Quân đội Trung Quốc đang có bước chuyển mình mới với việc chuyển sang coi trọng "chất lượng", nhưng vẫn có nhiều khoảng cách khi so sánh với sức mạnh quân sự của Mỹ trên nhiều phương diện.
Brexit mang lại lợi thế cho Trung Quốc trên Biển Đông?
- Cập nhật : 19/03/2017
Theo một học giả, Brexit cung cấp cho Trung Quốc một lợi thế so với các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Phar Kim Beng, một cựu học giả thuộc Quỹ Nhật Bản và là Chủ tịch của công ty tư vấn Echo Strategic Insight đặt trụ sở tại Malaysia, ngày 18/3 có bài phân tích: "Tại sao Brexit tăng cường bàn tay của Bắc Kinh ở Biển Đông?" đăng trên South China Morning Post, Hồng Kông.
Theo vị học giả, Brexit "sẽ có ảnh hưởng địa chính trị" đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN, thậm chí là với Hội nghị Cấp cao Đông Á.
Tác giả phân tích: "Sự sụp đổ chậm của EU - nếu đó thực sự là những gì chúng ta đang chứng kiến - sẽ khuyến khích Trung Quốc rằng, họ có đủ khả năng để bỏ qua cả ASEAN lẫn cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á.
ASEAN có thể cố gắng tranh thủ Hoa Kỳ và Nhật Bản để làm đối trọng với Trung Quốc đang theo đuổi quyền bá chủ.
Nhưng nếu một hành động cân bằng như vậy bị đánh giá sai, sự tin cậy trong ASEAN sẽ bị giáng một đòn và càng kích thích Trung Quốc thống trị và kiểm soát tất cả các phương tiện cần thiết.
Trong ý nghĩa này, Brexit cung cấp cho Trung Quốc một lợi thế so với các nước láng giềng trong vấn đề Biển Đông. Nó sẽ kích thích Bắc Kinh phải kiên nhẫn.
Nếu ASEAN là một "dự án khu vực thất bại", hãy để nó tự sụp đổ, Bắc Kinh sẽ suy luận như thế. Khi ASEAN thấy không thể liên kết chặt chẽ được với nhau, hoặc không thể trở thành đồng minh của Mỹ, Nhật Bản, sẽ không còn lựa chọn nào khác là "trở về với Trung Quốc".
Và khi ASEAN không thể đến với nhau như một khối thống nhất, lúc này Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược chia để trị bằng cách thuyết phục từng bên trong các bên có yêu sách ở Biển Đông để đàm phán trực tiếp".
Sau sự kiện Anh rời EU, các chuyên gia cũng đã so sánh Brexit với ASEAN, tuy nhiên có không ít ý kiến cho rằng khả năng một thành viên ASEAN đòi rời khỏi khối là rất thấp dù Hiệp hội đang đối mặt với không ít vấn đề, đặc biệt là tranh chấp Biển Đông đang gây chia rẽ ASEAN.
Từng trao đổi với VnExpress, TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore cho rằng, về tổng thể, tổng thể, ASEAN vẫn là một diễn đàn và một công cụ hữu ích để giúp các nước thành viên quản lý cuộc tranh chấp và nâng cao vị thế đàm phán trong quan hệ với Trung Quốc.
Có khả năng khác là một số nước có thể tìm kiếm các dàn xếp bên ngoài ASEAN để giải quyết cuộc tranh chấp, qua đó làm giảm vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhưng kể cả khi xảy ra, điều này cũng không dẫn tới việc các nước này muốn rời khỏi ASEAN, bởi lợi ích mà ASEAN mang lại cho các nước thành viên là rất lớn.
An Nhiên
Theo Báo Đất Việt