Tàu quân sự tự hoạt động trên biển được trang bị vũ khí và khả năng săn ngầm đang là mục tiêu chạy đua mới của nhiều bên.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 21/3 đăng bài viết của thiếu tướng Vương Hải Vận, cố vấn cấp cao của Hội nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc.
Tác giả cho rằng Mỹ và Hàn Quốc lấy mối đe dọa Triều Tiên làm lý do để tiến hành tập trận chung có quy mô siêu lớn và gấp rút triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo, đẩy nhanh phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân.
Khi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết “phương án hành động quân sự giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã được đặt lên bàn”. Rủi ro mất kiểm soát tình hình bán đảo Triều Tiên tăng mạnh, bóng đen chiến tranh đã phủ lên bầu trời bán đảo Triều Tiên.
Là một bên có lợi ích liên quan ở bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc luôn tìm cách thúc đẩy giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc đang kiên trì lập trường nguyên tắc “không sở hữu vũ khí hạt nhân, không gây bất ổn, không để xảy ra chiến tranh”, thúc đẩy tái khởi động hội đàm sáu bên, đồng thời đã đưa ra các sáng kiến quan trọng “hai tạm dừng” và “hành động song song” để đối phó với sự thay đổi của tình hình bán đảo Triều Tiên.
Nhưng bất kể Mỹ, Hàn Quốc hay Triều Tiên đều hầu như không hề dừng lại, các đề nghị của Trung Quốc có khả năng làm giảm nhiệt tình hình căng thẳng hay không thì còn khó đoán. Do đó, rủi ro nổ ra chiến tranh bán đảo Triều Tiên rất khó loại trừ. Một khi chiến tranh nổ ra thì chắc chắn sẽ tạo ra thách thức an ninh nghiêm trọng chưa từng có cho Trung Quốc.
Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trước mắt là nỗ lực thúc đẩy giảm nhiệt cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên, tranh thủ giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề đối đầu nam bắc Triều Tiên, vấn đề triển khai THAAD của Mỹ - Hàn, đồng thời cũng cần nhanh chóng làm tốt chuẩn bị hành động quân sự để ứng phó tình hình bán đảo mất kiểm soát, thậm chí xảy ra chiến tranh.
Thiếu tướng Vương Hải Vận đã tiến hành “quân sư” cho Chính phủ Trung Quốc thực hiện một số biện pháp sau:
Trước hết, Trung Quốc cần nhanh chóng xây dựng mặt trận thống nhất “phản chiến” quốc tế rộng rãi để tiến hành đấu tranh pháp lý và dư luận quốc tế, đồng thời làm cho những thế lực phát động chiến tranh bị cộng đồng quốc tế “xét hỏi”.
Mặt trận này cần được xây dựng càng sớm càng tốt mới làm giảm nguy cơ nổ ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên. Có thể tận dụng đầy đủ diễn đàn Liên hợp quốc, nhanh chóng thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an để ngăn chặn leo thang cuộc khủng hoảng bán đảo, phản đối chiến tranh dưới bất cứ hình thức nào.
Nga cũng có lợi ích liên quan trong cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên và cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong vấn đề ứng phó với nguy cơ chiến tranh bán đảo, hai đối tác hợp tác chiến lược lớn Trung Quốc và Nga phải bắt tay hợp tác.
Bao gồm: Phối hợp chặt chẽ với nhau ở Hội đồng Bảo an, hiệp đồng chặt chẽ về tình báo quân sự, triển khai quân sự. Các tổ chức khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng cần nhanh chóng hành động, phát huy vai trò cần thiết trong việc ngăn chặn chiến tranh bán đảo Triều Tiên.
Thứ hai, đánh giá nghiêm túc các hình thức chiến tranh tiềm tàng có thể xảy ra ở bán đảo Triều Tiên và những thiệt hại có thể gây ra cho Trung Quốc. Một khi chiến tranh xảy ra, khả năng lớn nhất là Mỹ - Hàn tiến hành “đánh đòn phủ đầu” đối với các mục tiêu quan trọng và cơ quan chỉ huy của Triều Tiên, “tấn công phẫu thuật ngoại khoa” đối với các cơ sở hạt nhân và liên quan của Triều Tiên.
Hai loại hành động chiến tranh này đều sẽ gây thiệt hại to lớn cho Trung Quốc: Gây ô nhiễm hạt nhân quy mô lớn ở lãnh thổ Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng an toàn xã hội khu vực tiếp giáp giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Mỹ chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội tăng cường hiện diện quân sự ở Hàn Quốc, thực hiện thành công ý đồ xây dựng “NATO châu Á” đối phó Trung Quốc và Nga. Những nguy hiểm này cho dù xuất hiện một phần thì môi trường an ninh của Trung Quốc cũng sẽ xấu đi nhanh chóng.
Thứ ba, Trung Quốc cần nhanh chóng làm tốt chuẩn bị hành động quân sự ứng phó nguy cơ chiến tranh. Cần khẩn trương tiến hành thu thập và đánh giá tình báo, xây dựng phương án hành động quân sự ứng phó các loại nguy hiểm, tiến hành triển khai quân sự cần thiết.
Có thể cân nhắc điều chuyển, triển khai lực lượng tác chiến của chiến trường miền Bắc, các lực lượng hải, không quân và lực lượng tên lửa để sẵn sàng cho tấn công. Một khi chiến tranh nổ ra, còn phải cân nhắc xây dựng khu vực tị nạn quốc tế ở biên giới Triều Tiên, ngăn chặn người tị nạn Triều Tiên tràn vào Trung Quốc.
Một khi các cuộc tấn công của Mỹ - Hàn đối với các cơ sở hạt nhân và liên quan của Triều Tiên gây ra ô nhiễm hạt nhân với diện tích lớn, lực lượng phòng hóa của Trung Quốc cần nhanh chóng triển khai hành động “tiêu nhiễm” ở lãnh thổ Trung Quốc và khu vực miền bắc Triều Tiên, ngăn chặn sự lan tràn của ô nhiễm hạt nhân.
Về nguy cơ chiến tranh, Trung Quốc vẫn kiên trì phán đoán của 10 năm trước, đó là “trong tương lai gần, chiến tranh lớn trên thế giới và chiến tranh quy mô lớn nhằm vào Trung Quốc hoặc buộc Trung Quốc phải tham gia sẽ không xảy ra”.
Đồng thời, Trung Quốc kiên trì cho rằng “nguy cơ Trung Quốc bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh cục bộ luôn tồn tại”. Tình hình quốc tế biến động mạnh mẽ, Trung Quốc trỗi dậy đã bước vào giai đoạn then chốt, nguy cơ chiến tranh Trung Quốc phải đối mặt không thể loại trừ.
Tác giả cho rằng, quân đội Trung Quốc cần làm được “có thể đánh trận, đánh thắng trận”. Đồng thời, tăng cường ý thức quốc phòng toàn dân. Tình hình ý thức quốc phòng của xã hội Trung Quốc phổ biến “nhạt” là nguy hiểm và cần phải nhanh chóng thay đổi.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn