Một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý sẽ không nằm trong lợi ích của Trung Quốc. Họ sẽ không thể tự do tiến hành hoạt động ở những nơi mà họ đang can dự ở Trường Sa.
Không có COC thực chất?
- Cập nhật : 27/08/2017
Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận COC một khi họ thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình trên Biển Đông. Đến lúc đó, COC sẽ thực sự chẳng còn ý nghĩa.
Các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào chiều 6/8, sau gần 4 năm bắt đầu khởi động đàm phán. Việc thông qua dự thảo khung COC sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, COC giữa ASEAN và Trung Quốc có thể không thực sự mang tầm quan trọng bởi 3 lý do sau:
Không có bước đột phá thực sự
Thứ nhất, hiện không có bước đột phá thực sự nào giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trên Biển Đông. Thay vào đó, những gì chúng ta đã chứng kiến vẫn giống như những gì xảy ra trước đây. Ví dụ như không có gì ngẫu nhiên khi Trung Quốc chỉ công nhận Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 sau khi họ giành được thực thể đầu tiên từ một nước thành viên ASEAN (Đá Vành Khăn năm 1995) và thử nghiệm quyết tâm của các nước Đông Nam Á cũng như Washington, đồng thời đối mặt với nhiều phản ứng tiêu cực hơn họ nghĩ.
Tương tự, Trung Quốc đang trong thời kỳ “hạ nhiệt” sau khi hoàn tất các hoạt động xây đảo và cảm thấy một loạt sự kiện bất ngờ - đáng chú ý là sự “xuống nước” của Philippines trong vấn đề Biển Đông dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte - đang mở đường cho họ “sang trang mới” để khép lại thất bại đau đớn sau phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.
Trong khi đó, Bắc Kinh không cho thấy dấu hiệu “trệch hướng” khỏi mục tiêu từ nhiều thập kỷ qua trên Biển Đông, đó là: năng lực và khả năng triển khai các hành động để thực thi các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bất chấp lợi ích của các nước khác, trong khi không hoàn toàn gạt sang một bên các nước láng giềng và làm tổn hại đến sự trỗi dậy của mình.
Việc xây dựng các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa vẫn được tiếp tục, cùng các hành vi tương tự như cưỡng ép các nước có yêu sách khác (đặc biệt là Việt Nam trong lĩnh vực khai thác năng lượng) và gây sức ép để buộc các nước trong và ngoài khu vực không “can thiệp”. Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục tái khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ một tấc đất nào - một quan điểm không có lợi và chỉ khiến thổi bùng làn sóng dân tộc chủ nghĩa trong nước và khiến các thỏa thuận như cùng khai thác tài nguyên khó có thể được thực hiện.
Chúng ta cũng đang chứng kiến những gì tương tự ở các nước ASEAN. Các nước có yêu sách và các bên quan tâm - vốn vẫn nhận thấy rõ những hạn chế của họ trong mối tương quan với Trung Quốc và sự chia rẽ trong ASEAN - tiếp tục tăng cường các biện pháp đơn phương, song phương và đa phương để bảo vệ các lợi ích của họ trong khi chấp nhận tiến trình chậm chạp trong lĩnh vực đa phương mà Bắc Kinh đã đồng ý tham gia.
Tuy nhiên, các bước đi của các nước Đông Nam Á mới đây - như việc Indonesia đặt tên “Biển Bắc Natuna” ở vùng biển quanh quần đào Natuna ở nước này, Việt Nam tìm cách khai thác năng lượng hồi đầu năm nay hay thậm chí việc Malaysia thúc ép Trung Quốc thực thi pháp luật dù Thủ tướng Najib Razak đang tiếp tục kết thân với Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế - cho thấy ASEAN-Trung Quốc còn rất lâu mới có thể tiến tới sự thấu hiểu hay tiến tới thời kỳ “hạ nhiệt”.
Không có COC thực chất
Thứ hai, hiện các nước vẫn chưa bàn tới một COC có ý nghĩa. Bộ khung COC là phần tiếp theo của giai đoạn “đồng ý có bất động” kéo dài 1/4 thế kỷ qua giữa ASEAN và Trung Quốc về một bộ khung ràng buộc nhằm kiểm soát cách ứng xử của các bên trên Biển Đông. Vào thời điểm đó, tuyên bố ASEAN năm 1992 đã bị Trung Quốc phớt lờ, sự tìm kiếm một COC mang tính ràng buộc giữa một số nước Đông Nam Á từ cuối thập niên 1990 cuối cùng đã “hạ xuống” thành một DOC không ràng buộc hồi năm 2002. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã tham gia vào quá trình theo đuổi COC mang tính ràng buộc, với dự thảo bộ khung được đưa ra hồi tháng 5/2017.
Tất nhiên, ít nhất đây cũng là sự khởi đầu. Các nước ASEAN và Trung Quốc cũng nói rõ rằng đây là bộ khung để tiếp tục xây dựng, thay vì là văn bản cuối cùng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mức độ mà ở đó tiến triển ngoại giao đạt được trong việc điều phối cách ứng xử của các bên cũng như các nhân tố có liên quan ở Biển Đông phải bắt kịp các thực tế thay đổi trên biển, đặc biệt xuất phát từ các hành động của Bắc Kinh.
Một phần tư thế kỷ qua cho thấy tiến triển ngoại giao chỉ diễn ra từ từ trong khi các thay đổi trên thực tế lại diễn ra nhanh chóng, có lợi cho Trung Quốc và ảnh hưởng xấu tới các nước ASEAN có tranh chấp và các bên có quan tâm như Mỹ. Dự thảo bộ khung COC thậm chí chưa đạt đến mức thay đổi thực tế ảm đạm đó và sẽ cần thêm nhiều nỗ lực để làm được điều này.
Không có quy định thực sự
Cuối cùng, cho dù dự thảo bộ khung đã được xây dựng và chúng ta sẽ chứng kiến một COC được ký kết trong tương lai gần, thực tế ở đây đó là nó sẽ không thực sự giúp ích cho việc quản lý hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc thậm chí có thể sẽ chấp nhận COC một khi họ thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình trên Biển Đông. Đến lúc đó, COC sẽ thực sự chẳng còn ý nghĩa.
Tác giả là nhà bình luận Prashanth Parameswaran. Bài viết đăng trên tạp chí “The Diplomat”.
Hùng Sơn (gt)
Theo Nghiên Cứu Biển Đông