Ngay sau cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ năm 1979, Trung Quốc đã tiếp tục âm mưu xâm lược trên biển đối với Việt Nam, trên quần đảo Trường Sa.
Hải chiến Gạc Ma 1988: TS. Trần Công Trục - Bài học cảnh giác với âm mưu từ Trung Quốc
- Cập nhật : 23/02/2017
Từ sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm Gạc Ma năm 1988, có thể thấy bài học lớn cho chúng ta đó là đối phương luôn luôn chọn thời điểm khi Việt Nam ở thế khó khăn, ngặt nghèo nhất cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Nắm được âm mưu, ý đồ của Trung Quốc nhăm nhe thôn tính quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mặc dù hoàn cảnh của chúng ta thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước vô cùng khó khăn, nhưng Việt Nam đã đầu tư mọi nguồn lực có thể để củng cố phòng thủ, giữ vững chủ quyền trước âm mưu thôn tính của ngoại bang.
Mặc dù trong cuộc chiến không cân sức để bảo vệ Trường Sa, chúng ta đã không giữ được Gạc Ma, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa… nhưng Việt Nam đã chặn đứng được bước chân bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc về phía Tây quần đảo Trường Sa hòng cắt đứt tuyến đường liên lạc giữa đất liền với quần đảo, tiến tới cô lập và thôn tính toàn bộ quần đảo Trường Sa và hiện thực hóa đường lưỡi bò.
Từ sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm Gạc Ma năm 1988, có thể thấy bài học lớn cho chúng ta đó là đối phương luôn luôn chọn thời điểm khi Việt Nam ở thế khó khăn, ngặt nghèo nhất cả về đối nội lẫn đối ngoại. Việc họ đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1/1974 và Gạc Ma tháng 3/1988 là minh chứng điển hình.
Trên thực tế, Trung Quốc lựa chọn đánh chiếm một số đảo, đá ở Trường Sa năm 1988 xảy ra trong bối cảnh Việt Nam vừa thống nhất đất nước, phải lao vào củng cố hệ thống sức mạnh trong việc quản lý đất nước, phát triển kinh tế trong bối cảnh khó khăn, phải giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, và cả đương đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Biên giới 1979… Việt Nam phải chống đỡ rất nhiều trong khi tình hình Liên Xô và Đông Âu đang khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, gây ra những đổ vỡ.
Quan hệ quốc tế lúc bây giờ giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô, các nước phương Tây, Campuchia giai đoạn này vô cùng phức tạp. Sự kiện Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia loại trừ diệt chủng Pôn-pốt bị một số thế lực quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc lợi dụng, xuyên tạc chỉ trích, gây khó khăn cho ta.
Về kinh tế, chúng ta thiếu thốn đủ thứ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Đây chính là cơ hội TQ tính toán bước thôn tính Trường Sa, tiếp sau trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Với tương quan lực lượng, tiềm lực và thế lực chênh lệch như vậy, việc chúng ta giữ được quần đảo Trường Sa dù bị TQ chiếm mất một phần cũng đã là một nỗ lực to lớn và bền bỉ vô cùng.
Chúng ta không bất ngờ bởi đã có những theo dõi, phân tích nắm được ý đồ của TQ vào những năm 1980 và có những công tác chuẩn bị. Việt Nam đã nhận định, TQ đang có sự chuẩn bị cho việc đặt chân xâm chiếm 1 số vị trí trên quần đảo Trường Sa của chúng ta. Chúng ta đã có chủ trương, bước đi chuẩn bị cụ thể.
Khi TQ chiếm 1 số đảo, bãi đá ở Trường Sa, về ngoại giao, pháp lý chúng ta đã có đấu tranh phản đối liên tục, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc dù chúng ta bị mất một số bãi cạn, nhưng thực tế chúng ta đã kịp thời ngăn chặn các bước tiến mới nguy hiểm của TQ về phía Nam, phía Tây Biển Đông. Trước đây chúng ta cũng đã định hình được việc này, nhưng do quá khó khăn nên không thể tập trung toàn lực củng cố. Sau trận Gạc Ma, chúng ta tiếp tục mở rộng và củng cố các vị trí đóng quân để ngăn ngừa TQ tiếp tục bành trướng.
Sau 1980, chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn, dần dần chúng ta nâng cấp cơ sở đóng quân, các hoạt động kinh tế, khoa học, pháp lý, hành chính….ở Trường Sa. Từ những chuẩn bị đó, chúng ta cũng đã hạn chế và ngăn cản được các bước tiếp theo của TQ. Ngoại trừ 6 điểm chiếm năm 1980, năm 1995 họ chiếm thêm đá Vành Khăn, TQ không chiếm thêm được điểm nào khác, họ quay sang tính toán những nước đi khác phục vụ mưu đồ chiếm trọn Biển Đông.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ, TQ đã đánh chiếm một số bãi cạn trong thềm lục địa VN và điều này sẽ vô cùng nguy hiểm cho chúng ta. Cho đến bây giờ, chúng ta giữ được hệ thống nhà dàn DK1, ngăn cản được chiến dịch TQ đổ bộ, biến các bãi cạn thành một bộ phận của quần đảo Trường Sa mà họ đòi chủ quyền với cái gọi là “Nam Sa” để hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp
Không thể lấn sâu hơn về phía Tây, TQ bèn tiến về phía Đông Nam, nơi Philippines chiếm đóng. Sau này họ có gây sức ép ở bãi Cỏ Mây. Rõ ràng với động thái đó, cách thức và phản ứng của chúng ta đã hạn chế được rất nhiều sự bành trướng, mở rộng chiếm đóng của TQ ở khu vực này mặc dù chúng ta còn rất khó khăn gian khổ.
Từ sự kiện này, chúng ta suy nghĩ như thế nào về tình hình sắp tới, TQ sẽ làm gì? Liệu TQ có tiếp tục các bước đi tương tự họ đã làm trong thời gian vừa qua không? Chúng ta phải cân nhắc kỹ điều này. Nhận định của chúng ta thấy rõ, sau những sự kiện đó đã có hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước liên quan về tính toán và các bước đi của TQ. Bối cảnh quốc tế hiện tại cũng đã khác nhiều ngày trước. Khả năng TQ tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm các đảo, các bãi cạn như trước đây họ đã làm rất khó có thể xảy ra, mặc dù không thể loại trừ bởi tham vọng của họ không thay đổi.
Ngày nay, rất có thể TQ đang nhằm vào những bãi cạn ở Trường Sa nơi rất khó duy trì lực lượng đóng quân và đòi hỏi tiềm lực kinh tế, kĩ thuật mạnh mới duy trì được. Các nước đều thấy, đều rất hiểu TQ đang nhằm vào James Shoal, bãi Cỏ Mây hay bãi Cỏ Rong, cũng như bãi cạn Scarborough.
Các nước đã thay đổi về nhận thức và phản ứng trước mưu đồ của TQ ở Biển Đông, hạn chế nhiều khả năng TQ lặp lại thủ đoạn dùng vũ lực như năm 1974, 1988. Nhưng lần này TQ sử dụng thủ đoạn nham hiểm hơn nhiều, đó là tổng hợp các biện pháp pháp lý, hành chính, dân sự, kinh tế nhằm vơ vét tài nguyên, biến nơi không tranh chấp thành tranh chấp, nhảy vào khai thác, nếu không hợp tác thì họ tự làm, gây khó khăn rất lớn cho các bên. Đây mới là cái hiện nay TQ đang làm và thực hiện mạnh mẽ hơn thời gian sắp tới.
Về chỗ đứng, rõ ràng họ đã chiếm chỗ đứng ở Hoàng Sa và một số ở Trường Sa, dù muốn hay không họ đã cắm chân được ở Trường Sa để tạo ra sự mặc cả trong chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác, củng cố yêu sách lưỡi bò, tìm kiếm các lợi ích khác.
Vì vậy chúng ta phải có những cách đi để ngăn cản các hoạt động nguy hiểm của TQ, chúng ta phải có biện pháp cụ thể, rõ ràng, thiết thực. Pháp lý cũng là 1 kênh chúng ta nên áp dụng song song với hoạt động đàm phán với các bên liên quan, cần lưu ý kênh tài phán quốc tế. Mặt khác chúng ta phải lưu ý đến những phương diện kinh tế, cảnh giác với những âm mưu và hoạt động của TQ, như đấu thầu dầu khí, chủ trương gác tranh chấp cùng khai thác trong khu vực họ yêu sách mà không dựa trên UNCLOS, tức khu vực không tranh chấp mà họ nhảy vào tranh chấp.
Đối với việc bảo vệ các điểm đóng quân ở Trường Sa, chúng ta phải tăng cường đầu tư hơn nữa, đảm bảo đủ sức mạnh cần thiết trong thực tế. Chúng ta cần lưu ý đến những bãi cạn, đảo chìm trong khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như trong thềm lục địa mà TQ cố tình quy vào phạm vi quần đảo Trường Sa mà TQ muốn nhảy vào, biến chúng thành đảo nổi, thực thể đóng quân trong cái gọi là quần đảo Nam Sa mà họ đang tính toán mở rộng theo yêu sách lưỡi bò.
Với những bài học lịch sử để lại và xét đến bối cảnh hiện tại, nguy cơ TQ tiếp tục gây hấn, xâm lấn, tiếp tục bất chấp luật pháp còn rất lớn. Vấn đề làm thế nào chúng ta phải dành công sức để nghiên cứu, thông tin cho mọi người hiểu rõ, công khai lập trường của chúng ta, tạo được sự thống nhất trong nội bộ chúng ta, thống nhất trong khu vực và quốc tế, để có tiếng nói đồng tình, khi có sự cố xảy ra vi phạm lợi ích của chugns ta, chúng ta có được sức mạnh của sự thống nhất và đoàn kết.
Hiện nay chúng ta phải đấu tranh trên các phương diện pháp lý, kinh tế, tuyên truyền, khoa học kỹ thuật, đòi hỏi chúng ta phải tập trung nguồn lực trí tuệ, kiến thức, thông tin, nhận định rõ ràng và sáng suốt của người VN trong và ngoài nước, tập hợp sức mạnh cần thiết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta.
Bài học lịch sử cũng cho ta thấy phải luôn luôn đề cao cảnh giác, mặc dù chúng ta đang có những khó khăn nhất định, nhưng chúng ta không nên vì khó khăn tạm thời mà lơ là mất cảnh giác, tạo ra cơ hội cho TQ tính toán các bước đi tiếp theo. Chiến lược họ không hề thay đổi.Nếu chúng ta lơ là, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.
Muốn tạo được sự thống nhất, đoàn kết, chúng ta phải có 1 chính sách rất rõ để khơi dậy và duy trì, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp dân tộc Việt Nam trong nước hay nước ngoài, mọi quan niệm chính trị khác nhau… Đừng để sự chia rẽ và những mầm mống có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của cuộc đấu tranh này.
Ngoài những nước bạn bè có thiện chí, không ít thế lực tìm cách khai thác những bất lợi mâu thuẫn trong quan hệ giữa ta với khu vực, quốc tế để trục lợi, đục nước béo cò. Điều này chúng ta cũng cần phải suy nghĩ. Chúng ta không nên ngả về bên này để đối trọng với bên kia, làm sao khai thác được cục diện quốc tế và khu vực để phục vụ tốt nhất cho công cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền. Chúng ta có thể gặp nhiều khó khăn một khi xảy ra tình huống mà chúng ta dựa bên này chống bên kia, tình huống thay đổi, người ta có thể bán đứng chúng ta.
TS. Trần Công Trục
Theo Infonet.vn