Sau chức vụ Tổng bí thư, ông Tập Cận Bình tiếp tục tái đắc cử chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19.
Thấy gì qua Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới?
- Cập nhật : 25/10/2017
Năm thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa mới đã trải qua công tác quản lý các tỉnh lớn, giám sát phát triển kinh tế đất nước cũng như công việc nội bộ của Đảng.
Các thành viên chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 tổ chức 5 năm một lần.
Ngày 25-10, Trung Quốc công bố tên 7 thành viên cấp cao của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức Tổng bí thư Đảng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn giữ vị trí số 2, trong khi 5 thành viên còn lại đều là những gương mặt mới.
Chuyên gia phân tích Alex Neill, của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), bình luận thông qua Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới, có thể thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đã ưu tiên các yếu tố kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp và tính kế thừa.
Năm thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới đã trải qua công tác quản lý các tỉnh lớn của Trung Quốc, giám sát phát triển kinh tế đất nước cũng như công việc nội bộ của Đảng.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19 ra mắt sáng 25-10. Từ trái sang: Các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Ảnh: Tân Hoa Xã
Từ trái qua: các ông Hàn Chính, Vương Hỗ Ninh, Lật Chiến Thư, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương và Triệu Lạc Tế. Ảnh: AP
Tập Cận Bình
Dẫn đầu CPC từ năm 2012 và là Chủ tịch Trung Quốc từ năm 2013, ông Tập là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình vào những năm 1980.
Hiện đã bước sang tuổi 64, ông Tập đang nỗ lực khẳng định lại ảnh hưởng của CPC đối với tất cả lĩnh vực, bao gồm giáo dục, truyền thông, doanh nghiệp tư nhân… vốn đang thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc.
Trong 5 năm đầu ông Tập nắm quyền lực, Trung Quốc đã chứng kiến sự thay đổi trong chính sách đối ngoại theo hướng ngày một quyết đoán, bên cạnh việc tăng cường an ninh trong nước.
Với nhiệm vụ mới, ông Tập có thể sẽ tiếp tục các biện pháp nói trên trong khi duy trì nền kinh tế tăng trưởng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của gần 1,4 tỉ người dân Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình (Xi Jin Ping). Ảnh: Reuters
Lý Khắc Cường
Trở thành thủ tướng vào năm 2013, sự trở lại của ông Lý trong nhiệm kỳ thứ hai tại Ban Thường vụ Bộ Chính trị chứng thực kỹ năng điều hành của ông.
Thủ tướng Lý năm nay 62 tuổi. Ông có bằng tiến sĩ Luật tại Trường ĐH Bắc Kinh. Ông từng là quan chức hàng đầu ở các tỉnh Hà Nam và Liêu Ninh.
Ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Ảnh: china.org.cn
Lật Chiến Thư
Là Chánh văn phòng Trung ương Đảng, ông Lật thường xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình trong các chuyến thăm cấp nhà nước và những dịp quan trọng khác. Hai người trước đây là quan chức ở tỉnh Hà Bắc.
Sau khi ông Tập rời đi để nhận nhiệm vụ mới, ông Lật vẫn ở lại tỉnh Hà Bắc. Sau đó, ông chuyển đến tỉnh Thiểm Tây và Hắc Long Giang, làm bí thư 2 năm ở tỉnh Quý Châu trước khi tới Bắc Kinh vào năm 2012.
Năm nay 67 tuổi, ông Lật đóng vai trò nổi bật trong các vấn đề đối ngoại, kinh tế và cải cách về luật pháp của đất nước. Năm 2015, ông được Chủ tịch Tập Cận Bình cử sang Moscow để làm đại diện đặc biệt trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu). Ảnh: Reuters
Uông Dương
Chức vụ hiện tại của ông Uông, 62 tuổi, là Phó Thủ tướng Trung Quốc, nhận trách nhiệm chỉ đạo các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington về các vấn đề thương mại gai góc.
Từng làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, ông Uông được xem là một nhà cải cách kinh tế quan tâm đến việc thúc đẩy các khu vực tư nhân và chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc từ công nghiệp nặng sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và đổi mới.
Ông Uông Dương (Wang Yang). Ảnh: EPA
Vương Hỗ Ninh
Ông Vương từng là Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu chính sách trung ương của CPC kể từ năm 2002, phục vụ dưới thời 2 ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào với vai trò cố vấn. Ông Vương lúc đó giúp 2 nhà lãnh đạo Trung Quốc xác định quan điểm chính trị và tháp tùng họ trong các chuyến thăm nước ngoài.
Quan hệ giữa ông Vương và ông Tập khá gần gũi. Trong các sự kiện quan trọng, ông Vương hầu như luôn đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc cùng với ông Lật Chiến Thư. Ông được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về lý luận và thực tiễn chính trị tại Trung Quốc hiện nay.
Ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning). Ảnh: Reuters
Triệu Lạc Tế
Kể từ năm 2012, ông Triệu điều hành Ban Tổ chức Trung ương của CPC, đóng vai trò là cánh tay đắc lực giúp ông Tập tranh thủ sự ủng hộ và thắt chặt kiểm soát hệ thống chính trị.
Trước khi chuyển đến Bắc Kinh, ông Triệu, 60 tuổi, là Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây. Ông Triệu là một trong những thành viên "trẻ" nhất của Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ông có thể phục vụ đủ 10 năm trước khi về hưu.
Ông Triệu Lạc Tế được đánh giá là một lựa chọn tốt để thay thế ông Vương Kỳ Sơn giữ vị trí người đứng đầu Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng của CPC.
Một báo cáo của Viện Brookings (Mỹ) cho biết ông Triệu là người đảm nhận tốt vai trò giúp ông Tập thực hiện một số mục tiêu lâu dài như giảm đói nghèo và thực thi quy định nghiêm ngặt đối với các quan chức CPC.
Ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji). Ảnh: Reuters
Hàn Chính
Ông Hàn trước là một nhà kinh tế học tại TP Thượng Hải, trở thành thị trưởng vào năm 2003 rồi nắm giữ vị trí Bí thư thành ủy Thượng Hải.
Chính khách 63 tuổi này được biết đến là nhân vật "thân thiện" với giới kinh doanh. Trong thời gian làm thị trưởng, ông Hàn cùng chính quyền TP Thượng Hải đã tổ chức Hội chợ Thế giới (World Expo) 2010, thể hiện sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc công nghiệp hiện đại.
Viện Brookings mô tả ông Hàn là chính trị gia kiêm nhà tài chính - kinh tế tài năng.
Ông Hàn Chính (Han Zheng). Ảnh: EPA
Phạm Nghĩa (Theo AP,Nld.com.vn)