Cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, Bắc Kinh có nhắm đến Hà Nội không, tại sao họ không huy động không quân và tên lửa tham chiến?
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Sự thật khốc liệt, Trung-Mỹ đổi màu...
- Cập nhật : 17/02/2017
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 về nguyên nhân sâu xa là hệ quả của giấc mộng bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
5h sáng ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bất ngờ huy động hơn 60 vạn quân mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, bất chấp việc Việt Nam và Trung Quốc thời điểm đó là 2 nước anh em trong Khối Xã hội Chủ Nghĩa.
Trước khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa này, Bắc Kinh đã “hạ quyết tâm” khá lâu. Sở dĩ tôi dùng từ “hạ quyết tâm” bởi vì khi đó, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là 2 nước Xã hội Chủ nghĩa, việc tấn công Việt Nam là một biến cố cực lớn trong nội khối và sự thay đổi cả về ý thức hệ.
Vậy nhà cầm quyền Bắc Kinh nuôi mộng tấn công Việt Nam từ khi nào và điều gì đã thúc đẩy Trung Quốc đi đến quyết định tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, gây chấn động thế giới, được phương Tây mô tả là “Cuộc chiến tranh đỏ” hay “Cuộc chiến cùng ý thức hệ”?
Điều này xuất phát chủ yếu từ giấc mộng bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh và tư tưởng “cậy lớn bắt nạt bé” được “di truyền” lại suốt lịch sử hàng ngàn năm của họ.
Chính những điều này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Quan hệ Việt-Trung: Giấc mộng bá quyền khiến Bắc Kinh mờ mắt
Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến Trung Quốc tấn công Việt Nam được nhiều người tán đồng là “nỗi sợ bị bao vây”. Những bài học cay đắng trong mấy ngàn năm lịch sử Trung Hoa, nỗi ám ảnh thường xuyên và lớn nhất trong đầu các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc là nỗi sợ này.Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng nói Trung Quốc bị Mỹ bao vây, sau đó tiếp tục bị Liên Xô bao vây. Nỗi sợ này có đúng hay không? Không! Nó chỉ là sự tưởng tượng của những cái đầu bành trướng nghĩ rằng ai cũng có tư tưởng bá quyền chèn ép người khác như mình.
…sau năm 1975, việc Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời mang lại hòa bình trên toàn bán đảo Đông Dương đã giúp vị thế của nước ta trong khu vực được nâng lên một tầm cao mới, khiến Trung Quốc lo ngại, sợ bị mất ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 1975-1978, Bắc Kinh giảm mạnh viện trợ với lý do cần kinh phí để hỗ trợ Hoa kiều hồi hương và đến năm 1978 thì cắt toàn bộ. Điều kiện đầu tiên Trung Quốc đặt ra để nối lại viện trợ là phải từ chối tất cả các khoản trợ giúp của Liên Xô.
Như vậy, xuất phát từ mưu đồ bành trướng và giấc mộng nước lớn mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã buộc Việt Nam phải chọn giữa Trung Quốc và Liên Xô, trong khi Việt Nam luôn mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa anh em.
Khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt-Xô vào ngày 3 tháng 11 năm 1978, nỗi sợ hãi của Trung Quốc không còn là một ám ảnh đầy đe dọa mà nó bị đẩy lên mức nguy hiểm.
Bắc Kinh đã quay sang bắt tay Washington để chống lại Moscow, đồng thời sử dụng nhiều con bài để ngăn chặn các nước khác trong khối Xã hội Chủ nghĩa quan hệ mật thiết với “người anh cả” của khối, nhằm bao vây, cô lập Liên Xô, hòng tranh đoạt địa vị lãnh đạo.
Việc không đạt được mục đích buộc Việt Nam phải đi theo định hướng của mình đã khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh quyết định xung đột lớn.
Điều này là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến Trung Quốc trở mặt tấn công Việt Nam vào tháng 2/1979. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân cơ bản, mang tính chất quyết định, mà nó chủ yếu xuất phát từ quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô
Quan hệ Xô-Trung: Chủ nghĩa Xã hội chỉ là sự núp bóng, Liên Xô chỉ là công cụ phát triển?
Sau thời kỳ “Ngoại giao bóng bàn” năm 1972, quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Liên Xô đã xấu đi trông thấy, trên thực tế, lúc này Bắc Kinh đã coi Hà Nội và Moscow là “những kẻ thù”, đồng thời, tìm cho mình “đồng minh mới” là Hoa Kỳ.
Sau năm 1975, Tại sao Trung Quốc lại sẵn sàng trở mặt với Liên Xô và từ đó coi Việt Nam là “thế lực thù địch”?
Chính sách của Đặng Tiểu Bình đối với Liên Xô kế thừa từ quan điểm của Mao Trạch Đông, qua đó, sự bành trướng của Liên Xô ở biên giới phía Bắc của Trung Quốc được xem như hiểm họa đối với hòa bình thế giới và đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước này.
Để hiểu được bản chất mối quan hệ Xô-Trung và cả Trung-Việt vấn đề đầu tiên chúng ta cần phải tìm hiểu là thực chất về tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội của nhà cầm quyền Bắc Kinh (được mô tả là “theo màu sắc Trung Quốc”).
Theo một số phân tích, thủa ban đầu, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa là điều hoàn toàn tốt đẹp nhưng theo thời gian, một bộ phận trong giới chức lãnh đạo nước này đã sa vào con đường dân tộc cực đoan, tiếp tục đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa không phải vì tôn sùng Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, mà chẳng qua chỉ là sự “núp bóng” để đạt mục đích tối thượng của mình là hiện thực hóa giấc mộng về một nước Trung Hoa vĩ đại.Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô đã trở thành một siêu cường cả về chính trị, quân sự và kinh tế, lãnh đạo khối Xã hội Chủ nghĩa đối đầu với khối Tư bản Chủ nghĩa, trở thành đối trọng lớn nhất của Mỹ, có phạm vi ảnh hưởng bao trùm toàn thế giới.
Thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Victor III Rroject 671RTM biên chế trong Sư đoàn tàu ngầm số 38 (Liên đội tàu chiến số 17) tại Cam Ranh
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã “núp bóng” khối Xã hội Chủ nghĩa để tìm kiếm sự bảo vệ trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, yếu đuối; lấy tư tưởng Mác-Lê Nin làm “cái áo khoác” để nhận được sự trợ giúp của Liên Xô, thực chất là biến khối này thành công cụ của mình.
Trung Quốc đã khôn khéo thực hiện sách lược “giấu mình chờ thời” (điều mãi sau này mới được giới lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận), lợi dụng Liên Xô và các nước anh em để nhận được sự trợ giúp về kinh tế và quân sự, hòng đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước.
Sau khi đã “đủ lông đủ cánh”, Bắc Kinh đã bắt đầu bộc lộ bản chất của mình, ra mặt chống đối Moscow; đồng thời dụ dỗ, lôi kéo, dọa nạt các nước khác để buộc họ phải xa rời Liên Xô, đi theo ảnh hưởng của mình, nhằm cô lập và hạ bệ vai trò lãnh đạo của Liên Xô.
Mặc dù trong hai năm 1977 và 1978, Moscow đã đưa ra những nỗ lực hòa giải với Trung Quốc để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất và tin tưởng lẫn nhau trong nội khối Xã hội Chủ nghĩa, nhưng các giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động chống phá Liên Xô và cả Việt Nam.
Mục đích của Trung Quốc là muốn thay thế vai trò lãnh đạo khối Xã hội Chủ nghĩa của Liên Xô, nhằm thực hiện giấc mộng siêu cường và chủ nghĩa bá quyền nước lớn của mình.
Điều này lí giải tại sao Trung Quốc sẵn sàng mở cuộc tấn công đẫm máu vào đảo Damanski của Liên Xô (Trung Quốc gọi là Trân Bảo) vào năm 1969 và tấn công xâm lược Việt Nam năm 1979, đồng thời bắt tay “đối thủ ý thức hệ” là Mỹ để đối phó với Liên Xô và Việt Nam.
Quan hệ Trung-Mỹ: Sự ngã giá, mặc cả...
Cuộc chiến năm 1979 gắn liền với tư tưởng cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, được sự giúp đỡ đắc lực của Hoa Kỳ.
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thực chất là sự ngã giá của Bắc Kinh với Washington, đổi lấy 10 năm Mỹ hỗ trợ Trung Quốc cải cách và phát triển lớn mạnh.
Sau khi đánh đổ bè lũ 4 tên và trở lại cầm quyền năm 1977, Đặng Tiểu Bình nắm giữ các chức vụ Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của ông ta được công bố tại Hội nghị TW 3 là kế hoạch 4 hiện đại hoá kinh tế và mở cửa ra thế giới bên ngoài, nhằm cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ sụp đổ và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu vào cuối thế kỷ.
Theo sách lược này, Hoa Kỳ được xem là tấm gương để học tập các ý tưởng và công nghệ tiên tiến, đồng thời là tấm gương thích hợp nhất về hiện đại hoá. Đặng Tiểu Bình tin rằng, nếu Bắc Kinh mở cửa với các nước khác nhưng cự tuyệt Wasghington thì chính sách mới sẽ không có hiệu quả.
Do đó, Đặng Tiểu Bình khẳng định rằng, muốn “Cải cách, mở cửa” có hiệu quả thì phải bắt tay với Mỹ, tận dụng nguồn vốn và kỹ thuật của phương Tây để tăng tốc độ phát triển.
Trong khi đó, bối cảnh quốc tế và quan hệ Việt-Mỹ đang xoay chuyển theo hướng bất lợi cho Trung Quốc. Sau vụ Watergate và thất bại ở Việt Nam, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter của đảng Dân chủ chủ trương tiếp tục hoà hoãn với Liên Xô và tiến tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Tháng 10/1977, Mỹ thôi không phủ quyết việc Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc và 11/1978 ký kết với Việt Nam hiệp định bình thường hoá quan hệ hai nước. Năm 1978, Ngoại trưởng Mỹ C. Vance đi Liên Xô mang theo những đề nghị mới nhằm thúc đẩy việc ký hiệp định SALT2.Sau khi Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị (tháng 11/1978), Trung Quốc đã hạ quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đề xây dựng lòng tin với “đồng minh mới”. Cuộc chiến này chính là lời tuyên cáo của Bắc Kinh, cắt đứt quan hệ với Khối Xã hội Chủ nghĩa.
Do đó, đích thân Đặng Tiểu Bình đã gặp Trưởng văn phòng đại diện của Mỹ ở Trung Quốc là Leonard Woodcock và thông báo Trung Quốc gác tất cả các yêu sách đòi Mỹ không được bán vũ khí cho Đài Loan đã nêu ra trong đàm phán và quyết định bình thường hoá quan hệ với Mỹ với 2 điều kiện.
Một là, ngày 15/12/1978 hai bên phải công bố việc bình thường hoá từ 1/1/1979, việc này sẽ được cả hai bên giữ kín cho đến ngày 13/12. Hai là, sau khi bình thường hoá quan hệ, một tháng sau Mỹ sẽ phải mời Đặng Tiểu Bình sang thăm.
Phía Mỹ đã chấp nhận và cuối tháng 1/1979 Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ và nhận được những cam kết giúp đỡ của Washington trong việc theo dõi động tĩnh quân sự của Liên Xô và Việt Nam, đồng thời sẽ không lên án hoặc ra nghị quyết phản đối Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc.
Sau khi thăm Mỹ về ngày 10/2/1979, Đặng Tiểu Bình đã triệu tập cuộc họp quân uỷ Trung ương và ra quyết định tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, nhằm "dạy cho Việt Nam bài học", khoác dưới cái vỏ bọc mỹ miều là “Cuộc chiến tranh phản kích tự vệ”.
Dù “Tuần trăng mật” giữa Trung-Mỹ chỉ kéo dài trong một thập niên (sau sự kiện Quảng trường Thiên An Môn ngày 4-6-1989), nhưng Trung Quốc đã được lợi một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật, tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ và phát triển trở thành một cường quốc.
Kết luận:
Như vậy có thể nhận thấy rằng, Trung Quốc xâm lược Việt Nam là một âm mưu lớn, được chuẩn bị kỹ càng, nhằm thỏa mãn tư tưởng nước lớn, khát vọng bá quyền và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc của họ, bất chấp trước đó 2 nước là anh em, đồng chí cùng ý thức hệ.
Máu xương của quân dân Việt Nam đã phải đổ xuống vì những cái bắt tay, những âm mưu móc ngoặc chống phá nhau của các nước lớn. Cùng với sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa, đây chính là bài học lớn nhất, có giá trị xuyên suốt chiều dài lịch sử về giữ vững đường lối độc lập, tự chủ trong bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta.
Thiên Nam
Theo Báo Đất Việt