Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện. Việt-Nga đang phát triển đề án chung về dầu khí ở Biển Đông và Matxcơva cũng mong muốn trở lại Cam Ranh, đồng thời bán cho Hà Nội các vũ khí tiên tiến giúp Việt Nam nâng cao khả năng quốc phòng, tổ chức chuyên phân tích Oilprice đánh giá.
Chuyên gia: Thổ Nhĩ Kỳ có thể là mục tiêu tấn công tiếp theo sau Qatar
- Cập nhật : 17/06/2017
Nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Samer Saleha đã nhận định với hãng tin Sputnik rằng Ankara có thể trở thành "mục tiêu" tiếp sau Qatar trong tình hình căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.
Nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ Samer Saleha đã chia sẻ với hãng tin Sputnik về lập trường của Ankara cũng như vai trò của các quốc gia khác trong khủng hoảng ngoại giao Qatar. Ông Saleha đồng thời đưa ra đoán định về hậu quả có thể xảy ra đối với Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng hiện nay khi Ankara công khai ủng hộ Qatar.
Ông cho biết: “Trong tình huống này, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nước này có thể trở thành mục tiêu tiếp theo sau Qatar. Các chuyên gia và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng một cuộc tấn công nhắm vào nước này có thể xảy ra bắt nguồn từ cả các nước Vùng Vịnh và Mỹ. Điều này đã rõ ràng sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia. Đó là lý do Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng nhanh chóng và có thái độ như vậy. Đó có thể là một phần trong kế hoạch của Mỹ tại khu vực này”.
“Thổ Nhĩ Kỳ và Iran phản đối kế hoạch này. Ankara và Tehran muốn nhìn khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh từ một góc độ khác. Nhưng Mỹ lại phớt lờ đề xuất của hai nước này và muốn áp đặt chính quan điểm của mình vào tình hình hiện tại. Mỹ muốn gặt hái từ cuộc khủng hoảng này bởi nó phục vụ cho lợi ích của Washington”, ông Saleha bày tỏ quan điểm.
Ngày 14/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đến Doha để gặp gỡ người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman al Thani và Quốc vương nước này Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani giữa thời điểm xảy ra khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh.
Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Yemen đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, cấm vận lưu thông đường biển, đường bộ và hàng không với Qatar ngày 5/6 với cáo buộc rằng nước này hỗ trợ khủng bố và làm mất ổn định Trung Đông. Tiếp sau đó, đã có một vài quốc gia khác “theo chân” những nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông khác lại từ chối ủng hộ động thái này đồng thời ra tay giúp đỡ Qatar thoát khỏi thế bị cô lập. Theo ông Saleha, ngay cả trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ rõ quan điểm và cuộc công du hôm 14/6 là bằng chứng cho thấy Ankara đứng về phía Qatar.
Ngày 6/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ duy trì phát triển quan hệ với Qatar và nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay qua đối thoại.
Ông Saleha nhận định: “Tôi cho rằng một trong những lý do là tính cấp thiết để bảo vệ những lợi ích chính trị và kinh tế chung. Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã phát triển. Hơn thế nữa, Qatar liên tục hỗ trợ chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ bất thành năm 2016. Đặc biệt, mối quan hệ song phương tăng cường là kết quả của việc thiết lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar”.
Được biết vào ngày 9/6, Tổng thống Erdogan đã chấp thuận đạo luật cho phép triền khai binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar. Theo đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar Ahmet Demirok, khoảng 3.000 binh sĩ, thành viên lực lượng không quân và hải quân sẽ được triển khai tại căn cứ quân sự ở Qatar.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gặp gỡ Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tại Doha ngày 14/6. Ảnh: Anadolu
Cùng thời điểm này, ông Saleha nhấn mạnh rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ duy trì liên hệ với Saudi Arabia và UAE cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, sau khi thể hiện sự ủng hộ với Qatar thì đây sẽ là vấn đề.
Nhà phân tích này nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể bảo toàn những mối liên hệ này nếu hợp tác với Saudi Arabia bằng thái độ thẳng thắn và công bằng. Tôi cho rằng Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nên đến thăm Riyadh càng sớm càng tốt. Kể từ khi khủng hoảng xảy ra, nỗ lực của Ankara thiết lập đối thoại với các quốc gia Vùng Vịnh đã bị thiếu hụt. Đáng lẽ ra phải được tăng cường”.
Ông Saleha phân tích rằng ở thời điểm hiện tại, khủng hoảng ngoại giao Qatar không thể giải quyết được nếu thiếu sự có mặt của các nước lớn trong khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà phân tích này, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia đã cống hiến để ngăn chặn khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh leo thang.
Ông Seleha nói: “Cần ngăn chặn cuộc khủng hoảng trở thành đối đầu quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định chuyển thực phẩm tiếp tế Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động một lực lượng quân sự tới quốc gia này. Những quyết định đó rất quan trọng. Nhưng có những quốc gia khác cũng chung tay giúp đỡ đó là Iran, Đức và Pháp”.
Ông Saleha kết luận rằng khủng hoảng Qatar chỉ có thể giải quyết qua đối thoại giữa các bên liên quan.
Hà Linh/Báo Tin Tức