Nhiều thanh niên Trung Quốc đã làm bia đỡ đạn, bỏ mạng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam do ĐCS Trung Quốc phát động. Chính quyền và xã hội đen đến ngăn chặn các cựu chiến binh ở Bắc Kinh khi các cựu chiến binh này tố cáo chính quyền bỏ rơi, thậm chí đánh đập họ.
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Chứng cứ dã tâm của Trung Quốc
- Cập nhật : 20/02/2017
Từ lâu, Trung Quốc đã hạ quyết tâm và chủ động vạch kế hoạch xâm lược Việt Nam vào tháng 2/1979, núp dưới cái tên “Cuộc chiến phản kích tự vệ”.
5h sáng ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất ngờ huy động hơn 60 vạn quân mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, bất chấp việc Việt Nam và Trung Quốc thời điểm đó là 2 nước anh em trong Khối Xã hội Chủ Nghĩa.
Tuyên bố chiến tranh của Bắc Kinh nói rằng đây là “cuộc chiến phản kích tự vệ” của quân đội Trung Quốc chống lại các hành động gây hấn và khiêu khích của lực lượng vũ trang Việt Nam.
Tuy nhiên, với quy mô và hành động tàn ác của Quân đội Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng lột trần bộ mặt giả dối của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Các nghiên cứu của giới học giả sau này cũng khẳng định rằng, Trung Quốc đã chủ động vạch kế hoạch, tổng động viên lực lượng để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ Việt Nam.
Trung Quốc quyết tâm tấn công dằn mặt Việt NamTrước hết, cần chú ý tới tuyên bố ngang ngược của Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa vào ngày 30/7/1977: “Khi thời cơ đến chúng ta sẽ thu hồi toàn bộ quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà không cần phải thương lượng gì hết”.
Như vậy, ngay từ khi đó, Bắc Kinh đã nuôi dã tâm mở một cuộc chiến tranh xâm lược để cướp đoạt lãnh thổ của Việt Nam, không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để buộc chúng ta phải khuất phục. Theo thời gian, ý đồ của Trung Quốc đã dần thể hiện bằng các hành động thực tế.
Tháng 1-1978, Trung Quốc hủy bỏ hiệp ước về lãnh sự quán với Việt Nam, đồng thời buộc lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Quảng Châu và Nam Ninh phải trở về nước vào tháng 6 năm đó, khiến quan hệ Việt-Trung tiếp tục xấu đi nghiêm trọng.
Với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương, tháng 5 năm 1978, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho VN và rút bớt chuyên gia về nước. Đến tháng 7, Trung Quốc cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước.
Đây chính là giai đoạn Bắc Kinh đã hạ quyết tâm và vạch kế hoạch huy động hàng chục vạn quân xâm lược nước ta.
Cựu Tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu là tướng Châu Đức Lễ kể lại rằng vào tháng 9 năm 1978 đã có một cuộc họp được tổ chức trong Bộ tổng Tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, để bàn về vấn đề xung đột biên giới trên bộ với Việt Nam.
Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc quán triệt tư tưởng chỉ đạo của giới chức lãnh đạo nước này là nhất thiết phải “dạy cho Việt Nam một bài học”, tuy nhiên, hành động phải được tính toán cẩn thận để tránh khả năng leo thang, đe dọa đến tiến trình cải cách kinh tế của Trung Quốc.
Giới tướng lĩnh nước này đã đề xuất một chiến dịch quân sự chống lại khoảng một trung đoàn quân Việt Nam đóng ở Trùng Khánh - một huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng tiếp giáp với huyện Tĩnh Tây thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, giống như cuộc chiến tranh biên giới trước đây Bắc Kinh đã tiến hành với Nga năm 1969.
Châu Đức Lễ sau này kể lại rằng, lúc đó Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc tin rằng, vị trí cô lập của Trùng Khánh sẽ cho phép quân đội Trung Quốc chia cắt tiền đồn này của Việt Nam khỏi quân tiếp viện và dễ dàng đánh chiếm được huyện này.
Tuy nhiên, sau một ngày xem xét một báo cáo đặc biệt của giới tình báo về khả năng Việt Nam đưa quân vào Campuchia, đa số người tham gia cuộc họp đều đồng ý rằng cần phải tiến hành một hành động quân sự lớn, gây được ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình ở Đông Nam Á.
Giới tướng lĩnh nước này đề xuất một cuộc tấn công vào một đơn vị quân đội thường trực Việt Nam trên một khu vực địa lý rộng hơn. Mặc dù vẫn chưa thống nhất được quy mô của cuộc chiến nhưng hội nghị cũng đã xác định quyết tâm mở một cuộc chiến lớn chống Việt Nam.
Qua trình leo thang thành cuộc chiến xâm lược quy mô lớn
Tháng 11 năm 1978 Việt Nam ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô. Trong chuyến thăm Đông Nam Á cuối tháng 11-1978, tại một cuộc trả lời phỏng vấn được Trung Quốc truyền hình trực tiếp, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố: "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam một bài học".
Ngày 23-11-1978, Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp khác. Kịch bản mới về một cuộc chiến tranh quy mô, trong thời gian khá dài, nhằm vào các vị trí quân sự chính của Việt Nam và các thành phố đối diện qua biên giới với các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đã được bàn bạc kỹ lưỡng.Cuộc họp chỉ định hai quân khu Quảng Châu (chủ chốt là quân khu tỉnh Quảng Tây) và Quân khu Thành Đô (chỉ lấy Quân khu tỉnh Vân Nam, thủ phủ ở Côn Minh) sẽ trực tiếp thực hiện chiến dịch xâm lược này.
Ngoài ra cuộc họp cũng quyết định điều động một lực lượng dự bị chiến lược, bao gồm 4 Tập đoàn quân và 1 sư đoàn, lấy từ các khu vực khác là quân khu tỉnh Vũ Hán và Quân khu Thành Đô để củng cố cho mặt trận Quảng Tây và Vân Nam.
Vào ngày 7/12/1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp, ra quyết định phát động một cuộc chiến tranh hạn chế trên tuyến biên giới phía nam Trung Quốc để “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Chỉ thị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc nêu rõ, cuộc chiến tranh được hạn chế nghiêm ngặt trong vòng bán kính 50km từ đường biên giới và kéo dài trong 2 tuần, các đơn vị được ấn định ở phần trên phải chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ ngày 10 tháng 1 năm 1979.
Ngày 22/12/1978, Trung Quốc ngừng tuyến xe lửa liên vận tới Việt Nam.
Bắc Kinh cũng cắt nguồn viện trợ dầu vốn chiếm tới hơn một nửa tiêu thụ dầu của Việt Nam vào cuối năm 1978, trong khi Liên Xô chưa kịp viện trợ bổ sung, cũng khiến dự trữ dầu chiến lược của Việt Nam bị thiếu hụt trong thời điểm quyết định khi quân Trung Quốc tấn công.
Trong cuộc họp Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào lễ Giáng sinh năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã quyết định không thành lập Bộ chỉ huy chiến trường chung, mà 2 cánh quân sẽ tiến đánh vào Việt Nam theo hai hướng đồng thời chỉ định Hứa Thế Hữu làm chỉ huy mũi phía đông ở Quảng Tây và Dương Đắc Chí, tư lệnh quân khu Vũ Hán, chỉ huy cánh quân phía tây ở Vân Nam.
Đầu tháng 1/1979, đường bay Bắc Kinh-Hà Nội cũng bị cắt, bên cạnh đó, Trung Quốc ráo riết chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ nước ta.
Đến giữa tháng 1 năm 1979, Bắc Kinh đã gần như hoàn tất việc chuẩn bị huy động lực lượng, bao gồm gần 20 sư đoàn chính quy Trung Quốc, với trên dưới 25 vạn quân chủ lực, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, hàng vạn khẩu pháo, cối và các loại vũ khí khác đã tập trung gần biên giới với Việt Nam.
Hơn 700 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom (tức 1/5 lực lượng không quân Trung Quốc), đã được đưa đến các sân bay giáp biên giới, phối hợp với các lực lượng lục quân, chuẩn bị một chiến dịch tấn công tổng lực, đại quy mô, xâm lược trực diện, xâm lược toàn diện.
Ngày 11-2-1979, 2 ngày sau khi Đặng Tiểu Bình hoàn tất chuyến thăm Mỹ-Nhật, cuộc họp Bộ Chính Trị mở rộng được triệu tập. Đặng đã ra mệnh lệnh phát động cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, gửi tới các tư lệnh cánh quân Quảng Tây và Vân Nam.
Như vậy, cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2/1979 đã được Trung Quốc chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, núp dưới cái tên giả dối là “Cuộc chiến tranh phản kích tự vệ” trước “sự xâm lược của Việt Nam”.
Kết luận:Cái gọi là “lực lượng Biên phòng Trung Quốc” thực chất là hơn 320.000 quân chủ lực, cùng với 300.000 lính hậu cần, kỹ thuật, dân công… làm nhiệm vụ bảo đảm. Sự “tự vệ” của Bắc Kinh được thể hiện bằng hành động chủ động tung hàng chục vạn quân ồ ạt nổ súng và tràn qua biên giới Việt Nam.
Có ai tin được tuyên bố “Trung Quốc không hề có ý định xâm lược Việt Nam" ?
Có ai tin được rằng, nếu không gặp phải sức kháng cự vô cùng mạnh của dân quân, tự vệ và bộ đội địa phương, cùng nhân dân các tỉnh biên giới thì Trung Quốc sẽ chủ động rút quân?
Có ai tin được tuyên bố “Trung Quốc không muốn một tấc đất nào của Việt Nam” hay không, trong khi Bắc Kinh đã lấn chiếm từng cột mốc, từng cao điểm biên giới phía Bắc của Việt Nam trong giai đoạn trước đó; hoặc thừa lúc Việt Nam đang mải đánh Mỹ hay gặp nhiều khó khăn thời hậu chiến để chiếm giữ một phần Hoàng Sa, Trường Sa?
Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc trong những kỳ tiếp theo.
Thiên Nam
Theo Báo Đất Việt