Từ thế kỷ XVII, Người Việt đã liên tục khẳng định, bảo vệ, thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cho dù gặp bất cứ trở ngại, khó khăn nào.
Người con xa xứ và 80 tấm bản đồ
- Cập nhật : 12/10/2016
Kể từ khi TS Mai Hồng (viện Nghiên cứu Hán – Nôm) công bố tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh (Trung Hoa) ấn hành năm 1904, với chi tiết điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, thì một người Việt khác đang sống ở Hoa Kỳ cũng bước vào cuộc tìm kiếm những tấm bản đồ tương tự ở hải ngoại. Anh là Trần Thắng, chủ tịch viện Văn hoá giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Hoa Kỳ. Cuộc tìm kiếm của anh đã thu được những thành quả ban đầu.
Trần Thắng và cuốn Postal Atlas of China (1933) mà anh vừa mua được. Ảnh: do nhân vật cung cấp. |
Thực ra từ năm 2010, Trần Thắng đã tiếp xúc với những tấm bản đồ liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc đó, tôi và các đồng nghiệp ở viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng đang triển khai đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa – thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình nghiên cứu, tôi được biết một số thư viện ở Hoa Kỳ như thư viện đại học Princeton, thư viện Astor ở New York, thư viện đại học Columbia… đang lưu giữ những tấm bản đồ do phương Tây xuất bản trong các thế kỷ 16 – 19, có vẽ hoặc ghi chú các quần đảo Paracel, Pracel… (Hoàng Sa) và Spartly (Trường Sa) thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Tôi nhờ Trần Thắng tìm đến những thư viện trên để xin sao chụp các bản đồ này gửi về cho tôi.
Đến ngày 25.8.2012, Trần Thắng đã mua được 80 bản đồ riêng lẻ được in ấn tại Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian 1626 – 1980. Những bản đồ này gồm hai nhóm: nhóm thứ nhất là những bản đồ Trung Quốc, trên đó, phần lãnh thổ của Trung Quốc luôn được tô khác màu hoặc được giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét, để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng và chung một đặc điểm là cương giới của Trung Quốc chỉ đến cực nam của đảo Hải Nam. Nhóm thứ hai là những bản đồ Việt Nam hoặc bản đồ khu vực Đông Nam Á, trên đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đặc biệt, Trần Thắng đã phát hiện ba tập atlas (tập bản đồ) do chính quyền Trung Quốc xuất bản trước đây, rất có giá trị trong việc phản biện những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn thứ nhất là Atlas of the Chinese Empire – Trung Quốc địa đồ, xuất bản năm 1908, in bằng tiếng Anh. Tập bản đồ này gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thước 31 x 41cm. Ðây là tập bản đồ chính thức, được in lần đầu tại Trung Quốc với số lượng giới hạn. Tập bản đồ này do phái bộ The China Inland Mission, có trụ sở ở Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melbourne, biên soạn và phát hành với sự giúp đỡ của tổng cục Bưu chính Thanh triều và sự trợ giúp kỹ thuật của một người Anh tên là Edward Stanford. Tập bản đồ này Trần Thắng mua từ một nhà sưu tập sách cũ ở Anh.
Cuốn thứ hai là Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ – Postal Atlas of China do tổng cục Bưu chính, thuộc bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919. Sách được in bằng ba thứ tiếng: Trung – Anh – Pháp. Tập bản đồ này gồm một bản đồ tổng thể và 46 bản đồ các tỉnh, đều có kích thước là 61 x 71cm. Tập bản đồ này thuộc sở hữu của một nhà sưu tập ở Ba Lan và đang được rao bán với giá 5.000 USD.
Cuốn thứ ba cũng có tên Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ – Postal Atlas of China, cũng do tổng cục Bưu chính bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào năm 1933. Tập bản đồ này cũng in bằng ba thứ tiếng Trung – Anh – Pháp, gồm một bản đồ tổng thể và 29 bản đồ các tỉnh, bao gồm cả Tây Tạng và Mông Cổ. Các bản đồ được in với kích thước 61 x 71cm. Tấm bản đồ số 23 trong tập bản đồ này là bản đồ tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả đảo Hải Nam. Vì đảo Hải Nam không nằm trọn trong bản đồ nên người ta in thêm phần đảo Hải Nam ở góc trái. Trần Thắng đã mua được tập bản đồ này từ một nhà sưu tập ở New York.
Các tập bản đồ này được đặt tên là Trung Hoa bưu chính dư đồ vì đây là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Vì thế, nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì họ không đưa vào các tập bản đồ. Đây là những tài liệu chính thống do Nhà nước Trung Quốc phát hành vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, và thể hiện rằng Trung Quốc luôn thừa nhận cương vực phía nam của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam.
Hiện tại, Trần Thắng đang vận động bạn bè quyên góp tiền để mua cuốn Atlas Postal de Chine – Trung Hoa bưu chính dư đồ – Postal Atlas of China in năm 1919, vì đây là cuốn sách được in rất ít, có giá trị sử liệu cao.
Được biết, vào tháng 10 hoặc tháng 11 sắp tới, liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông. Vì thế, luật sư Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam, đã đề nghị Trần Thắng đưa toàn bộ số bản đồ mà anh mua được về Việt Nam, kết hợp với nguồn bản đồ của các nhà sưu tầm và nghiên cứu ở trong nước để tổ chức cuộc triển lãm chủ đề Bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khuôn khổ hội thảo này.
Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Postal Atlas of China xuất bản năm 1933. Phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc trong bản đồ này chỉ đến đảo Hải Nam. |
Bản đồ tổng thể vẽ đế quốc Trung Hoa trong cuốn Atlas of the Chinese Empire xuất bản năm 1908. |
Bản đồ tổng quát lãnh thổ của Trung Hoa dân quốc trong cuốn Postal Atlas of China xuất bản năm 1933. |
Trần Đức Anh Sơn (phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng)
Theo SGTT