Tập đoàn công nghệ Rostec (Nga) cho biết, với module chiến đấu AU-220M, những cỗ xe thế hệ cũ, trong đó có PT-76 sẽ sở hữu sức mạnh không ngờ.
Những vũ khí khủng khiếp cho cuộc chiến tương lai
- Cập nhật : 05/06/2018
Vũ khí này có khả năng tiêu diệt bất kỳ quốc gia nào mà không cần tới quân đội, không cần một người lính.
Từ lâu, vũ khí thời tiết và các thiết bị quân sự điều khiển từ xa đã không còn xa lạ với chúng ta. Để hiểu thêm về quá trình phát triển, cũng như những kết quả và mức độ mà các quốc gia đã từng tham gia nghiên cứu đạt được trong lĩnh vực này, xin mời độc giả tham khảo bài viết của nhà báo Victor Sokirco đăng trên Svobodnaya Pressa (Nga) ngày 30-5 mới đây.
Từ những ngọn giáo có mũi nhọn làm bằng đá và cung tên, nhân loại đã tiến tới dùng súng ống và sau đó là vũ khí hạt nhân. Có thể nói, con người đã cố gắng phát triển các phương pháp và phương tiện để tiêu diệt lẫn nhau.
Trên Trái đất, các kho vũ khí đã được tích trữ để có thể tiến hành các cuộc chiến tranh liên tiếp trên quy mô toàn cầu.
Và quá trình phát triển, tạo ra các loại vũ khí mới vẫn tiếp tục diễn ra, chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh trong tương lai.
Trước kia, mỗi khi trên trời có sấm chớp, người ta chỉ biết làm dấu thánh, cầu Chúa che chở. Còn bây giờ thì câu chuyện đã hoàn toàn đổi khác. Từ những năm 1950, các nhà khoa học đã biết rằng việc làm lạnh các đám mây sẽ gây ra những cơn mưa kết tủa.
Và khi người ta “xua” mây ở Moscow, thì ngày hôm sau ở khu vực ngoại ô Moscow và các vùng lân cận sẽ có mưa lớn. Rõ ràng là chuyện gây ra những cơn mưa xối xả hoàn toàn có thể theo ý muốn của con người.
Để sử dụng việc biến đổi thời tiết phục vụ cho mục đích quân sự, con người luôn mơ ước và xúc tiến nghiên cứu vũ khí khí hậu.
Ngay từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã thử nghiệm, tiến hành chiến dịch "Popeye", và trong khoảng thời gian từ năm 1967-1972, họ đã rải xuống những khu rừng rậm của Việt Nam 5400 tấn iodide bạc và iodide chì.
Kết quả được ghi nhận là, lượng mưa đã tăng gấp 3 lần, và thời gian mùa mưa ở thượng nguồn sông Mekong đã tăng thêm từ 30 đến 45 ngày.
Có thể giả định rằng trận lụt năm 1971 quét đi 10 % lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả "đường mòn Hồ Chí Minh" nổi tiếng, xảy ra là do Mỹ tiến hành thực nghiệm vũ khí thời tiết.
Sau đó, dự án “Stormfury”, nhằm điểu khiển các cơn bão cũng đã được nghiên cứu tại Hoa Kỳ, và Lầu Năm Góc đặc biệt quan tâm tới dự án này.
Và dường như năm 1969, người ta đã làm được việc "lái" một cơn bão từ bờ biển của Mỹ sang Panama, nhưng điều đó chưa có bằng chứng đáng tin cậy, và bản thân chương trình này đã được ngưng lại vào đầu những năm 1980.
Ở Liên bang Xô viết có một chương trình nghiên cứu về ảnh hưởng của gió, được tiến hành cùng với Cuba.
Mặc dù quốc tế đã có hiệp ước cấm tất cả các loại vũ khí khí hậu từ năm 1977, song những nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn không dừng lại và chuyển sang tiến hành "vì mục đích hòa bình".
Những công trình năng lượng, có khả năng sưởi ấm hàng nghìn km không gian, do hoàn cảnh thực tế, sau đó cũng đã không thể triển khai.
Liên Xô trước đây đã phối hợp với Pháp tiến hành chương trình thử nghiệm "Arak", nhằm tạo ra các vụ nổ electron dọc theo dòng lực từ trường của Trái Đất. Sự cộng hưởng từ các vụ nổ đó được định vị tại một trạm ở Arkhangelsk.
Kết quả là, đã tạo ra một máy phát hạ tần, được gọi là "Chim gõ kiến Nga", nhờ máy phát khuếch đại nên có khả năng cắt đứt liên lạc trên toàn hành tinh trong dải tần từ 3 đến 30 MHz.
Sở dĩ máy phát này được đặt cái tên kỳ lạ như vậy bởi vì các xung được truyền đi theo tần số 1/10 giây, dẫn đến các máy thu radio phát ra những tiếng gõ đều đều như loài chim gõ kiến mổ vào cây.
Nguồn năng lượng của máy phát "Chim gõ kiến Nga" sao chép đầy đủ nhịp hoạt động của bộ não con người, vì vậy người ta cho rằng nếu phát các sóng điện từ này sang Hoa Kỳ có thể gây ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của người dân.
Để đáp trả, Washington sau đó đã phản ứng bằng cách xây dựng một loạt các tòa tháp cho dự án GWEN, nhằm phát các sóng tần số thấp với mục đích tự vệ (hiện nay chúng được sử dụng cho thông tin liên lạc quân sự ngầm dưới đất của Lầu Năm Góc).
Năm 1981, Nga thành lập cơ sở nghiên cứu "Sura" (Tại thành phố Vasilsursk, thuộc tỉnh Nizhny Novgorod), do Viện Quy trình Nhiệt điều hành. Khu phức hợp được thiết kế để nghiên cứu mối liên hệ giữa các nhiễu động ion quyển và các quá trình xảy ra trong bầu khí quyển của Trái Đất.
"Bộ phận quân sự" đã nghiên cứu về việc gây rối loạn định vị và thông tin vô tuyến của kẻ thù tiềm năng.
Sự tập trung chất platma do cơ sở "Sura" tạo ra trong tầng ion có thể triệt tiêu hoàn toàn các hệ thống phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa của Mỹ.
Hiện tại, việc cài đặt này không được sử dụng vì các tác dụng phụ của nó ảnh hưởng tới những thay đổi trong khí quyển.
Mỹ cũng đáp trả bằng công trình xây dựng tổ hợp HAARP ở Alaska. Các ăng-ten của tổ hợp này có khả năng tạo ra sự tập trung năng lượng trong khí quyển và di chuyển chúng đến bất kỳ điểm nào trên Trái đất, gây ra giông bão, lũ lụt, nhiệt độ cực đoan và các thiên tai khác.
Có một thời gian, cơ sở này bị đóng cửa, nhưng vào cuối năm 2017, công cuộc nghiên cứu về tầng điện ly đã được khôi phục và hoạt động hết sức tích cực, điều đặc biệt là những "nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình" này không hiểu vì sao lại được Lầu Năm Góc tài trợ.
Vì vậy, bất chấp việc cấm sử dụng bất kỳ loại vũ khí khí hậu nào trên Trái Đất, thì chúng vẫn tồn tại và vẫn có thể tìm thấy vị trí ứng dụng, và khi có những xung đột vũ trang toàn cầu, không cần đưa binh lính vào lãnh thổ của đối phương mà vẫn có thể phá hủy cơ sở hạ tầng của địch thông qua các thiên tai nhân tạo.
Các thiết bị bay không người lái trên bầu trời không còn là điều ngạc nhiên nữa, số lượng máy bay không người lái ngày càng tăng trên mặt đất, hơn thế nữa, chúng không chỉ là phương tiện rà phá bom mìn và trinh sát mà còn được sử dụng làm vũ khí tấn công quân sự.
Vì vậy, viễn cảnh các cuộc tấn công của các xe tăng robot, với sự yểm trợ của những người lính robot bằng thép, không phải là quá xa. Sự phát triển của các thiết bị không có người điều khiển trong Hải quân, kể cả tàu mặt nước và tàu ngầm, cũng đang được tích cực xúc tiến.
Một trong những nhiệm vụ chiến đấu là áp dụng thành công việc điều khiển từ xa các loại ca nô, xuồng máy không người lái, nhằm tuần tra các căn cứ neo đậu của tàu thuyền, ngăn chặn những kẻ phá hoại, các phần tử khủng bố đôi khi sử dụng những tàu thuyền mang theo các thiết bị nổ.
Một thiết bị bơi không người lái hiện đại như vậy đã được chế tạo tại Liên Xô vào những năm 1930.
Đó là sự ra đời của chiếc tàu phóng lôi G-5, được điều khiển bằng sóng vô tuyến. G-5 được điểu khiển từ một chiếc thủy phi cơ MBR-2VU được thiết kế riêng cho nó.
Và năm 1965, một chiếc xuồng cứu hộ được điều khiển bằng sóng vô tuyến 347A “Fregat” đã được chế tạo.
Chiếc ca nô được thả xuống nước từ máy bay Tu-16S và tiếp cận đối tượng gặp nạn theo mệnh lệnh của chính chiếc máy bay này.
Trong lĩnh vực này đã có nhiều nghiên cứu khác nhau, nhưng hiện nay, đi đầu trong việc tạo ra các thiết bị không người lái trên biển là công ty Rafael của Israel, gần đây công ty này đã chế tạo ra chiếc ca nô Protector (Người bảo vệ).
Chiếc ca nô này có một số chế độ hoạt động, được chuyển đổi tùy thuộc vào sự thay đổi tình huống. Có thể điều khiển ca nô bằng sóng vô tuyến từ tàu thủy, máy bay trực thăng hoặc từ một đài chỉ huy mặt đất.
Có một loạt mệnh lệnh được "Protector" thực hiện ở chế độ tự động bằng cách sử dụng hệ thống định vị quán tính và vệ tinh. Trong trường hợp bị mất tín hiệu điều khiển, ca nô sẽ tự trở về căn cứ.
Các thiết bị của hệ thống Toplight trên tàu bao gồm một máy quay video có khả năng "nhìn thấy" kể cả khi tầm nhìn bị hạn chế, camera chụp bằng tia hồng ngoại và một máy viễn trắc laser.
Vũ khí trên ca nô "Protector" bao gồm một mô-đun điều khiển từ xa được trang bị như súng máy 7,62 hoặc 12,7 mm hoặc như súng phóng lựu tự động 40 mm.
Động cơ diesel được trang bị cho phép tàu di chuyển với tốc độ 50 hải lý (92,6 km / h).
Năm 2006, cũng chính Israel đã chế tạo ra chiếc ca nô điều khiển từ xa mang tên "Silver Marlin", có chiều dài 10,6 mét với hai động cơ diesel có công suất mạnh tới 315 mã lực. Tùy thuộc vào trang thiết bị được cài đặt, nó có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, chống khủng bố, rà phá thủy lôi, tìm kiếm và cứu hộ.
Ở Mỹ, ca nô không người lái "Spartan Scout" có 2 biến thể với độ dài 7 và 11 mét. Còn Thụy Điển đã chế tạo chiếc ca nô "Piraya", có chiều dài 4 mét, nhưng nó còn có tính năng đặc biệt là một người có thể cùng một lúc điều khiển một số chiếc ca nô nhỏ có gắn súng máy trên boong.
Người Mỹ, vốn ưa sự đồ sộ, năm 2016 đã đưa vào thử nghiệm chiếc tàu không người lái "Si Hunter" có chiều dài 40 mét và lượng giãn nước 145 tấn, được chế tạo dựa theo sơ đồ trimaran – nghĩa là thân tàu ở giữa và có 2 phao nổi ở bên sườn.
Do có kích thước đồ sộ hơn so với lớp ca nô không người lái (Tốc độ của nó là 27 hải lý/ giờ và có thể di chuyển trong cự ly 10 000 hải lý), nhiệm vụ được đặt ra cho con tàu "Si Hunter" là tìm kiếm và tiêu diệt các tàu ngầm chạy bằng diesel-điện của đối phương.
Trong cuộc chạy đua này, Nga cũng không chịu đứng yên một chỗ, nhưng vẫn giữ vững chủ trương phát triển đội tàu ngầm hạt nhân là chủ yếu, và các thiết bị bơi không người lái được ưu tiên nghiên cứu cũng là các thiết bị ngầm dưới nước.
Ví dụ, chiếc tàu ngầm nguyên tử khá cũ là "Podmoskovye", sau khi cải tiến, được làm thêm một ngăn để đặt các thiết bị phục vụ cho các công việc dưới nước và một bộ phận ghép nối ở phía dưới thân tàu, được thiết kế để gắn các tổ hợp robot – các tàu ngầm không người lái mini.
Còn trong phân xưởng "bí mật" 50 của xưởng đóng tàu Severodvinsk "Sevmash" cách đây vài năm, chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc seri tàu ngầm thế hệ thứ năm đã được khởi công chế tạo.
Người ta cho rằng các tàu ngầm thế hệ mới sẽ có cơ hội sử dụng cả vũ khí truyền thống như: ngư lôi, tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo, lẫn các tàu ngầm mini, thực hiện các nhiệm vụ độc lập, nhận lệnh từ tàu chiến hoặc trạm điểu khiển từ trên không.
Những cuộc thử nghiệm tàu mini không người lái đã diễn ra ở Nga từ năm 2008. Được biết, các cuộc thử nghiệm diễn ra ở vùng biển phía Bắc và Thái Bình Dương, trong khu vực quần đảo Kuril.
Mục tiêu của tàu nguyên tử loại này có thể là một đội tàu sân bay, có thể là căn cứ của các tàu sân bay chiến lược.
Gần như không thể phát hiện ra các tàu mini này vì kích thước của chúng rất nhỏ và tiếng ồn lại thấp khi di chuyển dưới nước. Tàu ngầm mini có thể phóng đầu đạn và chính nó cũng có thể trở thành một quả ngư lôi.
Một dự án độc đáo khác nữa của Nga là tàu ngầm "Skif", sử dụng động cơ nguyên tử và mang đầu đạn hạt nhân.
Nói đúng hơn, đây không phải là tàu ngầm, mà là một quả tên lửa.
Trên tàu không có người. Nó được điều khiển từ xa. Đồng thời, nó có thể tự thay đổi vị trí trú ngụ ngay cả trước khi làm nhiệm vụ chiến đấu. Thậm chí, nếu như kẻ thù tiềm năng phát hiện ra khu vực "Skif" được tách ra từ tàu ngầm Nga, thì các thiết bị này vẫn có thể tự di chuyển tiếp một khoảng cách khá xa, rồi sau đó mới lặn xuống đáy biển.
Trong giai đoạn đầu, bản thân tên lửa dưới nước này sẽ cố tình gây ra tiếng ồn, mô phỏng tiếng máy điện của tàu ngầm, nhằm đánh lừa đối phương và để cho các tàu ngầm Nga rời khỏi khu vực đó.
Còn sau đó, chúng trở nên lặng lẽ và nằm im ở một vị trí mà đối phương không thể phát hiện được. "Skif" có thể được phóng đi từ bất cứ vị trí nào từ trong lòng đại dương - có thể từ trong vùng lân cận ngay sát mục tiêu, cho nên gần như không có khả năng tiêu diệt được nó.
Hiện nay, ở Nga đang nghiên cứu các chương trình tàu lượn, có thể di chuyển dưới nước như loài cá – có thể thay đổi độ sâu trong quá trình bơi lặn. Chúng nhìn giống như những quả ngư lôi có cánh và đuôi.
Thiết bị có trọng lượng khoảng 15-35 kg, không di chuyển bằng chân vịt, mà nhờ vào bộ ắc quy thủy lực đặc biệt, tiêu thụ rất ít năng lượng. Tàu lượn di chuyển dưới nước không có tiếng ồn và gần như không thể phát hiện, và chúng có thể di chuyển trong một khoảng cách dài.
Chúng có khả năng tiến hành trinh sát, hoặc được sử dụng như phương tiện rà phá thủy lôi và chống tàu ngầm.
Cũng có thể trang bị cho chúng những quả thủy lôi nhỏ cỡ 120 mm được chế tạo đặc biệt, trang bị những vật liệu nổ mới, có hiệu quả tương đương với những quả ngư lôi 533 mm. Người ta cho rằng, các thiết bị tàu lượn dưới nước sẽ được trang bị cho lực lượng Hải quân Nga trong một tương lai gần.
Trong ảnh: một máy lặn không người lái (UUV) trong phòng thí nghiệm tại trung tâm hải quân ở Middletown, Rhode Island, Hoa Kỳ (Ảnh: AP / TASS)
Và đây là tin tức mới nhất từ thế giới tàu không người lái: Ông Alexei Rakhmanov - chủ tịch Tổng công ty Liên hiệp đóng tàu, chỉ vài ngày trước đã thông báo rằng chỉ sau 3 năm nữa, Nga sẽ có tàu vận tải không người lái.
Ông cũng nhấn mạnh rằng các thiết bị nghiên cứu không người lái sẽ được chế tạo ở Nga vào đầu năm tới, sau đó sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm chung cùng với các khách hàng cả dân sự lẫn quân sự.
Nguyễn Quang (Dịch và giới thiệu)
Theo Baodatviet.vn