Philippines đang đối mặt với cảnh "vừa mừng vừa lo" khi cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Dù được Bắc Kinh trao cho các gói hỗ trợ tài chính lớn, Manila vẫn không khỏi thấp thỏm về âm mưu Trung Quốc xâm chiếm chủ quyền ở vùng biển phía đông và tây.
Mỹ làm gì để ngăn tham vọng hàng hải của Trung Quốc?
- Cập nhật : 26/03/2017
Trung Quốc đang nổi lên không những như một đối thủ cạnh tranh mà còn là 'kẻ thù chiến lược' của Mỹ.
Mới đây, Tiểu ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương đã nhóm họp để bàn về phản ứng của Washington đối với sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo tạp chí National Interest, đến nay, Trung Quốc chưa hề phải chịu tổn thất đáng kể nào cho những hoạt động gây bất ổn của nước này ở các vùng biển tranh chấp.
National Interest cho biết, nhiều nghị sĩ Mỹ muốn 'sát hạch' vấn đề mà theo Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis "đã phá vỡ lòng tin" của các nước khác, và phơi bày khát vọng của Trung Quốc muốn "quyền phủ quyết về các điều kiện ngoại giao, an ninh và kinh tế của nhiều quốc gia láng giềng". Tập trung vào các lợi ích then chốt đang bị đe dọa, cuộc họp nêu rõ rằng Washington đang nắm sẵn trong tay một số công cụ đơn phương có thể bắt Bắc Kinh phải trả giá cho hoạt động gây bất ổn của nước này ở hai vùng biển kể trên.
'Kẻ thù chiến lược'
Theo National Interest, Trung Quốc ngày càng chứng tỏ nước này không chỉ là một đối thủ cạnh tranh mà còn là kẻ thù chiến lược của Mỹ, sử dụng sức mạnh để tăng cường kiểm soát các vùng biển đang tranh chấp.
Các vùng biển này có lượng hàng hóa hơn 5 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm, gồm phần lớn nguồn tiếp tế năng lượng cho các đối tác then chốt của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Đài Loan. Tám trong số 10 cảng containter bận rộn nhất thế giới nằm ở châu Á - Thái Bình Dương, và gần 1/3 giao thương đường biển của thế giới đi qua Biển Đông.
Kể từ Thế chiến II, quân đội Mỹ đã giúp đảm bảo an ninh ở Đông Á để những dòng chảy hàng hóa này được thuận tiện.
Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng trái phép một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông, cạnh tranh bằng các cảng biển, radar, đường băng có năng lực quân sự, vũ khí bắn máy bay cùng nhiều hầm tên lửa đất đối không. Trung Quốc cũng đang khiến Lực lượng Phòng vệ và Tuần duyên Nhật Bản chịu áp lực ngày càng lớn khi triển khai các tàu lớn hơn và các chuyến bay quân sự thường xuyên hơn. Bắc Kinh còn củng cố và tái cơ cấu quân đội, tập trung phát triển các vũ khí từ chối tiếp cận...
Tất cả những hoạt động đó, theo National Interest, có thể sẽ làm tăng năng lực phóng chiếu sức mạnh của quân đội Trung Quốc và khả năng kiểm soát lãnh thổ. Chúng cũng cho thấy tham vọng ngăn các tàu nước ngoài tiến vào các vùng biển sát Trung Quốc.
Sự phát triển năng lực hàng hải mở rộng của Trung Quốc là rất bất lợi cho các lợi ích Mỹ. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh nhận chủ quyền bất hợp pháp các vùng biển và ý đồ kiềm chế Hải quân Mỹ đang tạo ra một thách thức lớn đối với cường quốc số 1 thế giới hiện nay.
Mỹ phản ứng thế nào?
Theo National Interest, Mỹ cần phải có phản ứng vì 3 lý do. Thứ nhất, hành động của Trung Quốc tạo ra một mối nguy lớn chưa từng có về xung đột vũ trang giữa Mỹ và nước này. Thứ hai, nó có những ẩn ý rất lớn đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ ba, hành động của Trung Quốc nếu không bị 'sát hạch' sẽ khiến cho trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dầu suy giảm.
Việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép sẽ gây phương hại cho luật pháp quốc tế, và việc ngăn Hải quân Mỹ sẽ để lại tác động lớn đối với sự đảm bảo an ninh của Mỹ.
National Interest cho rằng, sự phối hợp với các đối tác và đồng minh sẽ luôn là nền tảng cho vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, một phản ứng quốc tế thực sự trước những hoạt động quyết đoán của Trung Quốc vẫn rất mơ hồ, và các giải pháp đa phương khí có thể mang lại hiệu quả.
Những năm qua, chính quyền Barack Obama thường xuyên lớn tiếng về tầm quan trọng của những vùng biển tranh chấp này đối với các lợi ích của Mỹ, nhưng họ hành động rất ít. Và đến nay Trung Quốc vẫn chưa phải chịu thiệt hại gì. Giờ đây, Washington nên sử dụng nhiều hơn các lựa chọn đơn phương.
Tại cuộc họp của Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương, Dean Cheng thuộc Quỹ Heritage đã đề cập chuyện áp cấm vận lên các công ty Trung Quốc tham gia bồi đắp trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông. Điều này sẽ tạo ra tổn hại trực tiếp cho các hoạt động đó, đặc biệt là buộc các công ty phải lựa chọn giữa bồi đắp đảo và quyền tiếp cận thị trường quốc tế.
Theo National Interest, Hải quân Mỹ nên thực hiện thường xuyên hơn nữa các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải. Chính quyền và Quốc hội Mỹ hãy tiếp tục Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á và các chương trình hỗ trợ quân sự tương tự. Bộ Quốc phòng thì không nên mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quốc tế Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018.
Chính quyền ông Donald Trump cũng nên cân nhắc triển khai các áp lực bất đối xứng - một thủ thuật mà Trung Quốc vẫn dùng để thúc đẩy các lợi ích chiến lược của nước này. Điển hình, để phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, Trung Quốc đã giảm du lịch sang nước láng giềng, gây sức ép cả chính trị lẫn thông thường lên các công ty Hàn Quốc.
Thanh Hảo
Theo Vietnamnet