Người có công sưu tầm, công bố cuốn tài liệu quý trên là ông Bùi Viết Đông, 84 tuổi, ở phố Cấm, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Trong cuốn sách có đăng tấm bản đồ mang tên “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” với điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam (không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 11: Chiếm hữu đúng luật
- Cập nhật : 12/10/2016
Nếu các chuyến đi đo đạc, vẽ hải trình được coi là các hành động nhận biết chung, thì việc cắm các bài gỗ theo lệnh vua đã tạo nên một hành vi không thể tranh cãi trong việc thiết lập quyền lực vương triều An Nam trên các đảo hoang không người.
Năm 1833, vua lệnh cho Bộ Công:
“Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi - TN), xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối tươi xanh, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó là việc lợi ích muôn đời vậy”.
Năm 1835, Suất đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền các tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Định tới quần đảo “đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên trái miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây dựng bình phong”. Mong muốn của vua Minh Mạng khẳng định chủ quyền, bảo đảm an toàn hàng hải trong các vùng nước xung quanh các đảo đá được thể hiện rõ.
|
Việc chiếm hữu Hoàng Sa còn cho phép vua Nguyễn đánh thuế các tàu thuyền nước ngoài qua lại trong vùng. Theo Gutzlaff, một đồn hoặc đại đồn trú được đặt trên quần đảo nhiều tháng trong năm để theo dõi giao thông đi lại ngày càng tăng và bảo vệ quyền đánh cá trong vương triều An Nam. Các hoạt động cứu giúp thuyền nước ngoài bị nạn tại các vùng nước xung quanh Hoàng Sa cũng được ghi nhận. Chúng ta có thể nêu vài trường hợp.
Năm 1714, ba tàu buôn Hà Lan bị bão gần Hoàng Sa trên đường đi từ Nhật Bản về Batavia (Indonesia) và một chiếc trong số đó đã bị chìm. Người VN đã đưa những người còn sống sót về đất liền. Họ đã được chúa Nguyễn gặp, cung cấp tiền bạc và lương thực để tiếp tục hành trình.
Báo cáo của Trấn phủ Đà Nẵng, niên hiệu Minh Mạng năm thứ 11 (1830) cũng ghi nhận sự cứu giúp một tàu buôn Pháp bị đắm ở Hoàng Sa [1]. Năm 1836, Quốc triều chính biên toát yếu chép rằng: vào tháng 12 âm lịch, một tàu buôn của Anh bị đắm tại một bãi ngầm ở gần Hoàng Sa. Hơn 90 thủy thủ trôi dạt vào bờ biển Bình Định. Vua Minh Mạng đã giúp đỡ họ chỗ nương đậu và lương thực trước khi sai Nguyễn Tri Phương đưa họ về Hà Châu để hồi hương.
Bên cạnh nguồn tư liệu chính thức, các tư liệu dân gian thực địa cũng góp phần kiểm chứng các hoạt động trên. Ngày nay tại thôn An Vĩnh, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (cù Lao Ré) vẫn còn miếu Hoàng Sa (Âm Linh tự), nhà thờ Phạm Quang Ảnh và gia phả họ Phạm, các dấu tích hình nộm, người đất, nghĩa địa dùng trong lễ hằng năm khao quân tế sống lính đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ. Văn khao thế lính Hoàng Sa một nửa chữ Nôm một nửa chữ Hán ghi rằng: "Ngày hôm nay (đêm nay hoặc sáng nay) có theo ý người ____ ở tỉnh____nước Đại Nam, xin cúng thế một cỗ thuyền mô hình, trôi theo đường thủy Hoàng Sa, mấy cỗ bàn, vàng bạc, đáp lễ thần quan, xin dâng lên khảo thủy đạo một tiệc, thành kính bày lễ la liệt... [2]
Những hình ảnh này còn được khắc họa trong thơ ca dân gian như "Hoàng Sa đi có về không. Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi", hay "Trường Sa trời biển mênh mông. Người đi thì có người không thấy về". Các bằng chứng trên từ các nguồn lịch sử VN và phương Tây đủ sức thuyết phục để minh chứng cho hành động và ý chí của nhà nước phong kiến VN vào thời kỳ đó. Các chuyến đi của thủy quân, việc xây miếu, cắm bài gỗ, trồng cây, bảo vệ ngư dân, thực hiện nghĩa vụ đối với các tàu thuyền nước ngoài bị chìm đắm… do tính chất của các hành động và do tư cách của tác giả các hành động đó là những hành vi đủ để đáp ứng các điều kiện thụ đắc lãnh thổ vô chủ (res nullius). Đó là sự thể hiện rõ ràng một quốc gia thực sự làm chủ các quần đảo này.
Tính đúng luật của việc chiếm cứ các đảo bởi người VN có thể bị tranh cãi bởi một quốc gia có cùng mối quan tâm - đó là TQ. Thế nhưng các sự kiện vào thời kỳ đó chứng tỏ TQ với tư cách nhà nước đã tỏ ra thờ ơ với số phận các quần đảo này.
TSNguyễn Hồng Thao
(Theo Thanh Niên)
[1] VN/ CT 1 Hán, M M 11/27 (MM Q43/57), VN/ CT 3 Hán, MM 11/27.6 (MM 43/59).
[2] Tài liệu do ông Nguyễn Xuân Cảnh thôn Tây, xã Lý Hải, huyện Lý Sơn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, đề tài BĐHĐ-01 sưu tập và lưu giữ. KKK