Phỏng vấn Đại tá QĐND Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 trong trận hải chiến Gạc Ma 1988: "Đã là người Việt Nam, bất kỳ ở phía bên nào, nếu có tinh thần yêu nước, có lòng dũng cảm hi sinh vì đất nước Việt Nam mình, thì chúng tôi đều trân trọng."
Hải chiến Gạc Ma 1988: Gạc Ma đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng như thế nào?
- Cập nhật : 23/02/2017
Nhắc lại sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng Gạc Ma và một số đảo đá vào năm 1988 để khẳng định rằng: Mọi sự hiện diện, mọi hoạt động của Trung Quốc tại đây đều là phi pháp.
Hỏi: “Qua báo, đài, tôi được biết, những đá bãi cạn mà Trung Quốc đang xây dựng gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Xu Bi và một số đá khác là kết quả của hành động bất chấp luật pháp, xâm chiếm của Việt Nam. Vậy xin quý báo cho chúng tôi biết, quá trình xâm lược các đá, bãi cạn này diễn ra như thế nào?”- Trần Minh Đức (minhduc2110..@yahoo.com)
Trả lời: Trung Quốc xây dựng tại Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập... là hành vi xây dựng trái phép, xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền. Vì sao lại nói thế? Vì sự chiếm đóng các đảo đá kể trên được Trung Quốc tạo ra từ một cuộc xâm lược bất hợp pháp.
Hành động chiếm đóng một số đá, bãi cạn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được Trung Quốc thực hiện phi pháp vào năm 1988. Hành động này là dùng vũ lực cưỡng đoạt không được luật pháp quốc tế công nhận. Theo sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, diễn biến sự việc có thể tóm tắt như sau:
Tháng 01 năm 1988, CHND Trung Hoa đã huy động một lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc đến khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động các tàu vận tải của Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Lực lượng tàu chiến này đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh đặc biệt được thành lập để tổ chức triển khai chiến dịch đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ ngày 14 tháng 3 năm 1988, nấp dưới luận điệu quen thuộc “phản công để tự vệ”.
Trong chiến dịch này, Trung Quốc đã sử dụng một liên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 chiếc tàu hộ vệ số 502, 509, 531 trang bị tên lửa và pháo 100mm, các tàu này đã tấn công, bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn đang do Việt Nam quản lý.
Trong lúc tàu HQ-604 và đảo Gạc Ma bị tấn công dữ dội thì bên đảo Len Đao và Cô Lin, tàu HQ-605 và HQ-505 cũng đồng thời bị bắn. Khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ cho tàu lùi ra lấy đà và ủi lên đảo Cô Lin. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy. Thủy thủ tàu vừa dập lửa vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604.
Trong cuộc xâm chiếm bất hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực bãi đá ở Trường Sa, tính đến ngày 6 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Su Bi.
Các chiến sĩ hải quân Việt Nam trước sự hung hãn, tàn nhẫn của tàu chiến Trung Quốc vẫn chiến đấu anh dũng, hy sinh, bảo vệ thành công chủ quyền tại đá Cô Lin và Len Đao
Năm 1988, Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp.
Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13/4/1988 thành lập tỉnh Hải Nam).
Sau sự kiện Gạc Ma, Việt Nam chưa bao giờ ngừng đấu tranh với Trung Quốc để khẳng định bảo vệ chủ quyền với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (bao gồm những đảo nổi và những thực thể cấu thành quần đảo). Trong đó có những đá, bãi cạn mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp năm 1988. Như vậy mọi hành động, sự hiện diện của Trung Quốc trên những đá, bãi cạn này đều là hoạt động trái phép.
Hồng Chuyên
Theo Infonet.vn