Trong bối cảnh tranh chấp Nhật-Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang căng thẳng, một lực lượng quân sự hùng mạnh của Mỹ ngày 30/9 đã có mặt ở khu vực Tây Thái Bình Dương, khá gần quần đảo này. Mặc dù vậy, đây có thể chỉ là một sự trùng hợp chứ chưa phải là một tín hiệu đáng lo ngại.
Đối đầu Trung - Nhật: nguy cơ tài chính toàn cầu
- Cập nhật : 12/10/2016
Với những biện pháp tẩy chay của các ngân hàng Trung Quốc, cuộc đối đầu Trung - Nhật đang có nguy cơ tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi đó, ba tàu Trung Quốc tiếp tục lấn sâu vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Một tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 2-10 - Ảnh: AFP |
Kyodo đưa tin ngày 3-10, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) lại phát hiện ba tàu hải giám Trung Quốc lấn sâu vào vùng biển 12 hải lý (khoảng 22km) gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Tàu tuần tra của chúng tôi đã dùng sóng radio và các cách khác yêu cầu họ rời khỏi lãnh hải của Nhật Bản, nhưng các tàu hải giám không trả lời” - JCG cho biết. Theo AFP, ba tàu Trung Quốc đã rút đi sau sáu giờ ở trong vùng biển này.
Mỹ có mặt ở Hoa Đông và biển Đông
Khai mạc Diễn đàn hàng hải Asean Diễn đàn hàng hải Asean lần 3 đã khai mạc ngày 3-10 tại thủ đô Manila (Philippines). Theo AFP, diễn đàn sẽ kéo dài đến ngày 5-10 và xoay quanh các vấn đề thúc đẩy hợp tác hàng hải, tự do hàng hải, chống hải tặc, bảo vệ tài nguyên biển... Dự kiến thứ trưởng ngoại giao Nhật sẽ phát biểu về vấn đề căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đưa tàu hải giám đến vùng biển do Nhật kiểm soát. Bộ Ngoại giao Nhật cũng gọi điện cho công sứ Trung Quốc tại Nhật Hàn Chí Cường để phản đối và yêu cầu các tàu hải giám lập tức rời khỏi khu vực này. Ông Gemba cho biết Tokyo sẽ tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư khi nêu rõ “Nhật sẽ không làm mất đại cục và bình tĩnh giải quyết vấn đề”. Tuy nhiên, Tokyo vẫn khẳng định không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền quần đảo này.
Cùng lúc, Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc điều bốn tàu hải giám 50, 15, 26, 27 đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhằm đáp lại “hành vi phi pháp, xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc kịch liệt phản đối “các phần tử cánh hữu Nhật” đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và cho biết Bắc Kinh đang cảnh giác cao đối với “ý đồ và mục đích” của họ. Ông Hồng Lỗi cảnh báo động thái này từ phía Nhật sẽ làm tình hình hai nước thêm phức tạp.
Trong khi đó, báo chí Mỹ đưa tin đội hàng không mẫu hạm của Mỹ đang có mặt tại vùng biển Hoa Đông và biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu cảnh báo của Mỹ đối với Trung Quốc về những căng thẳng đang gia tăng tại hai vùng biển này. Hải quân Mỹ xác nhận nhóm tàu sân bay USS George Washington đang hoạt động gần Nhật, trong khi nhóm tàu USS John C. Stennis đang ở biển Đông. Mỗi tàu chở theo khoảng 80 chiến đấu cơ và đội tấn công gồm tên lửa hành trình, tàu khu trục và tàu ngầm.
Nhiều ngân hàng Trung Quốc tỏ thái độ
Báo Wall Street Journal đưa tin nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Truyền thông, Ngân hàng Xây dựng đã tuyên bố rút khỏi cuộc gặp cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ diễn ra ở Tokyo vào tuần tới. Ngân hàng Trung Quốc cho biết chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Công thương từ chối tham gia một hội thảo lớn về công nghiệp tài chính dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Osaka (Nhật). Các diễn giả Trung Quốc cũng thoái thác dù trước đó đã nhận lời.
Cuộc gặp thường niên của WB và IMF là đợt quy tụ lớn nhất các quan chức tài chính và kinh tế, ngân hàng và tổ chức phi chính phủ với khoảng 20.000 đại biểu tham gia. Dù các ngân hàng Trung Quốc không đưa ra lý do giải thích quyết định của họ, nhưng giới phân tích nhận định đây là cách Bắc Kinh thường sử dụng để tỏ phản ứng trong những tranh chấp về biển đảo với các nước khác, ngoài biện pháp hủy các cuộc gặp, ngừng và siết chặt kiểm tra nhập khẩu hàng hóa...
“Thật đáng thất vọng. Các khó khăn chính trị không nên là vật cản cho các hoạt động trao đổi như thế này giữa Trung Quốc và Nhật” - Thứ trưởng Tài chính Nhật Takehiko Nakao bày tỏ.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái mới của các ngân hàng Bắc Kinh cho thấy khủng hoảng ngoại giao - kinh tế giữa hai cường quốc châu Á này có thể có ảnh hưởng vượt ra ngoài tầm khu vực. Theo AFP, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã kêu gọi hai đầu tàu kinh tế chủ chốt này cần mau chóng gạt bỏ căng thẳng chính trị, bởi “tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay cần Nhật và Trung Quốc phối hợp chặt chẽ hơn bao giờ hết”.
Nhiều nhà quan sát cho rằng cách hành xử của Bắc Kinh đang cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng đứng vào hàng ngũ cường quốc lãnh đạo thế giới. “Trung Quốc có thể đòi hỏi một chỗ trên bàn lãnh đạo, nhưng hãy xem những tín hiệu họ gửi đi trong cơn tức giận về các vấn đề như thế này. Việc tẩy chay là vô nghĩa và khiến Trung Quốc trở thành một đối tác không đáng tin cậy” - chuyên gia Fraser Howie, tác giả cuốn sách Tư bản đỏ, nhận định.
ĐÔNG PHƯƠNG - TRẦN PHƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ