Đặc điểm nổi bật nhất của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo năm nay là “thay đổi nguyên trạng” hay nói một cách nôm na là “biến không thành có”.
Bắc Kinh đang đối mặt với thách thức và bất ổn
- Cập nhật : 12/10/2016
Sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại có thể vượt tầm kiểm soát truyền thống của Đảng Cộng sản và đây là thách thức lớn nhất đối với giới cầm quyền Trung Quốc.
Trung Quốc đang trải qua giai đoạn phát triển then chốt. Thành tựu cải cách từ năm 1978 đã đưa Trung Quốc thành một cường quốc với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng Trung Quốc cũng đang đứng trước nhiều vấn đề nảy sinh từ tăng trưởng nhanh, mà việc giải quyết chúng không chỉ quan trọng với 1,4 tỷ người Trung Quốc mà còn với cả thế giới. Thế hệ lãnh đạo mới có thể chọn đường lối bảo thủ để gìn giữ thành quả 34 năm cải cách hoặc chọn thử nghiệm những cải cách mới. Với hệ thống hiện nay, Trung Quốc trở thành đất nước của những cái nhất thế giới: thị trường ô tô lớn nhất, mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất, nhiều người sử dụng Internet nhất (538 triệu người), sản xuất và xuất khẩu hàng chế tạo nhiều nhất… Thúc đẩy bởi nhu cầu lớn về nguyên liệu, Trung Quốc cố gắng vươn ra thế giới, từ Australia đến Angola, từ Vùng Vịnh đến Brazil. Trung Quốc ngày càng gắn chặt với thế giới, không chỉ thông qua thương mại và chiếc ghế Ủy viên thường trực HĐBA/LHQ mà còn bởi hàng năm hơn 60 triệu người Trung Quốc đi du lịch khắp thế giới. Nhưng nếu tiếp tục đường lối bảo thủ, Trung Quốc sẽ bế tắc về chính trị, phân hóa xã hội, về lâu dài sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Cách mạng của Đặng Tiểu Bình chưa hoàn thành
Lãnh đạo Trung Quốc đang tìm câu trả lời về vai trò của ĐCS khi Trung Quốc chuyển nhanh từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội thông tin và đô thị hóa. Đặng đã quyết định lấy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu cải cách để bảo vệ sinh tồn của ĐCS. Ông nhận ra Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông đã đẩy Đảng và đất nước Trung Quốc vào tình thế khốn khổ trong 3 thập kỷ. Cải cách của Đặng đã cứu và giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường mới. Để bảo vệ vai trò cầm quyền của ĐCS, Đặng đã đàn áp người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, không cho phép bầu cử tự do, lấy tăng trưởng kinh tế để giành ủng hộ của đa số và bảo đảm tính chính đáng của ĐCS. Giới lãnh đạo thời TBT Hồ Cẩm Đào đã triển khai kích thích kinh tế với các dự án hạ tầng và cho vay khổng lồ để chống lại suy thoái toàn cầu năm 2008. Nhưng gói kích thích này lại gây những hậu quả không lành mạnh như quá lệ thuộc vào đầu tư, chính quyền địa phương mất nợ, v.v… Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, đặc biệt là châu Âu, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn có một gói kích thích tương tự. Thay cho xuất khẩu và đầu tư, Trung Quốc ưu tiên nhu cầu nội địa, chuyển từ mô hình thâm dụng lao động sang sản xuất các hàng hóa có chất lượng và công nghệ cao hơn. Đây là một tiến trình lâu dài, nhưng điều kiện thực hiện tới đây sẽ khó khăn hơn. Sự bấp bênh của Kinh tế thế giới không cho phép Trung Quốc mãi dựa vào thị trường phương Tây và càng không thể phụ thuộc vào tự do hóa thương mại toàn cầu. Ứng cử viên TTh Mỹ Mitt Romney đã tuyên bố nếu trúng cử, ngày đầu tiên vào Nhà Trắng, ông sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích về “thao túng tiền tệ”. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ đứng trước các trừng phạt thương mại.
Cách mạng của Đặng chưa hoàn thành thể hiện ở nhiều khía cạnh. Thị trường nông sản và hàng chế tạo đã được tự do hóa, nhưng chưa chấm dứt sự kiểm soát bằng mệnh lệnh. Doanh nghiệp Nhà nước vẫn thống trị các ngành then chốt như năng lượng và giao thông. Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận ngân hàng quốc doanh. Trong tất cả doanh nghiệp, bất kể quy mô, đều có chi bộ của ĐCS có thể phủ quyết những quyết định quan trọng. Việc bổ nhiệm các vị trí cao cấp trong Doanh nghiệp Nhà nước phải được các cơ quan Đảng ở TW duyệt. Đất nông nghiệp vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, nông dân thuê lại nhưng quá nhỏ để canh tác hiệu quả. Di chuyển lao động bị kiểm soát bởi cơ chế hộ khẩu (hukou). Công nhân di trú đăng ký hộ khẩu ở nơi sinh, nên không được hưởng hỗ trợ xã hội, con cái không được đi học ở nhiều thành phố. Giá nước và năng lượng bị chính quyền định giá thấp. Pháp quyền hầu như không có, thẩm phán không thề trước chính quyền hoặc pháp luật, mà thề trước Đảng. Tham nhũng tràn lan, thậm chí còn được coi như một “đặc ân”. Gần đây, BT Đường sắt bị buộc tội làm giàu nhờ xây dựng đường sắt cao tốc. Theo thăm dò của một tạp chí, các học sinh tiểu học khi được hỏi về mơ ước sự nghiệp đều chọn muốn làm công chức vì “công chức tham nhũng có mọi thứ tốt đẹp”. Sự bất an và thiếu tin tưởng bao trùm xã hội, từ an ninh lương thực đến tuyên bố của chính quyền. Người dân quen dùng câu khẩu miệng “chỉ tin những gì Chính phủ làm”. Chủ nghĩa vật chất tầm thường trở thành hệ ý thức thống trị, chứ không phải Khổng giáo hay Chủ nghĩa Cộng sản. Trung Quốc phải nỗ lực rất lớn mới giải quyết được một vài trong số vấn nạn này mà đến nay ê kíp Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo làm chưa tốt. Sự sụp đổ của ngôi sao dân túy Bạc Hy Lai cho thấy Trung Quốc cần người lãnh đạo có tâm và trung thành với ĐCS để mở đột phá vào phương thức lãnh đạo theo nguyên tắc đồng thuận.
Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hàng đầu trong nhóm “Thái tử”, xuất thân từ gia đình tiền bối cách mạng của ĐCS, có khả năng xuất chúng trong điều hành hệ thống chính trị. Khi mới 10 tuổi, cha là bộ trưởng bị bắt, ông bị đẩy về nông thôn, nếm trải cay đắng như phần lớn người dân trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Sau khi cha được phục hồi nhờ cải cách của Đặng, Tập Cận Bình nhanh chóng trở thànhBí thư Thượng Hải, vào Thường vụ BCT, rồi Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quân ủy TW. Tập được coi như một người trung gian hòa giải, chỉ cam kết cải cách khi nhận được ủng hộ đa số trong BCT. Lý Khắc Cường cùng vài nhân vật nổi bật khác như Uông Dương (Bí thư Quảng Đông) nhận thấy cần phải cải cách, nhưng lực lượng bảo thủ còn rất mạnh, đặc biệt là các DNNN. Cải cách cơ cấu kinh tế có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và tăng lạm phát trong ngắn hạn, nên dường như giới lãnh đạo mới chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Nhưng không mạo hiểm, Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ tăng trưởng giảm dần, rồi rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, thậm chí đình trệ do suy yếu năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, giới lãnh đạo mới phải xử lý dòng người di cư khổng lồ từ nông thôn ra thành thị, không chỉ ở Bắc Kinh, Thượng Hải, mà cả những thành phố nằm sâu trong lục địa. Trung Quốc đang khuyến khích phát triển nhiều thành phố theo kế hoạch “Mở cửa miền Tây” như Trùng Khánh. Với 32 triệu dân, Trùng Khánh phát triển nhanh, có nhiều nhà máy của các công ty đa quốc gia, là bàn đạp vào Thường vụ BCT của Bạc Hy Lai. Xã hội phát triển nhanh kéo theo đòi hỏi nhiều hơn về tự do. Rất khó kiểm soát xã hội khi “tự do cá nhân” ngày càng mâu thuẫn với đàn áp thô bạo những người đối lập. Hàng năm có khoảng 150.000 biểu tình lớn nhỏ ở Trung Quốc, buộc chính quyền cho phép biểu tình để điều hòa xã hội. Sự bùng nổ của xã hội truyền thông đã lấn án hệ thống kiểm duyệt với 30.000 “cảnh sát mạng” (cyber-cops). Sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại có thể vượt tầm kiểm soát truyền thống của ĐCS là thách thức lớn nhất đối với giới cầm quyền Trung Quốc.
Đối đầu trên biển
Cải cách kinh tế của Đặng cần có môi trường quốc tế tốt để thúc đẩy xuất khẩu, bù đắp tiêu dùng trong nước còn yếu, do đó Trung Quốc cần kiềm chế và tập trung cho tăng trưởng. Nhưng khi đã là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và dưới áp lực chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc hành xử ít thụ động hơn, ít nhất là với các nước giềng Đông Á.
Từ năm 2010, Bắc Kinh liên tục gây căng thẳng trên biển với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines. Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông từ tấm bản đồ đưa ra trong thập niên 1940. Chỉ những nước láng giềng dưới ô bảo vệ của Mỹ mới dám phản ứng lại sự phô trương của Trung Quốc. Tuy có bước phát triển, nhưng Trung Quốc vẫn kém xa Mỹ về quân sự. Trung Quốc mới chỉ có 1 tàu sân bay mua của Ucraina, nhưng đến nay vẫn chưa có máy bay nào trên đó; trong khi Mỹ có thể cử một đội tàu sân bay lớn tới vùng chiến sự nếu họ muốn. Bắc Kinh cổ vũ tăng cường hải quân nhằm thực hiện ước mơ đột phá “chuỗi đảo” căn cứ quân sự của Mỹ từ nam Nhật Bản qua Đài Loan đến Philippines. Năm 2011, ba hạm đội của Trung Quốc đã tập trận chung ở Biển Đông. Tháng 11/2011, BQP Trung Quốc thông báo hải quân Trung Quốc sẽ định kỳ diễn tập ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc đã cử 10 tàu chiến đi qua eo biển giữa đảo Okinawa và Miyako để diễn tập trên Thái Bình Dương. Các tàu hải giám Trung Quốc đẩy mạnh tuần tra và do thám trên biển Hoa Đông. Tháng 9/2011, Bắc Kinh phái tàu ngư chính tới quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp để bảo vệ “chủ quyền biển và lợi ích hải sản”. Năm 2010, Bắc Kinh tạm ngừng quan hệ ngoại giao với Tokyo, không bán đất hiếm cho Nhật Bản khi một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị bắt do va chạm với lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Trung Quốc “đón chào” TTg Nhật Noda nhậm chức bằng một loạt tuyên bố như đòi tôn trọng lợi ích Trung Quốc, “Trung Quốc có nhu cầu chính đáng hiện đại hóa quân đội để bảo vệ lợi ích quốc gia ngày càng tăng”, kêu gọi ông Noda “chấm dứt coi Trung Quốc là mối đe dọa”, v.v. Bắc Kinh cũng cảnh báo quyết liệt Việt Nam và Philippines, kêu gọi hai nước này không cấp phép cho tàu chiến Mỹ ghé thăm.
Xác định mục tiêu đối ngoại
Chưa rõ ai quyết định chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh. BTNG Dương Khiết Trì không nắm nhiều quyền lực. Ủy viên Quốc Vụ viện Đới Bỉnh Quốc chỉ ngang cấp với BTNG. Nhiều nhóm lợi ích cùng có ảnh hưởng đến đối ngoại như các thế lực về tư tưởng và an ninh trong đảng, quân đội, Bộ Thương mại, DNNN, các nhóm lợi ích năng lượng, khoáng sản, v.v. Trung Quốc đã định vị lợi ích “cốt lõi” của chính sách đối ngoại: bảo vệ hệ thống chính trị-kinh tế hiện hành và toàn vẹn lãnh thổ, gồm Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan. Do đó, Trung Quốc bảo vệ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Trung Quốc cũng theo đuổi “ngoại giao tài nguyên” nhằm bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên liệu. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc không nhất quán như một siêu cường. Trung Quốc theo đuổi một số mục tiêu ở những thời điểm khác nhau theo nhiều phương cách với từng đối tượng. Trung Quốc là ủy viên thường trực HĐBA/LHQ nhưng từ chối đảm nhận trách nhiệm gắn liền với vị thế đó. Trung Quốc dao động trong vấn đề Lybia, không phủ quyết vùng cấm bay, nhưng cáo buộc Pháp chống chế độ Gaddafi. Trung Quốc cũng có thái độ lưỡng lự với Syria. Bắc Kinh kêu gọi cải cách hệ thống tài chính quốc tế do phương Tây thống trị, nhưng không đưa ra được một giải pháp nào. Trung Quốc đầu tư nhiều cho “ngoại giao mềm” như tài trợ các Viện Khổng Tử để truyền bá văn hóa Trung Quốc. Các nước khó có thể tin vào “trỗi dậy hòa bình” khi Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quốc phòng với tốc độ hai con số. Với chi quốc phòng chiếm 8% tổng chi quân sự toàn cầu, Trung Quốc đang hiện đại hóa hải quân, sản xuất máy bay tàng hình, tên lửa chống vệ tinh, có 80 tàu chiến mặt nước và 70 tàu ngầm. Tháng 11/2011, TBT Hồ Cẩm Đào khẳng định tầm quan trọng của hải quân, yêu cầu “sẵn sàng cho mọi cuộc chiến”. Một căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân gắn tên lửa đạn đạo đã được xây dựng trên đảo Hải Nam. Tên lửa “Đông Phong” được phát triển để đánh chìm tàu sân bay cách xa 2.000 dặm. Tờ Hoàn Cầu đe dọa “các nước nhỏ” như VN và PLP chuẩn bị “nghe tiếng đại bác” nếu còn nghi ngờ chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Điều này khiến một số nhà bình luận Mỹ đánh giá Trung Quốc là cường quốc bành trướng như Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ 2. Nhưng thực tế, Trung Quốc biết lợi ích kinh tế và giới hạn quân sự của mình. Trung Quốc chỉ muốn hạn chế các lực lượng Mỹ hiện diện trong khu vực, chứ khống muốn đối đầu. Chủ nghĩa dân tộc có thể vui lòng các nhóm hiếu chiến trong xã hội Trung Quốc, nhưng giới chính trị hiểu rất rõ: Mỹ trong tương lai gần vẫn là cường quốc quân sự quan trọng nhất ở Đông Á./.
Bài viết của Jonathan Fenby, tổng biên tập tạp chí Quan sát đăng trên Tạp chí “Chính trị quốc tế” của Hội đồng Đối ngoại Đức (DGAP) số tháng 9 - 10/2012
Lê Sơn (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông