F-35 được nhận xét là mẫu tiêm kích hiện đại và đắt giá nhất của Mỹ, sở hữu tính năng tàng hình ưu việt cũng như năng lực tấn công mạnh mẽ.
Ba lựa chọn chiến lược cho Việt Nam
- Cập nhật : 08/02/2017
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hành động quân sự ở Biển Đông, Việt Nam dường như chỉ có 3 lựa chọn chiến lược gồm: (1) tiếp tục "chiến lược đi dây" hiện nay giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga; (2) trở thành đồng minh của Mỹ để chống Trung Quốc; và (3) phát triển năng lực quân sự, bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân.
Hành động của Trung Quốc nhằm vào lãnh thổ Việt Nam và phản ứng chiến lược của Việt Nam sẽ có tác động trên toàn cầu. Một chiến thắng của Trung Quốc trước Việt Nam sẽ ép các nước khác phải nhượng bộ và quân độiTrung Quốc sẽ thêm tự tin. Mối đe dọa từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam chủ yếu là nỗ lực chiếm đoạt Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên Biển Đông mà Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 khẳng định "thuộc về Việt Nam". Chuyên gia Anders Corr cho rằng cả 3 lựa chọn nêu trên đều bao gồm những cái giá phải trả và rủi ro, thậm chí thay đổi căn bản nền chính trị và kinh tế Việt Nam. Quyết định của Việt Nam sẽ có tác động sâu sắc đến kết quả của các sự kiện trong nước và quốc tế trong tương lai gần, bao gồm cả việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên thực tế trong lãnh hải Việt Nam, sự ổn định của ban lãnh đạo đương nhiệm của Việt Nam cũng như chiến lược của Trung Quốc nhằm vào các nước khác.
Thực hiện "Chiến lược đi dây" giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản (vốn được coi là toàn diện và phức tạp nhất), Việt Nam sẽ tránh được tối đa các xung đột về ngoại giao, kinh tế và quân sự, song lại dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Sự gia tăng ảnh hưởng này sẽ khiến Việt Nam rơi vào thế yếu cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao trong một đến hai thập kỷ tới. Theo đó, Trung Quốc sẽ đòi hỏi, ép buộc chấp nhận yêu sách "Đường 9 đoạn", cùng khai thác cá và khí đốt, thậm chí đánh thuế đối với giao thương trên biển của Việt Nam. Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Việt Nam cũng sẽ khiến người dân bất bình, đe doạ đến ổn định chính trị của Việt Nam.
Thực thi chiến lược thứ hai Việt Nam sẽ loại bỏ được phần lớn ảnh hưởng của Trung Quốc và trở thành một đồng minh thân thiết của Mỹ và các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Ấn Độ và vùng lãnh thổ Đài Loan. Chiến lược này sẽ giúp duy trì độc lập và chủ quyền của Việt Nam đối với dầu khí, thủy sản và giao thương trên Biển Đông. Đổi lại, các đồng minh mới sẽ ngày càng gia tăng ảnh hưởng lên Việt Nam, yêu cầu cải cách dân chủ và tự do ngôn luận, tiến tới các phong trào xã hội đòi thay đổi lãnh đạo, sửa đổi hiến pháp...
Lựa chọn thứ ba là phát triển năng lực quân sự của Việt Nam tới mức Trung Quốc sẽ không thể tấn công. Chiến lược này có thể bao gồm việc mua hoặc phát triển đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa trang bị trên 6 tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua của Nga. Loại tàu ngầm này có động cơ điện-diezel và được trang bị các tên lửa hải đối đất có khả năng tấn công các căn cứ hải quân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam hoặc các thành phố lớn ven biển như Thượng Hải. Chiến lược này có vẻ sẽ được lựa chọn do ít ảnh hưởng nhất tới thể chế chính trị nhưng cần có thời gian triển khai và vẫn có thể khiến tình trạng chạy đua vũ trang ở châu Á thêm trầm trọng. Ngoài ra, việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng sẽ khiến Việt Nam phải trả một cái giá đắt trước những phản đối ngoại giao quốc tế và trừng phạt kinh tế. Tuy vậy, chiến lược này chưa chắc đã khiến Trung Quốc lo ngại do Bắc Kinh đã nhiều lần thể hiện sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được mục đích. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiến hành đồng thời chiến lược thứ 2 và thứ 3 có lẽ là giải pháp khả thi nhất cho Việt Nam.
Tác giả Anders Corr là chuyên gia phân tích chính trị, an ninh quốc tế và rủi ro chính trị. Bài viết đăng trên Tạp chí "Forbes".
Mỹ Anh (gt)
Nghiencuubiendong.vn