Việt Nam đã rất thận trọng khi thỏa thuận áp dụng giải pháp “cùng phát triển” cho 2 khu vực biển khác nhau.
Sau khi Saddam xâm lược Kuwait năm 1991, Mỹ đã phá hủy các cơ sở hạ tầng thủy lợi và hệ thống cấp thoát nước của Iraq. Lầu Năm Góc thậm chí còn thừa nhận rằng hành động này sẽ khiến bùng phát dịch bệnh. Đây là tội ác chiến tranh theo luật quốc tế. Sau khi Saddam Hussein chiến thắng, Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt lên chế độ này, bao gồm cả việc ngăn nhập khẩu các loại thuốc cần thiết đến Iraq khiến hàng trăm nghìn người dân Iraq vô tội thiệt mạng.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1996, Madeleine Albright (sau này trở thành Ngoại trưởng Mỹ) đã được yêu cầu lý giải về cái chết của vô số trẻ em. Bà đã biện minh cho các hành động này bằng cách nói rằng: “Tôi nghĩ rất khó để lựa chọn, nhưng chúng tôi cho rằng nó xứng đáng.” 21 năm đã trôi qua kể từ ngày bà Albright hợp lý hóa sự tàn bạo của nước Mỹ và sự kiện này đã hoàn toàn biến mất trong ký ức người dân Mỹ. Nhưng đây không phải là sự kiện duy nhất.
Hiện nay, thực tế này lại đang diễn ra ở Iraq, Syria và Yemen. 50.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ dự kiến sẽ được triển khai tới Afghanistan và Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ cũng đưa ra lời đe dọa với Iran.
Sinh viên Mỹ hiện nay hầu như không có nhiều kiến thức về quá khứ của đất nước này. Điều đó là hệ quả của việc chương trình giáo dục bị cắt bỏ nhiều, và đi theo hướng không trung thực với lịch sử. Nhận thức của người Mỹ về lịch sử bị méo mó thông qua phim ảnh. Sự sai lầm và thao túng các mối đe dọa từ bên ngoài từ năm 1945 đến nay đã dẫn tới những cuộc chiến, các vụ can thiệp quân sự và đảo chính ở nhiều quốc gia, gây ra các thảm kịch trên quy mô lớn.
Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, tầng lớp lãnh đạo nước Mỹ đã đưa ra chương trình nghị sự với tuyên bố ủng hộ một trật tự thế giới tự do, trong đó dân chủ và quyền con người là các mục tiêu chính. Nhưng các hành động thật sự của Mỹ lại không mấy ủng hộ những điều này. Mỹ đã lật đổ các chính phủ do người dân bầu ra ở nhiều nước và gây ra những cuộc chiến kinh hoàng trên đầu những người dân vô tội kể từ năm 1945 đến nay.
Trong khi đó, công chúng Mỹ lại bị che mắt bởi những lời ngụy biện, rằng an ninh quốc gia và các lợi ích tối quan trọng đang bị nguy hiểm, và các tập đoàn truyền thông cũng luôn bóp méo thực tế. Rõ ràng ngày nay phần lớn loài người đang sống trong cuộc khủng hoảng hiện hữu, từ chiến tranh, bóc lột kinh tế đến những hậu quả nghiêm trọng của biến đối khí hậu và sự thờ ơ về cách quá khứ định hình hiện tại.
Zerohedge cho rằng người Mỹ không thể đi theo lối mòn này được nữa. Họ phải tìm cách hợp tác với các nước khác thay vì luôn cố thống trị họ hay đưa họ vào cuộc cạnh tranh làm suy yếu mọi nguồn lực. Nhiều lãnh đạo Mỹ luôn miệng ủng hộ hợp tác quốc tế, nhưng thực chất những gì họ mong muốn chỉ là các nước hành động theo chương trình nghị sự của Mỹ.
Theo George F. Kennan, dân số Mỹ chỉ chiếm 6,3% dân số thế giới (năm 1948) nhưng lại kiểm soát 50% nguồn lực của thế giới. Mục tiêu chính sách của Mỹ là phải duy trì sự khác biệt đó và sử dụng các chiến thuật sức mạnh trực tiếp để thực thi sự bất bình đẳng trên toàn cầu này, trong khi vẫn tránh được các tuyên bố về cam kết của Mỹ đối với quyền con người, nâng cao mức sống của người dân, dân chủ,…
Tầm nhìn của ông Kennan, cùng với việc Mỹ tạo ra Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và các nước đồng minh. Gần đây nhất, Mỹ triển khai kế hạch toàn diện nhằm giành lấy sự thống trị trên toàn cầu, được triển khai một cách trực tiếp, theo lời một cựu nhân viên an ninh quốc gia Zbigniev Brzezinsky mô tả trong cuốn sách “The Grand Chessboard: American Primacy and Its Geo-strategic Imperatives” (tạm dịch: Bàn cờ lớn: sự ưu việt của Mỹ và các động cơ địa chiến lược)
“Á-Âu là lục địa lớn nhất trên toàn cầu. Một cường quốc thống trị châu Á sẽ thống trị 2/3 toàn khu vực. Nếu kiểm soát được khu vực Á-Âu cũng sẽ kéo theo sự phụ thuộc của châu Phi. Khoảng 75% dân số thế giới sống ở Á-Âu và phần lớn người giàu trên thế giới đều ở đây. Á-Âu cũng chiếm khoảng 3/4 nguồn năng lượng trên thế giới.”
Khi đảm nhận chức vụ tổng thống Mỹ năm 2001, George W. Bush đã trọng dụng các nhân vật diều hâu thuộc phái tân bảo thủ, những người luôn miệng đòi thống trị toàn cầu. Lợi dụng trật tự ở Mỹ sau vụ khủng bố 11/9, ông Bush đã kêu gọi dốc toàn lực cho cuộc chiến chống khủng bố mà ông gọi là “trục ma quỷ”.
Wesley Clark, ứng viên Đảng Dân chủ năm 2004 sau này đã tiết lộ rằng Bush, Cheney, Rumsfeld đã xây dựng các kế hoạch bí mật lật đổ chính quyền ở Libya, Syria, Lebanon, Somalia và Sudan, cuối cùng sẽ là Iran. Tất cả những điều này sẽ là một trận Trân Châu Cảng mới, và sự kiện 11/9 đã tạo ra một cái cớ để thực hiện một cuộc chiến lâu dài vào thế giới Hồi giáo.
Người dân Mỹ, những người nhận thức được các vấn đề và phản đối chính sách của giới lãnh đạo đều biết rằng lãnh đạo Mỹ đang thực hiện những điều mà họ từng cáo buộc Liên Xô. Tất nhiên, những người ủng hộ ông Bush về một “trật tự thế giới mới” vào năm 1991 khẳng định rằng chính phủ Mỹ sẽ tống khứ các đế chế cũ và thúc đẩy kỷ nguyên dân chủ và quyền con người. Họ khẳng định điều này ngay cả khi Mỹ và đồng minh đang đánh bom hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người dân ở thế giới Hồi giáo.
Mỹ thành siêu cường thế nào
Lịch sử nước Mỹ bắt đầu cũng chỉ là một thuộc địa của Anh và là một tiền đồn của chủ nghĩa tư bản. Những thuộc địa đầu tiên của Anh ở Bắc Mỹ, Virginia và Massachusett đã được thành lập là tiền thân của các tập đoàn hiện nay, đem lại lợi nhuận cho đất mẹ xa xôi từ các nguồn tài nguyên như cá, lông thú, gỗ, bông, thuốc lá. Và chính lợi nhuận thu được từ việc thu hồi đất và lao động để tiến hành cách mạng công nghiệp đã biến Mỹ trở thành nước giàu có nhất trên thế giới, đồng thời là cường quốc mạnh nhất về quân sự.
Chỉ một thế kỷ sau khi thoát khỏi sự cai trị của Anh, Mỹ đã nhảy lên giai đoạn đế chế để cạnh tranh với các nước châu Âu giành quyền thống trị trên thế giới, chiếm lại các thuộc địa trước đây của Tây Ban Nha là Cuba, Puerto Rico, Philippines và Guam bằng vũ lực, sáp nhập Hawaii. Brooks Adams, hậu duệ của hai vị tổng thống Mỹ đã cho biết: “Cuộc chiến này là phát súng đầu tiên vào cuộc chiến giành quyền sở hữu thế giới.” Trong Thượng viện, ông Albert Beveridge cũng tuyên bố rằng: “Nước nào cai trị Thái Bình Dương sẽ cai trị cả thế giới".
Việc Mỹ tham gia vào cả hai cuộc thế chiến và các cuộc can thiệp vũ trang sau đó đều lấy cái cớ là để bảo vệ nền dân chủ và quyền con người. Và dù trong trường hợp nào, an ninh quốc gia Mỹ cũng không bị đe dọa.
Theo Zerohedge, kể từ khi kết thúc Thế chiến II, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc chiến quy mô lớn và nhiều cuộc xung đột nhỏ dưới danh nghĩa an ninh quốc gia, và các tuyên bố về lý tưởng và nguyên tắc. Người Mỹ theo thói quen cũng tin rằng “Mỹ là một quốc gia không thể thiếu.” Kết quả cuối cùng của các hành động này là hàng triệu người chết và bị thương. Người Mỹ luôn được truyền thông đề cao, coi mình là những người nhân đạo, cho dù luôn rũ bỏ trách nhiệm đối với những đau khổ mà họ gây ra.
Đến tận Thế chiến II, Mỹ vẫn được coi là người bạn nhân từ của người Hồi giáo, ít nhất là vẫn chưa phải một đế quốc bóc lột khu vực Trung Đông. Hình ảnh tích cực này đã thay đổi kể từ khi chiến tranh chấm dứt và khu vực này chuyển sang hướng chống Mỹ, bắt đầu là từ Iran.
Trong Thế chiến II, Iran đã bị Anh và Mỹ xâm chiếm. Liên quân này đã xâm lược Iran vì họ cho rằng người cai trị đất nước là Reza Shah quá thân thiện với Đức quốc xã và họ mong sử dụng lãnh thổ Iran để vận chuyển nguyên liệu từ Vịnh Ba Tư đến Nga. Anh cũng sở hữu hầu hết các cơ sở sản xuất và thu được lợi nhuận từ công nghiệp, và liên minh này cũng muốn ngăn chặn các giếng dầu bị phát xít Đức xâm chiếm.
Các nước này chỉ đồng ý rút khỏi Iran trong 6 tháng, sau khi chiến tranh chấm dứt. Tháng 3/1946, quân đội Liên Xô vẫn hiện diện và Mỹ tuyên bố rằng đây là bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Stalin muốn mở rộng chủ nghĩa xã hội và đe dọa toàn bộ khu vực. Thực tế là Liên Xô đã phải chịu rất nhiều thiệt hại từ sau cuộc chiến và cần nguồn cung năng lượng khổng lồ để tái xây dựng đất nước. Người Nga muốn đảm bảo rằng họ có thể mua hạn ngạch dầu mỏ từ Iran để phục vụ cho mục đích này và tìm cách để Iran nhượng khu vực dầu mỏ của nước này ở Azerbaijan.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn