Hoạt động đối ngoại của các quan chức cấp cao của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, đặc biệt là bài tham luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Shangri-La Dialogue 2017 chứng tỏ Washington đang tìm “công thức mới” cho chiến lược xoay trục tới châu Á của Mỹ.
Đằng sau “cái bắt tay” của Trung Quốc và Malaysia
- Cập nhật : 03/06/2017
Philippines, và đôi lúc Việt Nam, thường là trọng tâm trong các cuộc tranh luận về các ý đồ và yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, một quan điểm mới được đưa ra cho rằng Malaysia bắt đầu trở thành nhân tố cốt yếu trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm thao túng Biển Đông và thúc đẩy thương mại trong ASEAN.
Trong tuần qua, quan hệ kinh tế của Malaysia với Trung Quốc, hiện bao trùm từ đầu tư bất động sản tới phát triển cơ sở hạ tầng, đã chuyển sang lĩnh vực địa chính trị và an ninh. Thay đổi trong đường hướng chính sách này được thể hiện trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Chủ tịch Tập Cận Bình trung tuần tháng 5/2017 ở Bắc Kinh, nơi hai nhà lãnh đạo đã cam kết nghiên cứu một loạt sáng kiến có thể được chính thức hóa trong cuộc gặp tới tại Malaysia vào cuối năm nay. Theo các quan chức chính phủ Malaysia, danh sách các nguyện vọng này bao gồm:
- Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong việc phát triển dự án đường sắt cao tốc, không chỉ kết nối Kula Lumpur và Singapore mà còn cam kết xây dựng tuyến đường sắt kết nối Bangkok.
- Xây dựng đường ống dẫn đầu chuyên dụng để phục vụ nhu cầu năng lượng của Trung Quốc mà sẽ đi qua bán đảo Malaysia, từ Bagan Datuk trên bờ biển Perak thuộc eo biển Malacca tới thị trấn ven biển Bachok thuộc bang Kelantan giáp Biển Đông.
- Tiến hành khảo sát chung giữa các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc và tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas để khai thác các tài nguyên ở vùng biển chồng lấn trên Biển Đông.
- Phát triển trung tâm chống khủng bố khu vực có khả năng theo dõi bằng radar được Trung Quốc cung cấp và đặt tại bang Johor giáp biên giới Singapore.
Tất cả những điều trên đều là các nguyện vọng mang tính nhạy cảm, và việc thông qua các đề xuất trên vẫn chưa được đảm bảo trong bối cảnh Kuala Lumpur đang đối mặt với một số thách thức trong nước và khu vực. Tuy nhiên, các kế hoạch tham vọng này nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông và tạo dựng ảnh hưởng ở eo biển Malacca.
Trang mạng theindependent.sg đã đặt câu hỏi rằng có phải các tham vọng toàn cầu của ông Tập Cận Bình có lợi cho ông Najib?
Câu trả lời ở đây là Malaysia là sự lựa chọn rõ ràng mà Trung Quốc có để gia tăng ảnh hưởng trong ASEAN, nơi họ đã tạo ra thêm nhiều đối thủ do vấn đề Biển Đông. Trong khi bài báo trên tờ Bloomberg hôm 20/5 cho rằng “Trung Quốc coi Singapore ít ủng hộ kế hoạch của ông Tập Cận Bình hơn”, thì Thủ tướng Najib Zarak lại làm rất tốt trong việc tranh thủ Bắc Kinh để giúp đỡ các kế hoạch trong nước của ông.
Với việc mở cửa biên giới để đón chào các dự án đầu tư và phát triển của Trung Quốc - mà nhiều trong số đó đã thể hiện dấu hiệu phá sản trong dài hạn - ông Najib đã khiến chính phủ Trung Quốc hiểu rằng ông cần họ để duy trì sự “tồn tại” của ông trong hệ thống chính trị.
Trong mối quan hệ song phương hiện nay, cả Malaysia và Trung Quốc đều đang chơi trò “ganh đua” mà ở đó Trung Quốc cho phép họ được tham gia vào kế hoạch trong nước ở Malaysia, nhưng không hứa hẹn hoàn tất kế hoạch đó trong lúc Bắc Kinh đang lôi kéo Kuala Lumpur vào dự án “Vành đai và Con đường”.
Hiện có một số lý do đằng sau việc Trung Quốc tập trung vào Malaysia. Trung Quốc đã thực sự kiểm soát sông Mekong - tuyến đường thủy nội địa quan trọng nhất khu vực. Bước đi tiếp theo là phát triển cơ sở hạ tầng mới trên đất liền và trên biển để mở rộng ảnh hưởng của họ trong ASEAN, nơi Bắc Kinh coi là “lãnh thổ xa xôi phía Nam” của họ.
Đó chính là lĩnh vực rất phù hợp với Malaysia - vốn là nước có được một trong số các vị trí chiến lược quan trọng nhất dọc eo biển Malacca và tuyến giao thương trên Biển Đông, nơi trung chuyển lượng hàng hóa 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc đang thúc đẩy một số dự án cảng ở bờ biển phía Đông và Tây quần đảo Malaysia mà sẽ được kết nối bởi tuyến đường sắt để tạo ra cầu nối trên đất liền, thay thế tuyến đường thủy trên eo biển Malacca và Biển Đông chạy qua Singapore.
Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng, các công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy thép và các cơ sở sản xuất đầu máy và toa xe lửa và các sản phẩm dệt may để xuất khẩu sang các thị trường ASEAN và ngoài khu vực.
Sự hiện diện ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Malaysia đang tạo ra nhiều lo ngại trong nước. Hiện có nhiều quan điểm cho rằng việc Malaysia ngả về Trung Quốc là kết quả trực tiếp của vụ “vỡ lở” bê bối tham nhũng liên quan đến Quỹ 1MDB, “con đẻ” của ông Najib, và là trung tâm của cuộc điều tra rửa tiền toàn cầu ở một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Singapore.
Trung Quốc không chỉ phớt lờ việc lên án chính quyền ông Najib vì vụ bê bối tài chính, mà còn tiếp quản các tài sản có liên quan đến Quỹ 1MDB như một phần trong kế hoạch giúp thực thể này giải quyết “núi nợ” cho họ. Một loạt sáng kiến được Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Najib thảo luận tại Bắc Kinh hai tuần trước cho thấy mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý hơn đó là mối liên hệ của các tham vọng này với các yếu tố an ninh và địa chính trị.
Cụ thể, đề xuất của Trung Quốc về một trung tâm chống khủng bố trong khu vực có khả năng giám sát bằng radar sẽ là “quá mức” với các nước láng giềng thân cận của Malaysia, vốn mong muốn đảm bảo tự do đi lại ở eo biển Malacca và Biển Đông. Cách ông Najib cân bằng mối quan hệ sâu sắc của Malaysia với Trung Quốc và quan hệ lâu dài trong ASEAN ra sao sẽ là điều được nhiều người theo dõi trong các tháng tới.
Theo “Straitstimes”
Vũ Hiền (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông