Quần đảo Hoàng Sa nằm trong một phạm vi khoảng 15.000 km2, giữa kinh tuyến khoảng 111 độ Đông đến 113 độ Đông, khoảng 95 hải lý(1 hải lý = 1,853 km), từ 17o05’ xuống 15o45’ độ vĩ Bắc, khoảng 90 hải lý; xung quanh là độ sâu hơn 1000m, song giữa các đảo có độ sâu thường dưới 100m.
Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 2: Sức ép và phản ứng
- Cập nhật : 12/10/2016
Trong các thập kỷ gần đây, trong quan hệ với VN, TQ đã hai lần sử dụng vũ lực để giành quyền chiếm hữu các đảo này, ngày 19.1.1974 tại Hoàng Sa và ngày 14.3.1988 tại Trường Sa.
Sau các biến cố trên, mặc dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ năm 1991, song tình trạng căng thẳng trên biển vẫn tồn tại ([1]). Việc thông qua Luật về lãnh hải của CHND Trung Hoa ngày 25.2.1992, trong đó khẳng định lại yêu sách của TQ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lại làm dấy lên một làn sóng lo ngại mới tại Đông Nam Á ([2]) về những toan tính sâu xa của TQ.
Tháng 2.1995 đến lượt quan hệ TQ - Philippines trở nên căng thẳng. Philippines đã tố cáo TQ xâm chiếm bằng quân sự một đảo đá nhỏ mà Philippines tuyên bố chủ quyền trong quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã đưa ra những tấm ảnh cho thấy các cấu kiện hình đa giác đã được dựng trên những cột thép đảo đá Vành Khăn, mà theo Philippines, đó là các công trình nhà ở lâu dài. Tàu chiến của TQ cũng được quan sát thấy tập trung xung quanh đảo đá này. Philippines đã phản ứng bằng cách tăng cường thêm lực lượng quân sự tại Trường Sa.
Ngày 15.5.1996, TQ gia nhập UNCLOS 1982 và cam kết giải quyết các tranh chấp “phù hợp với luật pháp quốc tế đã được công nhận”. Tuy nhiên, cùng ngày, TQ công bố sắc lệnh mở rộng lãnh hải, trong đó áp dụng việc vạch đường cơ sở cho quốc gia quần đảo vào khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hành động này của TQ là “bất hợp pháp - đó là điều mà nhiều học giả đều nói tới” và là chủ đề chất vấn tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Đóng góp của Indonesia (trong vai trò đồng chủ trì với Canada) và các nước ASEAN, TQ tại Hội thảo “Kiềm chế các xung đột tiềm tàng tại biển Đông” từ năm 1993, các sáng kiến về Bộ quy tắc ứng xử giữa VN - Philippines, TQ - Philippines, nỗ lực của các bên liên quan trực tiếp đã đưa đến việc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trong biển Đông năm 2002 (DOC), một bước ngoặt mới đi đến một giải pháp cho biển Đông.
Tuy nhiên cơn khát dầu lửa và các nguồn tài nguyên biển lại tiếp tục làm dấy lên làn sóng lo ngại mới về hành động lấn chiếm trên biển Đông. Trong năm 2007-2009, TQ đưa ra chiến lược “biển xanh”, triển khai căn cứ tàu ngầm nguyên tử ở Hải Nam, xúc tiến chương trình đóng tàu sân bay, nâng cấp đơn vị hành chính Tam Á, mở tour du lịch ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Tháng 11.2008, Tập đoàn dầu khí quốc gia TQ CNOOC thông qua kế hoạch đầu tư 200 tỉ NDT (29 tỉ USD) cho thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông.
TQ cũng tăng cường sức ép lên các công ty dầu khí nước ngoài (British Petroleum (BP), Conoco Phillips, Exxon Mobil, và Oil & National Gas Company (ONGC) đang làm việc trên thềm lục địa VN, tiếp tục duy trì yêu sách đường “lưỡi bò” đứt khúc 9 đoạn và chủ trương “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp cùng khai thác”.
|
Tháng 5.2009, tình hình thêm nóng bỏng với việc VN tự trình và cùng Malaysia trình hồ sơ chung ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý và phản đối của TQ. Phái đoàn đại diện của TQ tại LHQ lần đầu tiên chính thức khẳng định yêu sách của nước này với tất cả vùng nước và các đảo trong phạm vi “đường yêu sách lưỡi bò”. VN và Malaysia cho rằng hồ sơ ranh giới thềm lục địa của mình được tính từ đường cơ sở đất liền nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước nào khác.
Tầm quan trọng chính trị, chiến lược và kinh tế của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đòi hỏi phải có được một giải pháp tổng thể. Nhưng trước hết tranh chấp ở đây phải được coi là tranh chấp pháp lý, trong đó cần dựa trên danh nghĩa pháp lý nào để xác định chủ quyền trên các quần đảo này?
Câu hỏi được đặt ra là: đây có phải là tranh chấp có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ được coi là vô chủ (res nullius) hoặc là tranh chấp một vùng lãnh thổ trên đó chủ quyền quốc gia đã được xác định, nhưng với thời gian và sự phát triển của các sự kiện, lãnh thổ đó trở thành lãnh thổ từ bỏ (terre derelictio)?
Do việc chiếm cứ các đảo khác nhau tại các giai đoạn khác nhau và do có quá nhiều các danh nghĩa khác nhau được đưa ra trên cùng một vùng lãnh thổ. Đã có khá nhiều tác phẩm trong và ngoài nước viết về tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu sâu các luận thuyết của mỗi bên tranh chấp dưới ánh sáng của thuyết luật theo thời điểm (Intertemporel).
Luật theo thời điểm do M.Hubert đưa ra lần đầu tiên trong vụ đảo Palmas bao gồm hai nguyên tắc cơ bản:
1) Một sự kiện pháp lý phải được đánh giá dưới ánh sáng của luật mà nó là đương thời chứ không phải dưới ánh sáng của luật có hiệu lực vào thời điểm mà tranh chấp nảy sinh hoặc được giải quyết;
2) Một luật lệ không thể duy trì trong một hệ thống pháp luật trừ phi nó phù hợp với các yêu cầu trong hệ thống đó.
TSNguyễn Hồng Thao
(Theo Thanh Niên)
[1] Quan hệ Việt-Trung đó được cải thiện đáng kể với việc hai bên nâng quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” tháng 5.2008, giải quyết các bất đồng trong vịnh Bắc Bộ năm 2000 và hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt-Trung năm 2008.
[2] Far East Economic Review (Tạp chí kinh tế Viễn Đông). FEER, ngày 13.8.1992.