Bắc Kinh im lặng trước phát biểu của tướng Scott Swift cho thấy, Trung Quốc hiểu những gì đang diễn ra trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ.
Một diễn biến mới đáng chú ý là trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trumpvà Tổng thống Nga V.Putin tại Hội nghị G-20 vừa qua ở Hamburg, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực tây-nam Syria. Sau đó, tại các cuộc hòa đàm về Syria ở Geneva, đại diện của Mỹ đã phát đi tín hiệu tích cực về việc Washington rút lại kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Paris nhân kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14/7), Tổng thống Emmanuel Macron cũng cho biết, Pháp không coi việc loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là ưu tiên mà cần tập trung tiêu diệt tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).
Như vậy, tình hình liên quan tới cuộc chiến ở Syria đã có sự thay đổi, tạm thời không còn đặt khu vực Trung Đông và thế giới trước nguy cơ nhãn tiền phải đối mặt với chiến dịch can thiệp quân sự quy mô lớn của Mỹ vào Syria mượn cớ “quốc gia này sử dụng vũ khí hóa học” hay bất kỳ một nguyên cớ nào khác khác mà Washington hoàn toàn có thể tưởng tượng ra được.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây là, do đâu Mỹ có sự thay đổi quan điểm như vậy đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad?
Câu trả lời ở đây xuất phát từ quy luật muôn thuở: cục diện trên bàn đàm phán phụ thuộc vào cục diện trên chiến trường. Rõ ràng, Mỹ không thể không cân nhắc thận trọng trước khi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn để loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hay nói cách khác: nếu phát động chiến dịch tấn công ồ ạt vào Syria, không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ không thể tránh được thất bại, hoặc Syria và Nga hoàn toàn có khả năng cản phá thắng lợi hành động can thiệp của Mỹ.
Để có thể rút ra được nhận định như vậy, cần nhìn lại bài học các cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành sau Chiến tranh lạnh như các cuộc chiến tranh ở Nam Tư (1999), Afghanistan (2001), Iraq (2003) và Libya (2011).
Mọi cuộc chiến tranh đều là sự kế tục chính trị bằng phương thức bạo lực vũ trang. Vậy mục đích chính trị của Mỹ trong các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động những năm qua sau Chiến tranh lạnh cũng như ở Syria là gì? Đó là loại bỏ các chính thể không đáp ứng các lợi ích của Mỹ và dựng lên các chính thể mới hoàn toàn do Mỹ sai khiến.
Để thực hiện mục đích này, Mỹ thường sử dụng kịch bản quen thuộc, trong đó kết hợp các đòn tấn công hủy diệt tiềm lực quân sự của đối phương, sau đó đưa bộ binh vào tham chiến, hoặc kết hợp với hoạt động bạo loạn chính trị dưới hình thức “cách mạng nhung”, để đạt được mục đích chính trị của cuộc chiến là loại bỏ chính thể của quốc gia đối địch, sau đó dựng lên chính quyền mới thân Mỹ.
Theo kịch bản này, ở Nam Tư, ban đầu Mỹ sử dụng bộ máy quân sự lớn nhất thế giới của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cuộc không kích ồ ạt để tiêu diệt tiềm lực quân sự của quốc gia này với toan tính sau đó đưa quân bộ vào “dọn dẹp chiến trường”. Tuy nhiên, toan tính này đã không thể thực hiện được do sự chống trả kiên cường của Nam Tư.
Thí dụ điển hình về khả năng đối phó của quân đội Nam Tư là họ đã dùng tên lửa S-125 thế hệ cũ của Liên Xô bắn rơi máy bay chiến đấu tàng hình F-117A, thậm chí có tin là cả 1 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1 và một số tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Vì thế, NATO đã không thể đưa quân bộ vào tham chiến và buộc phải chấp nhận ngừng bắn. Sau đó, Mỹ đã phải sử dụng tới chiêu “cách mạng nhung” mới lật đổ được Tổng thống Milosevich.
Tại Afghanistan, để tấn công lực lượng quân sự của Taliban vốn được trang bị lạc hậu, yếu thế, nhưng Mỹ đã huy động lực lượng liên quân quốc tế gồm 33 quốc gia, trong đó chủ yếu là NATO, với gần 150.000 quân. Tuy đã hủy diệt được tiềm lực quân sự của Taliban, sau đó dựng lên chính quyền thân Mỹ ở Kabul, nhưng tới nay đã 16 năm qua Taliban vẫn là mối đe dọa đối với Mỹ. Trên thực tế, Mỹ đã thất bại trong việc thực hiện mục đích chính trị của cuộc chiến này.
Ở Iraq, Mỹ đã kết hợp các đòn không kích ồ ạt với chiến dịch trên bộ quy mô lớn mới tiêu diệt được bộ máy quân sự của Saddam Hussein. Mở đầu các đòn không kích, cũng như ở Nam Tư, Afghanistan hay Iraq, Mỹ thường sử dụng các biện pháp chiến tranh điện tử, trong đó có bom xung điện từ, để “làm mù” và “làm điếc” hệ thống phòng không của đối phương, tạo cơ sở cho các cuộc tấn công tiếp sau đó mà không sợ bị đánh trả. Nhưng cũng như ở Afghanistan, chính quyền do Mỹ dựng lên ở Iraq do Thủ tướng Nouri al-Maliki đứng đầu vẫn không chịu sự “sai khiến” của Washington. Đến năm 2012, một số nguồn tin cho rằng Mỹ phải sử dụng lực lượng mang tên tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”, gọi tắt là ISIL (The Islamic State of Iraq and the Levant), mở cuộc tấn công ồ ạt vào Iraq, gây áp lực buộc Thủ tướng Nouri al-Maliki phải từ chức và “thay máu” cho chính quyền ở Baghdad [1,2,3].
Ở Libya, NATO tiến hành chiến dịch quân sự núp dưới danh nghĩa “thiết lập vùng cấm bay” để hỗ trợ cho “các lực lượng đối lập” nhằm tiêu diệt Tổng thống Muammar al-Gaddafi, nhưng vẫn không thực hiện đươc mục đích chính trị là thiết lập chính quyền do Mỹ kiểm soát. Tình hình chính trị ở Libya rơi vào trạng thái hỗn loạn, trở thành “thiên đường” của chủ nghĩa khủng bố. Như vậy, có thể thấy cả ở Iraq cũng như Libya, Mỹ đã không đạt được mục đích chính trị trong cuộc chiến ở hai quốc gia này.
Một đặc điểm chung của tất cả các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động sau Chiến tranh lạnh là đều diễn ra theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, Mỹ sử dụng ưu thế công nghệ quân sự vượt trội để làm tê liệt khả năng chống trả của đối phương để sau đó sử dụng vũ khí nóng tấn công hủy diệt. Trong giai đoạn 2 mới cân nhắc có nên đưa quân bộ vào tham chiến hay không tùy theo diễn biến và kết quả của giai đoạn 1.
Trong cuộc chiến Syria là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Syria có tiềm lực quân sự khác rất xa với các đối thủ của Mỹ trong các cuộc chiến tranh trước đây. Giới phân tích nhận định, nếu như quân đội Nam Tư năm 1999 được Nga chuyển giao tên lửa phòng không S-300 thì Mỹ đã phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định phát động chiến tranh xâm lược quốc gia này, hoặc nếu Mỹ phát động chiến tranh thì đã phải nếm trải thiệt hại không chỉ là 1 máy bay tàng hình F-117A và vài quả tên lửa hành trình Tomahawk mà còn gấp bội.
Với sự giúp đỡ của Nga và Iran, Syria không chỉ hoàn toàn có khả năng đứng vững trước các đòn tấn công điện tử của Mỹ mà còn có khả năng “làm mù” và “làm điếc” các loại bom đạn và tên lửa “thông minh: của Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ bị phá sản ngay trong giai đoạn 1 của chiến dịch theo kịch bản mà họ đã từng sử dụng trong các cuộc chiến tranh trước đây.
Còn giai đoạn 2, nếu cần, Mỹ cũng không thể đưa quân bộ vào tham chiến như ở Afghanistan hay Iraq, bởi lực lượng của Syria rất thiện chiến do đã được tôi luyện trong các trận đấu ác liệt hơn 6 năm qua, lại nhận được sự yểm trợ, phối hợp tác chiến của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Nga, Syria và Hezbollah. Cũng cần nhận thấy một hạn chế rất cơ bản của Mỹ là sự hiện diện của họ ở Syria hiện nay là hành động xâm phạm chủ quyền núp dưới chiêu bài “chống khủng bố”.
Như vậy, có thể thấy, Syria và Nga hoàn toàn có đủ khả năng đối phó thành công với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Nhân đây, cũng cần lưu ý tới câu chuyện về Tổng thống Mỹ Barack Obama trong năm 2013. Ban đầu, ông Barack Obama tuyên bố “sẽ tấn công trừng phạt Syria” với cáo buộc “quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học” mà không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như Quốc hội Mỹ.
Để tránh sự bất ngờ khi tiến hành đòn “trừng phạt” này, Lầu Năm Góc đã sử dụng máy bay phóng thử 4 quả tên lửa hành trình Tomahawk từ không phận Jordan và 3 quả tên lửa khác từ Địa Trung Hải vào không phận Syria. Tất cả các tên lửa đó đều “bặt vô âm tín”. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama bất ngờ đưa ra tuyên bố: “Tôi cần đưa quyết định tấn công trừng phạt Syria xin ý kiến Quốc hội”.
Để “gỡ thế bí” cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga V.Putin đề xuất Syria tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học. Ngay lập tức, đề xuất này đã được chính quyền Damascus chấp nhận. Được thể, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hủy quyết định tấn công “trừng phạt Syria” [4,5].
Giới phân tích nhận định, đề xuất của Tổng thống Nga V.Putin về hủy bỏ vũ khí hóa học của Syria vào thời điểm đó đã có tác dụng “làm cho sói vẫn cảm thấy no bụng, còn thỏ thì không bị ăn thịt”! Trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng cử viên Donald Trump “chê” Tổng thống Mỹ Barack Obama là “yếu đuối” trong vấn đề Syria, nhưng ông không biết được rằng, bất cứ một Tổng thống Mỹ nào, dù “diều hâu” đến mấy, cũng phải cân nhắc thận trọng trước khi quyết định đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov từng tuyên bố gần đây rằng, kỷ nguyên mà Mỹ tha hồ làm mưa làm gió đã kết thúc. Còn tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Sant-Peterbur năm 2017 vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Mỹ nổi tiếng Phil McClosland của hãng truyền hình NBC về những cáo buộc của Nga “can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Nga V.Putin nói: “Đã đến lúc, các quý vị hãy chấm dứt cách ứng xử theo lối ngồi lên đầu chúng tôi, vừa rung đùi, vừa nhai kẹo cao su!”./.
Tài liệu tham khảo
[1] America Created Al-Qaeda and the ISIS Terror Group. http://www.globalresearch.ca/america-created-al-qaeda-and-the-isis-terror-group/5402881
[2] Former DIA Chief Michael Flynn Says Rise Of ISIS Was A "Willful Decision" Of US Government. https://www.realclearpolitics.com/video/2015/08/10/former_dia_chief_michael_flynn_says_rise_of_isis_was_willful_decision_of_us_government.html
[3] ISIS leader admits to being funded by the US.http://www.australiannationalreview.com/isis-leader-admits-funded-to-being-funded-by-us/
[4]Правда о военной конфронтации США и России. http://mixednews.ru/archives/41785
[5]Сирия сбила первые самолет и ракеты США. http://newsland.com/news/detail/id/1238842/
Đại tá Lê Thế Mẫu
Theo Viettimes.vn