Để chuẩn bị cho việc sử dụng luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế để giải quyết tranh chấp, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên đào tạo đội ngũ chuyên gia về luật quốc tế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; chú trọng hơn nữa việc gửi người hoặc vận động gửi người tham gia vào các thể chế quốc tế, trong đó có các cơ quan tài phán quốc tế.
Vén màn bí mật: Tổng kho Long Bình có chứa bom hạt nhân hay không?
- Cập nhật : 29/04/2017
Người miền Nam lúc đó thường nói: “Tổng kho Long Bình chỉ thiếu có bom nguyên tử”. Tuy vậy, còn một thứ nữa dẫu đã lục tung lên mà chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203 vẫn tìm không thấy!
Tổng kho Long Bình năm 1968, chụp từ trên cao. Tổng kho Long Bình là tổng kho cấp chiến lược do Mỹ xây dựng để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Khi người Mỹ rút đi, họ bàn giao cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và vẫn là tổng kho cấp chiến lược.
Vì vậy, người dân miền Nam lúc đó thường nói: “Tổng kho Long Bình chỉ thiếu có bom nguyên tử mà thôi”. Tuy vậy, còn một thứ nữa dẫu đã lục tung tổng kho lên mà chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203 vẫn tìm không thấy!
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập, 1 chọi 10 - Trận đấu tăng bi tráng...
Tổng kho Long Bình lớn đến cỡ nào?
Nhằm phục vụ cho chiến lược “chiến tranh cục bộ” với cường độ ngày một cao, vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước người Mỹ đã tiến hành xây dựng một Tổng kho cấp chiến lược ở khu vực Long Bình và được gọi là Tổng kho Long Bình.
Nằm cách Sài Gòn 20 km và cách Biên Hòa 7 km, Tổng kho Long Bình có diện tích khoảng 24 km2, bao gồm rất nhiều khu kho riêng biệt và được bảo vệ hết sức cẩn mật.
Xung quanh Tổng kho có từ 7 đến 12 lớp hàng rào, bên trong là đường tuần tra với nhiều tháp canh, lô cốt có đèn pha chiếu sáng. Giữa các khu kho cũng có hàng rào thép gai ngăn cách. Tổng kho được quy hoạch một cách khoa học và ngăn nắp.
Đường sá trong tổng kho hầu hết được rải bê tông nhựa át-phan. Các kho được lắp ghép bằng nhà thép tiền chế, có khẩu độ rất rộng và lợp bằng tôn.
Xung quanh kho thường có các lũy đắp bằng đất hoặc thùng phuy, container đổ đầy đất để bảo vệ. Bình thường, lực lượng bảo vệ Tổng kho này có 2.000 lính Mỹ.
Không chỉ có diện tích lớn, canh gác cẩn mật mà Tổng kho Long Bình cũng là nơi có các chủng loại hàng hóa vật tư thuộc loại phong phú nhất. Là kho dự trữ chiến lược nên Tổng kho Long Bình có đủ mọi thứ “thượng vàng, hạ cám” phục vụ cho chiến tranh.
Từ cái to như máy bay trực thăng, xe tăng thiết giáp đến cái nhỏ như khẩu súng tiểu liên AR-15, quả lựu đạn hay cái cúc của bộ quân phục; Từ những thứ giết người như bom đạn cho đến những thứ nuôi sống và phục vụ con người như gói cơm sấy, hộp dầu chống vắt... đều có cả.
Sự phong phú của Tổng kho Long Bình được lan truyền trong dân miền Nam lúc ấy qua câu thành ngữ mới: “Ở Tổng kho Long Bình thì chỉ thiếu có mỗi bom nguyên tử thôi còn cái gì cũng có!”. Ấy vậy mà không phải!
Tổng kho Long Bình thiếu thứ gì?
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm dinh Độc Lập, chiều ngày 1/5/1975, hầu hết lực lượng Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 được rút ra đóng quân tại Tổng kho Long Bình.
Sau những năm tháng chui lủi giữ bí mật, nằm hầm nằm hào... giờ được ở trong những ngôi nhà khang trang, sân bê tông, đường nhựa, lại có đèn điện, nước máy... bộ đội cảm thấy thật là lên tiên.
Những ngày đầu, bộ đội thường ngủ bù cho bõ hơn một tháng ngày vất vả rong ruổi hàng nghìn km, sau đó là lại túm tụm chuyện trò với nhau.
Ngoài chuyện thăm hỏi nhau người mất, người còn sau những trận đánh ác liệt vừa qua thì những câu chuyện rôm rả nhất lúc này trong cán bộ, chiến sĩ là: “Bao giờ được về với mẹ đây?”. Lòng vả cũng như lòng sung, đã xa nhà mấy năm trời đi chiến đấu anh nào chẳng mong sớm được về nhà.
Tuy nhiên, nhịp sống nhàn tản ấy chỉ kéo dài được mấy hôm thì chấm dứt. Một mệnh lệnh mới được ban ra: “Toàn đơn vị khẩn trương tu sửa xe máy, trang bị và luyện tập để tham gia... duyệt binh mừng chiến thắng”.
Theo lịch đã được cấp trên phê duyệt: Lễ duyệt binh mừng chiến thắng sẽ được tổ chức vào ngày 15/5. Đêm 12, rạng ngày 13/5 sẽ tổ chức tổng duyệt. Vì vậy, tất cả công tác chuẩn bị chỉ gói gọn trong khoảng 1 tuần.
Công việc đầu tiên được Lữ đoàn triển khai là bảo dưỡng cấp 2 cho toàn bộ số xe tăng, xe thiết giáp. Bước vào chiến đấu đã hơn 1 tháng, cơ động vượt gần 2000 km, xe nào cũng đã bắn đến vài cơ số đạn... nên các xe tăng, xe thiết giáp rất cần phải được bảo dưỡng cho đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Nói dại, nhỡ đang duyệt binh mà chết máy nằm ì ra đấy thì “ê mặt” lắm! Vậy là các buồng truyền động, buồng động lực được mở tung ra; pháo súng, vũ khí cũng được tháo ra để bảo dưỡng.
Cán bộ, chiến sĩ toàn lữ đoàn lại khoác vào mình những bộ quần áo công tác để rửa các loại bầu lọc, bơm dầu mỡ, kiểm tra hành trình gián cách, tiêu chuẩn kỹ thuật...
Được cái quần áo công tác, giẻ lau thì không thiếu vì trang phục của lính VNCH còn đầy đấy. Dầu mỡ, nhiên liệu cũng ê hề chẳng thiếu thứ gì.
Công việc thứ hai cần làm là cũng phải tân trang cho những con voi thép nó “sạch nước cản” một tý trước bàn dân thiên hạ chứ. Dù sao cũng là một đội quân chiến thắng cơ mà. Thế mà những chiếc xe tăng, xe thiết giáp của lữ đoàn thì hầu hết đã vào chiến trường từ năm 1971- 1972.
Trải qua mấy năm ở chiến trường, đội mưa gội gió Trường Sơn mấy mùa lại vừa tham gia những trận đánh khốc liệt từ Quảng Trị 1972 đến Mùa Xuân 1975... nên xe nào xe nấy mốc thếch, xám xịt. Đến ngôi sao quân hiệu trên tháp pháo cũng mờ nhạt chẳng còn nhận ra nữa.
Đặc biệt, gần như 100% xe đã mất lá chắn bùn, xe nào còn thì cũng đã rách te tua. Vậy là cả lữ đoàn lại như một công xưởng làm đẹp cho xe. Các thành viên kíp xe bây giờ lại trở thành thợ gò, thợ hàn biến những vỏ thùng phuy thành những chiếc lá chắn bùn cho xe mình.
Với sự hỗ trợ của các thợ sửa chữa của Đại đội 11, rồi thì các xe cũng đủ lá chắn bùn, dẫu có méo mó một chút song có cũng còn hơn không.
Tuy nhiên, thế vẫn chưa đủ! Cần phải sơn lại toàn bộ xe cho nó sáng sủa một tý chứ. Điều đó cũng không khó khăn cho lắm! Sơn trong Tổng kho thì ê hề, nhất là sơn xanh lá cây.
Trong kho là hàng chục tấn sơn loại này được đựng trong những thùng nhựa cỡ 20 lít xếp hàng hàng, lớp lớp, tha hồ lấy. Lại có cả máy phun sơn nữa chứ không phải dùng chổi sơn quét từng tý một nên chỉ cần chừng 2 giờ là đã sơn xong 1 xe.
Mọi việc diễn ra khá thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, đến khi sơn lại quân hiệu trên tháp pháo thì bỗng chững lại. Lý do thật là đơn giản: trong cái kho sơn đồ sộ ấy ngoài sơn xanh lá cây, các loại sơn màu trắng, màu vàng, màu xanh da trời cũng rất nhiều song không hề có một gam sơn màu đỏ nào.
Bộ phận vật tư của lữ đoàn tiếp tục tìm kiếm mở rộng sang các kho khác nhưng cũng đành bất lực. Chạy ra ngoài ngã ba Vũng Tàu và thành phố Biên Hòa tìm mua cũng không được. Các chủ cửa hàng cho biết việc buôn bán sơn màu đỏ được chính quyền VNCH quản lý rất chặt.
Họ bảo: “Chắc họ sợ màu đỏ là màu của cách mạng !”.
Tìm kiếm khó khăn mà không ra, lại bị sức ép bởi thời gian chuẩn bị rất gấp rút, các cán bộ kỹ thuật lúc đó đề xuất dùng sơn màu da cam - trong kho lúc đó cũng có rất nhiều - để thay thế. Đem sơn thử lên một vài xe thấy cũng tạm ổn.
Mặc dù không được đỏ tươi song cũng còn hơn màu sơn cũ đã bạc phếch. Các thủ trưởng thấy vậy cũng đồng ý và cho triển khai đại trà.
Và thế là đội hình xe tăng, xe thiết giáp của Lữ đoàn xe tăng 203 tham gia duyệt binh ngày 15.5.1975 tại Sài Gòn, Biên Hòa và các địa phương khác trông rất “bắt mắt” trừ một chi tiết nhỏ: nửa trên ngôi sao quân hiệu không đỏ rực mà lại có màu đỏ ngả sang da cam!
Trong niềm vui hòa bình, thống nhất chắc chẳng ai để ý đến chi tiết đó. Còn nguyên nhân của điều đó là bởi Tổng kho Long Bình có tất cả mọi thứ nhưng lại không có một thứ - sơn màu đỏ!
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
Nguồn: Theo Thế giới trẻ