Tên lửa đạn đạo Minuteman III có tầm bắn tới 13.000 km, có thể mang đầu đạn mạnh gấp 31 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Thiết giáp lưỡng cư có khả năng diệt trực thăng của Hàn Quốc
- Cập nhật : 21/04/2017
Xe chiến đấu bộ binh K21 của Hàn Quốc được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tối tân, có khả năng bắn hạ trực thăng đối phương đang bay.
Với quyết tâm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, Hàn Quốc cho ra mắt dòng xe chiến đấu bộ binh (IFV) K200 dựa trên mẫu thiết giáp M-113 của Mỹ. Tuy nhiên, loại xe này chỉ được trang bị hỏa lực yếu, giáp mỏng và dễ dàng bị xe BMP-1 Triều Tiên tiêu diệt trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Bởi vậy, năm 2003, Seoul quyết định chi 77 triệu USD để phát triển dòng K21 hoàn toàn mới, biến nó thành một trong những loại xe thiết giáp tốt nhất thế giới, theo National Interest.
Chuyên gia quân sự Ed Kim đánh xe K21 không hề thua kém các mẫu IFV hiện đại của phương Tây như M2 Bradley, Warrior và CV90. Xe có kíp lái ba người, trang bị một pháo tự động K-40 cỡ nòng 40 mm, hai tên lửa chống tăng và khoang chứa 9 lính bộ binh ở phía sau.
Trong quá trình thiết kế, Hàn Quốc đã nghiên cứu kỹ các dòng IFV hiện hành và mẫu BMP-3 mua từ Nga để tạo ra nền tảng phù hợp với nhu cầu, vượt trội so với nhiều dòng xe khác trên thế giới.Thiết giáp K21 có tính năng lưỡng cư, dễ dàng vượt nhiều con sông chằng chịt trên bán đảo Triều Tiên. Xe có tỷ lệ công suất trên khối lượng lớn để nhanh chóng cơ động trên địa hình đồi núi đặc trưng của khu vực này.
Giáp xe được làm từ hỗn hợp gốm, nhôm oxit và sợi thủy tinh, có khả năng chịu được sức công phá của đạn xuyên giáp cỡ 30 mm trên xe BMP-3, trong khi giáp sườn chống được đạn súng máy cỡ 14,5 mm.
Vũ khí chính của xe là pháo tự động K-40 cỡ nòng 40 mm, có thể bắn đạn xuyên giáp xuyên thủng lớp thép dày 220 mm, đủ sức diệt tăng hạng nhẹ của đối phương. Pháo này cũng bắn được đạn nổ mạnh (HE), đạn khói và đạn đa năng. Xe cũng được lắp một súng máy đồng trục M60 cỡ nòng 7,62 mm.
Pháo K-40 có tốc độ bắn 300 phát/phút, sử dụng hệ thống tự động nạp 24 đạn/lần từ khoang chứa 600 viên, tương tự xe tăng Liên Xô.
Điểm mạnh của K21 là hệ thống kiểm soát hỏa lực điện tử và công nghệ ổn định nòng pháo do liên doanh Samsung Hàn Quốc và Thales của Pháp chế tạo. Hệ thống kiểm soát hỏa lực có thể lập trình đạn HE và đạn đa năng để chúng kích nổ gần mục tiêu dự kiến, tăng tối đa sát thương với bộ binh nấp trong hầm hào.
Nhà sản xuất tuyên bố hệ thống kiểm soát hỏa lực trên xe thiết giáp K21 phức tạp đến mức có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 6 km, cũng như ngắm bắn và tiêu diệt các mục tiêu di chuyển chậm trên không như trực thăng đối phương.Tuy nhiên, K21 vẫn có một số hạn chế. Trọng lượng rỗng của xe gần 26 tấn khiến nó không thể nổi trên mặt nước, buộc nhà sản xuất trang bị thêm phao cao su ở hai bên sườn. Dù được cất và triển khai tự động dưới giáp xe, những chiếc phao này rất dễ bị thủng khi tác chiến.
Trên thực tế, khi tham gia tập trận, một số xe K21 đã bị chìm, khiến ít nhất một binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng. Ngoài ra, động cơ xe tỏ ra không đáng tin cậy vì thường gặp trục trặc khi vận hành hết công suất, buộc phải thay thế.
Cho đến nay, K21 vẫn không gặt hái thành công trong lĩnh vực xuất khẩu như Hàn Quốc mong muốn. Họ chưa tìm được khách hàng quan tâm, dù giá một chiếc K21 chỉ là 3,5 triệu USD, tương đối rẻ so với M2 Bradley và CV90.
Duy Sơn
Theo Vnexpress