ASEAN và Trung Quốc từ năm 2015 đến 2018.
“Singapore ủng hộ kế hoạch đó. Chúng tôi sẽ thúc đẩy nó với lý do rằng tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc đều muốn như vậy. Nếu tập trận chung thì ít nhất chúng tôi có thể xây dựng được lòng tin và hiểu biết lẫn nhau”, ông Ng cho các phóng viên biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng cho hay chi tiết, bao gồm một địa điểm thích hợp, sẽ được hai bên thảo luận sau. Các nhà quan sát cho rằng cuộc tập trận chung mở màn này có thể bao gồm các hoạt động phi chiến đấu như tuần tra, ra tín hiệu, tìm kiếm và cứu nạn.
Triều Tiên biến Biển Đông thành bãi thử tên lửa?
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 11 đã khai mạc sáng 23/10 tại Trung tâm hội nghị ASEAN ở thành phố Clark của Philippines.
Tờ Express của Anh đưa tin, không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự "an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông", Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN còn bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên cũng như khả năng Biển Đông bị biến thành bãi thử tên lửa.
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, việc nối lại các cuộc đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là điều cần thiết và hy vọng các bên liên quan có hành động kiềm chế.
Trong ngày 24/10, Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng đã có các cuộc trao đổi với những người đồng cấp tới từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Nga và New Zealand. Nội dung chính của các cuộc thảo luận là tình hình Biển Đông và Triều Tiên.
Philippines tăng cường hợp tác quân sự với Nga
Ngay trước cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Tổng thống Philippines Duterte đã hội đàm cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ông Shoigu tới Philippines để tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN.
Hôm 25/10, Tổng thống Duterte dự kiến thăm tàu chống ngầm Đô đốc Pantaleyev của Nga đang neo đậu ở cảng Philippines.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippine Delfin Lorenzana ngày 24/10 cho biết nước này sẽ nhận các thiết bị hạng nặng từ Trung Quốc để tái thiết thành phố Marawi, vốn bị cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và phiến quân tàn phá.
Ông Lorenzana cũng xác nhận Bắc Kinh sẽ cung cấp súng trường và đạn dược cho Manila, đồng thời bàn giao 4 tàu tốc độ cao trước cuối năm nay.
Sau những diễn biến nói trên, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Sung Kim, đã lên tiếng trấn an việc Tổng thống Duterte tiếp cận Nga và Trung Quốc. Đồng thời, ông Sung Kim lưu ý Washington là đồng minh quân sự mạnh mẽ nhất của Manila.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt đến châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: AP
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến châu Á – Thái Bình Dương
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt cùng nhóm tàu tấn công đã đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày hôm qua (24/10).
USS Theodore Roosevelt mang theo bốn phi đội máy bay chiến đấu, một đội tấn công điện tử, một đội cảnh báo sớm và hai trực thăng chiến đấu.
“Tàu sân bay lớp Nimitz, USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và nhóm tấn công tàu sân bay Theodore Roosevelt (TRCSG) đã tiến vào khu vực hoạt động của Hạm đội 7 để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải, hợp tác diễn tập an ninh và tới thăm bến cảng các nước.
Theodore Roosevelt là tàu sân bay “nòng cốt” của Nhóm tấn công tàu sân bay số 9, đi kèm với tên lửa hành trình dẫn đường Bunker Hill và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường Halsey, Preble, Sampson.
Tuệ Minh (tổng hợp)
Theo Infonet.vn