Hiện giờ thì chưa, nhưng các chuyên gia Mỹ lo ngại rằng nếu cứ phát triển với tốc độ như vậy, lực lượng tác chiến tổng thể của Hải quân Trung Quốc sẽ ngang bằng với Hải quân Mỹ không chỉ về số lượng, mà còn cả về chất lượng vào năm 2030.
National Interest nhận định rằng hợp tác với các đối tác và đồng minh của Mỹ là biện pháp cơ bản của Mỹ để duy trì sự can thiệp ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản ứng quốc tế nào thật sự có ý nghĩa đối với hành động xâm lấn tinh vi của Trung Quốc trong khu vực, và cũng không có vẻ gì là sẽ có các biện pháp đa phương trong thời gian tới vì Trung Quốc luôn cố ngăn chặn sự đồng thuận của ASEAN.
Chính quyền Mỹ trước đây đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của các tranh chấp hàng hải này đối với lợi ích của Mỹ, nhưng lại không đưa ra được hành động nào có ý nghĩa ngoài việc tiến hành 4 chiến dịch thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông. Do đó Trung Quốc trên thực tế vẫn chưa phải gánh chịu hậu quả nào cho các tuyên bố lãnh thổ phi pháp của mình.
Các lựa chọn giải pháp đơn phương của Mỹ
Vì không có nhiều hi vọng đưa ra được một giải pháp đa phương, Mỹ có thể sử dụng các công cụ đơn phương. Trong phiên điều trần của Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương, ông Dean Cheng tại Tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation đã thảo luận các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty giúp Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và coi đây như một “công cụ phi quân sự để làm suy yếu các nỗ lực của Trung Quốc.” Điều này sẽ là cái giá trực tiếp cho những hành vi của nước này, vì có thể buộc các công ty phải lựa chọn giữa việc xây dựng đảo và sự tham gia vào thị trường quốc tế.
Hải quân Mỹ sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra thực thi tự do hàng hải một cách thường xuyên và mạnh mẽ hơn, đặc biệt là qua lại trong vòng lãnh hải 12 hải lý của các hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp trong các hoạt động quân sự thông thường nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Kể từ năm 2013, mỗi chiến dịch thực thi tự do hàng hải đều là sự qua lại vô hại, đây là cách phù hợp nhất để qua lại trong vùng lãnh hải của các nước khác. Trong phiên điều trần, tiến sĩ Michael Auslin đã xác định Đá Vành Khăn có thể là mục tiêu của hoạt động này. Đá Vành Khăn chìm khi thủy triều lên, do đó không được phép có vùng lãnh hải theo Luật Biển của Liên Hợp quốc.
Cận cảnh Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố
Chính quyền và quốc hội Mỹ cũng tiếp tục tích cực thúc đẩy thực hiện Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á và các chương trình hỗ trợ quân sự tương tự. Đáng chú ý là tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới nhậm chức vào tháng 7/2016 đã định hướng lại hoàn toàn chính sách đối ngoại của nước này đối với Trung Quốc theo hướng xích lại gần Bắc Kinh.
Trong khi trước đây, Philippines là nước được hưởng lợi nhiều nhất với sáng kiến an ninh hàng hải, và chiến lược hỗ trợ quân sự của Mỹ đã giúp nước này phát triển quân đội một cách mạnh mẽ.
National Interest cũng cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ nên loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận quân sự đa phương diễn ra hai năm một lần mang tên RIMPAC trong năm 2018. Trung Quốc lần đầu tiên được mời tham gia cuộc tập trận này vào năm 2014, sau khi bắt đầu xây dựng đảo và nước này đã đưa một tàu gián điệp đến thu thập thông tin tình báo trong sự kiện này.
Tuy nhiên sau đó Trung Quốc vẫn được mời tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm 2016, bất chấp những hành vi khiêu khích trên biển. Đáng ra nền ngoại giao quân sự phải phản ánh ưu tiên chiến lược của Mỹ, và Mỹ không nên để Trung Quốc nghĩ rằng mình được bỏ qua sau những hành vi xâm lấn. Ngoài ra Mỹ có thể cân nhắc mới thêm Đài Loan tham gia RIMPAC, National Interest đề xuất.
Chính quyền tổng thống Donald Trump cũng có thể cân nhắc áp dụng thêm áp lực bất đối xứng lên Trung Quốc, đây là chiến thuật mà Trung Quốc thường dùng để giành được các lợi ích chiến lược lớn hơn.
Chẳng hạn, để phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc, Trung Quốc đã tìm cách giảm số lượng khách du lịch tới Hàn Quốc và sử dụng các áp lực chính trị và các quy tắc kinh tế để gây khó dễ cho các công ty Hàn Quốc.
Hiện tại Trung Quốc cũng có nhiều công ty liên quan đến thị trường của Mỹ và phải tuân theo các quy tắc của Mỹ, Mỹ có thể học hỏi và áp dụng biện pháp tương tự đối với đối thủ này.
National Interest cho rằng từ nhiều năm nay, Mỹ đã nhận thức được mối đe dọa hàng hải Trung Quốc gây nên, nhưng lại không bắt Bắc Kinh phải trả giá. Để làm được điều này, Mỹ cần áp dụng một chiến lược mới kết hợp các lựa chọn đơn phương. Một chiến lược ít thụ động hơn sẽ đòi hỏi quyết tâm cao hơn, nhưng việc cố tránh xung đột cũng mang lại những nguy cơ nhất định.
Tạp chí Mỹ kết luận, Trung Quốc đã lợi dụng sự mặc nhiên công nhận của Mỹ để thay đổi nguyên trạng và củng cố vị thế trong các vùng biển tranh chấp. Sự lưỡng lự của Mỹ khiến các tranh chấp này không leo thang căng thẳng nhưng lại thúc đẩy nguy cơ xung đột trong khu vực. Do đó Mỹ cần kiên quyết hơn trong các biện pháp đối phó với Trung Quốc, và các lựa chọn hành động đơn phương có thể là giải pháp cho vấn đề này.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn