Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh Quân đội Việt Nam bắn thử nghiệm súng cối và súng máy tích hợp trên xe thiết giáp chở quân M113.
T-90 Việt Nam có hệ thống phòng vệ tốt nhất thế giới?
- Cập nhật : 08/06/2018
Hình ảnh về những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S đang được lắp ráp tại nhà máy UralVagonZavod đã xuất hiện trên một phóng sự của truyền hình Nga.
Kênh truyền hình ND News của Nga vừa qua đã phát sóng phóng sự ghi lại chuyến tham quan nhà máy sản xuất xe tăng UralVagonZavod (UVZ) của cậu bé 13 tuổi có tên Yegor Trofimova.
Được biết các ý tưởng đặc biệt mà Yegor đề xuất về thiết kế xe tăng tương lai của Nga đã gây ấn tượng mạnh đối với Tổng Giám đốc điều hành UVZ Alexander Potapov.
Vì vậy, ông đã thu xếp một chuyến tham quan dây chuyền sản xuất và sửa chữa xe tăng của họ đặt tại Nizhny Tagil, để Yegor có dịp tận mắt chứng kiến và nuôi dưỡng ước mơ trở thành kỹ sư của mình.
Nhưng điều gây chú ý nhất ở trong đoạn video lại là các xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90S đang được lắp ráp, chúng có màu sơn và cấu hình khác biệt khá nhiều so với các chiến xa mà UVZ sản xuất cho Quân đội Iraq.
Điều này đã dẫn tới nhận định rằng đây là những chiếc MBT chế tạo cho Việt Nam vì UVZ đang thực hiện hợp đồng cung cấp T-90 cho hai khách hàng trên.
Trong tấm ảnh trên có thể nhận thấy một chi tiết rất đáng chú ý, đó là phía trước tháp pháo có sẵn 2 giá treo dành cho đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống phòng vệ chủ động Shtora-1, cho thấy khí tài này không bị cắt bỏ như trên xe tăng T-90S/SK của Quân đội Iraq.
Đèn nhiễu OTShU-1-7 có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ xe tăng trước các cuộc tấn công của tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) đối phương, chúng đặc biệt phát huy tác dụng đối với những dòng ATGM dẫn đường bán tự động (SACLOS) thông qua dây dẫn hoặc tín hiệu radio.
Nguyên lý hoạt động của những loại ATGM này là gắn một đèn phát tín hiệu ở đuôi đạn, giúp hệ thống dẫn đường nằm ở bệ phóng sẽ theo dõi tín hiệu của đèn, xác định vị trí của tên lửa so với bệ dẫn để thông qua đó đưa ra mệnh lệnh đến tên lửa.
Đèn nhiễu OTShU-1-7 khi phát hiện mối nguy cơ sẽ phát sóng trên một dải tần rất rộng (từ 0,7 đến 2,7 mkm) đè lên tín hiệu từ đuôi tên lửa, dẫn đến việc hệ thống dẫn đường mất phương hướng và lái đạn bay thẳng lên trời.
Nếu phía Nga chính thức xác nhận những chiếc T-90 trên là sản phẩm lắp ráp cho Việt Nam thì xe tăng chiến đấu chủ lực của chúng ta sẽ có khả năng phòng vệ vượt trội trước tên lửa chống tăng có điều khiển so với chiếc MBT của Iraq.
Trong trường hợp được trang bị thêm bộ giáp hông với các phiến giáp phản ứng nổ kết hợp giáp lồng kéo dài từ đầu xe tới hết khoang động cơ như loại trang bị cho T-90SM và T-72B3 thì thậm chí xe tăng T-90S/SK của Việt Nam còn trở thành phiên bản T-90 vững chắc nhất mà Nga từng xuất khẩu ra nước ngoài.
Hy vọng rằng sẽ sớm có hình ảnh của chiếc chiến xa này khi đã hoàn thiện để có thể đưa ra được cái nhìn chính xác nhất về tính năng kỹ chiến thuật của nó.
Chí Linh
Theo Baodatviet.vn