Theo các nhà bình luận quân sự Ấn Độ, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được đánh giá là “to hơn, mạnh hơn và rẻ hơn” tàu INS Vikramaditya.
Ấn Độ với Biển Đông: Can dự có chọn lọc
- Cập nhật : 12/10/2016
Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông nhưng không muốn can dự quá nhiều khi phải tập trung sức mạnh để kiểm soát Ấn Độ Dương.
Phía Đông của Ấn Độ giáp với Đông Nam Á, từ xa xưa đã có mối liên hệ văn hóa gắn bó mật thiết với các quốc gia khu vực. Cộng đồng người Ấn Độ là một trong những cộng đồng quan trọng nhất của khu vực Đông Nam Á.
Từ khi đề ra “chính sách hướng Đông” những năm 1990, lấy Đông Nam Á làm khâu đột phá và căn cứ tiến bước vào Đông Á, Ấn Độ đã tích cực tham gia các công việc Đông Nam Á. Jaswant Singh, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, từng tuyên bố: Không gian chiến lược của Ấn Độ không chỉ giới hạn ở các nước láng giềng Nam Á, mà trải rộng từ vịnh Ba Tư cho đến Eo Malacca.
Khi Biển Đông trở thành “vấn đề”, Ấn Độ có mọi lý do để cùng với Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia và các nước giáp Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông và tăng cường sự hiện diện hải quân, cũng như hiện diện kinh tế của New Delhi ở khu vực Đông Nam Á. Kiên trì chiến lược của mình trên hai hướng ấy, Ấn Độ tiến hành tập trận, thăm viếng hải quân và tăng cường hợp tác với các quốc gia giáp Biển Đông.
Sự can dự của Ấn Độ tại Biển Đông là phát triển logic phù hợp với diễn biến tình hình của “chính sách hướng Đông” mà Ấn Độ theo đuổi như một biện pháp chiến lược quan trọng của ngoại giao Ấn Độ. Tính thích ứng xoay quanh cái trục lợi ích quốc gia.
Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ tái khẳng định tiếp tục dự án thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong ảnh: Các kỹ sư dầu khí Ấn Độ đang kiểm tra một mỏ dầu.
Ấn Độ muốn tăng cường sự hiện diện kinh tế tại khu vực. Và việc hợp tác khai thác dầu khí là một cơ hội để thúc đẩy mục tiêu đó. Việc Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (PMGC) tái khẳng định tiếp tục dự án thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sức ép của Trung Quốc là một phản ứng trực tiếp trước những thay đổi liên quan đến những phát triển gần đây tại Biển Đông. Ý nghĩa chiến lược của việc Ấn Độ tái khẳng định tiếp tục dự án thăm dò dầu khí là rõ rệt: chống lại sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông - vùng biển được xem là tiền sảnh của Ấn Độ Dương. Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna ngày 6/4/2012 tuyên bố: “Ấn Độ cho rằng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là tài sản của toàn thế giới, tuyến hàng hải của nó nhất định không chịu bất cứ sự quấy nhiễu của quốc gia nào”. Phát biểu này thể hiện lập trường nguyên tắc của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông.
Ấn Độ muốn thông qua can dự vào vấn đề Biển Đông để thực hiện sự kiềm chế tiềm ẩn đối với Trung Quốc. Giới chiến lược gia Ấn Độ cho rằng Trung Quốc về lâu dài sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ấn Độ, nhất là khi tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc không ngừng được đẩy nhanh và chính sách ngoại giao ngày càng cứng rắn.
Tuy nhiên, xu hướng của hải quân Ấn Độ lại có những động thái khác nhau. Gần đây, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ Nirmal Verma nêu rõ trọng điểm công tác của hải quân Ấn Độ là tại Ấn Độ Dương, chứ không phải Biển Đông. Khu vực liên quan lớn nhất đến lợi ích của Ấn Độ là từ Eo biển Malacca đến phía tây Vịnh Pécxích và khu vực phía Nam mũi Hảo Vọng. Thái Bình Dương và Biển Đông cũng có liên quan đến Ấn Độ, nhưng khu vực này hiện căng thẳng phức tạp nên Ấn Độ muốn can dự có mức độ. Ấn Độ hy vọng cục diện căng thẳng tại Biển Đông hạ nhiệt.
Trước đây, đối với những tranh cãi giữa Trung-Việt hay Trung Quốc-Philippines, Ấn Độ luôn đứng ngoài quan sát, tránh tuyên bố ủng hộ hoặc phản đối bất cứ một bên nào. Hiện nay, rất nhiều tổ chức nghiên cứu của Ấn Độ đều cho rằng nếu muốn duy trì lòng tin của các nước Đông Nam Á, Ấn Độ cần can dự một cách thích hợp.
Tháng 5/2012, biên đội tàu chiến do 4 chiến hạm thuộc hạm đội phía Đông của Ấn Độ lần lượt thăm Singapore, Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời tiến hành diễn tập chung với hải quân Nhật Bản và Trung Quốc. Hành trình Biển Đông và biển Hoa Đông của tàu chiến Ấn Độ cho thấy Ấn Độ đang quan tâm đến các công việc khu vực với tư cách là một nước lớn châu Á đang trỗi dậy. Không ít nhân vật quan trọng trong giới quân đội Ấn Độ có các phát biểu tương đối ôn hòa. Mới đây, phát biểu tại lễ hạ thủy một chiếc tàu chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A K Antony cho rằng đối đầu trực diện với Trung Quốc tại Biển Đông không phải là chính sách của Ấn Độ. Ấn Độ hết sức quan tâm đến việc Trung Quốc phô trương sức mạnh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, song không muốn bị cuốn vào “cuộc chơi” do Mỹ chủ đạo nhằm kiềm chế Trung Quốc, mà đi con đường riêng của mình, cũng như Nga, để ngỏ sự lựa chọn chiến lược.
Các quan chức cấp cao Ấn Độ rất ít bày tỏ quan điểm trực tiếp về vấn đề Biển Đông. Vì vậy, giới phân tích coi tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Antony là đại diện cho quan điểm của chính phủ Ấn Độ. Nó cho thấy, Ấn Độ không muốn can dự quá nhiều vào tranh chấp Biển Đông khi tiềm lực quân sự Ấn Độ chưa đủ lớn mạnh để đối kháng với Trung Quốc trên mọi vùng biển.
Trong chiều hướng tăng cường hợp tác giữa hải quân Việt Nam và Ấn Độ, các chiến hạm của Ấn Độ thường thả neo tại cảng Nha Trang trong thời gian diễn ra các chuyến thăm hữu nghị. Theo nhật báo Deccan Chronicle(Ấn Độ), ngày 26/6/2011, hải quân Ấn Độ có lẽ là hải quân nước ngoài duy nhất được đậu lại tại một cảng khác của Việt Nam ngoài Vịnh Hạ Long. Nhật báo Deccan Chronicle trích lời một nhà phân tích quốc phòng, ông Commodore C. Uday Bhaskar đánh giá:“Ấn Độ muốn giữ vấn đề hiện diện trên Biển Đông như là một phương án dự trù. Bất cứ cường quốc nào trên thế giới đều muốn mình có khả năng duy trì một sự hiện diện vững chắc trong 2 trên 3 đại dương có đường giao thương hàng hải. Trong toàn châu Á, Việt Nam có vị trí chiến lược nổi bất nhất” .Tuy cho rằng hợp tác quốc phòng Việt-Ấn không nên được xem như là một chiến lược trả đũa phản ứng lại quan hệ Trung Quốc-Pakistan, ông Bhaskar nhìn nhận rằng hợp tác về hải quân của hai nước tạo ra một thế cân bằng ở Đông Nam Á. Mặt khác, cũng cần phải thấy là chính Bắc Kinh cũng đang thi hành một chiến lược bao vây Ấn Độ với việc tăng cường hợp tác trên biển với các nước như Myanmar, Srilanka và Pakistan thông qua “chuỗi ngọc trai” Ấn Độ Dương. Đáp lại chiến lược này của Trung Quốc, Ấn Độ phải tăng cường khả năng phòng thủ tại các quần đảo Andaman và Nicobar nằm sát cạnh vùng Đông Nam Á và xây dựng “chuỗi ngọc trai” của mình ở Đông Á, với kết nối Đông Nam Á với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tạp chí Các vấn đề chiến lược (Ấn Độ) số ra tháng 4/2011 cho rằng sự có mặt bước đầu của Hải quân Ấn Độ tại Biển Đông là sự khởi đầu suôn sẻ trong việc giúp Niu Đêli đạt được các mục tiêu chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Trong số các nước ven bờ Biển Đông, Singapore là nước đầu tiên mời Ấn Độ phát triển quan hệ hợp tác giữa hải quân hai nước từ đầu những năm 1990.
Tại Biển Đông, Hải quân Ấn Độ cũng có quan hệ với các nước khác như Inđônêxia và Malaixia. Việc phát triển quan hệ sâu sắc với các nước ASEAN bảo đảm cho Ấn Độ cơ hội tiến hành các chuyến thăm thường xuyên ở vùng biển gần lãnh hải Trung Quốc.
Nhưng, mục tiêu chiến lược hàng đầu của Ấn Độ là kiểm soát Ấn Độ Dương, nên việc tham gia các công việc Đông Nam Á chỉ có tính chất tương hợp một phần nào. Tuy vậy, về mọi mặt và lâu dài, Ấn Độ có thể tham gia đối trọng và cân bằng nước lớn ở Đông Nam Á, phù hợp với hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực./.
TS Nguyễn Ngọc Trường
Theo Tổ Quốc