Sự gắn kết của ASEAN được “thử lửa” trước sự "tấn công” của Trung Quốc đối với những quốc gia ASEAN không liên quan trực tiếp tới tranh chấp về Biển Đông đã và đang nhận các khoản viện trợ "không hoàn lại" lớn từ Bắc Kinh.
“Bắt tay” Philippines ở biển Đông: Trung Quốc gây sức ép với Nhật?
- Cập nhật : 12/10/2016
Ngay sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới Manila gặp Tổng thống Benigno Aquino và các quan chức cấp cao để thảo luận, xoa dịu căng thẳng, ngày 21.10, báo chí Nhật Bản lên tiếng bày tỏ quan ngại về động thái này của Trung Quốc.
Theo đó, báo chí Nhật Bản cho rằng, việc Trung Quốc quay sang tìm cách giảm căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông chính là nhằm gây sức ép đối với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy nhiên theo nhà phân tích, đó chỉ là một vấn đề...
Cuối tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã có cuộc diện kiến với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và hội đàm với người đồng cấp Erlinda Basilio. Dù không nói ra, song dễ hiểu đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm hàn gắn rạn nứt trong quan hệ với Philippines bắt nguồn từ những tranh chấp chủ quyền căng thẳng trên biển Đông. Hãng Reuters cho hay, đây là cuộc gặp chính thức cấp cao lần thứ nhất giữa hai nước, kể từ khi xảy ra xung đột ở bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham hồi tháng 4.2012.
Trong thông cáo do Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila phát đi, có đoạn viết: “Hai bên đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu về các vấn đề tồn tại trong mối quan hệ giữa hai nước và nhất trí giải quyết những khác biệt một cách thích hợp nhằm tránh tác động tiêu cực”.
Bà Phó Oánh cũng khẳng định rằng, bà và người đồng cấp Erlinda Basilio đã nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác trong quan hệ giữa hai nước. Đài NHK dẫn lời một quan chức cao cấp của Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông...
Về quan ngại của Nhật Bản, các nhà phân tích quốc tế cho rằng đó chỉ là một mặt, mặt khác quan trọng hơn có lẽ là bởi Trung Quốc lo ngại mối quan hệ Philippines - Mỹ đang trở nên khăng khít, thâm sâu hơn, đặc biệt trước các động thái về hợp tác quân sự giữa hai bên. Kể từ năm ngoái, sau các vụ đụng độ với lực lượng của Trung Quốc trên biển Đông, Philippines đã tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ, thể hiện trong hàng loạt cuộc tập trận ở phía tây nước này. Manila còn mua soái hạm của hải quân từ Mỹ và đang đặt mua thêm tàu tuần tra bờ biển cũng như máy bay chiến đấu.
Về phía mình, Mỹ cũng nhiều lần khẳng định Mỹ sát cánh với Philippines trong vấn đề chủ quyền... Đây mới chính là điều Trung Quốc thực sự lo ngại. Còn nhớ hồi cuối tháng 1, khi Philippines cho biết họ có kế hoạch thực hiện nhiều hơn các cuộc tập trận chung với Mỹ, cũng như cho phép quân đội Mỹ triển khai trên cơ sở luân phiên ở các căn cứ quân sự tại Philippines..., báo chí Trung Quốc dịp đó đã đồng loạt phản ứng gay gắt.
Bài xã luận trên “Thời báo Hoàn cầu”, của Trung Quốc có bài viết với tiêu đề “Hãy để Philippines trả giá”, tuyên bố rằng Trung Quốc cần áp đặt ngay các biện pháp trừng phạt kinh tế Philippines. “Cần để các nước trong khu vực lân cận với Trung Quốc hiểu rằng đối trọng với Trung Quốc bằng cách đứng về phía Mỹ không phải là lựa chọn khôn ngoan” - bài xã luận trên đã nói trắng ra như vậy. Tờ “Nhân dân Nhật báo” đăng ý kiến của các nhà phân tích người Trung Quốc, cho rằng Philippines đang “đưa ra những thông điệp sai lầm”.
Tờ Nhân dân Nhật báo cũng thẳng thừng rằng: “Cho dù nước ngoài có mạnh thế nào, họ không thể giúp người Philippines khẳng định chủ quyền” mà Trung Quốc cho là sai trái...
Đáp lại phản ứng của Trung Quốc, Tổng thống Philippines Aquino nói: “Nếu có ai đó vào vườn nhà bạn và nói rằng anh ta sở hữu khu vườn đó thì bạn có cho phép không? Tôi đề nghị người dân đoàn kết về vấn đề này. Chúng ta phải có chung một quan điểm”.
Trong lúc bà Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ở Manila, thì báo chí cũng vừa đưa tin, tàu sân bay USS George Washington - một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất của hải quân Mỹ - sẽ đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines ở biển Đông, trong chuyến thăm thiện chí 4 ngày tới Philippines bắt đầu từ ngày 24.10.
Chiếc hàng không mẫu hạm nặng 104.200 tấn dự kiến sẽ đi qua bãi đá ngầm Scarborough, cách tỉnh Zambales 124 hải lý, có ít nhất hai khu trục hạm của Mỹ sẽ hộ tống tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz này khi nó đi vào biển Đông đêm 24.10.
Theo Lao Động