Bây giờ là thời điểm thích hợp để Mỹ đẩy lùi các hành động bành trướng của Trung Quốc, chứ không phải bằng các khẩu hiệu như "xoay trục" hay "tái cân bằng".
Phương Tây đang hết sức dè chừng ông Putin trước các nỗ lực nâng cấp lực lượng vũ trang của Nga. Một thập kỷ trước, trang bị quân sự của Nga hết sức yếu kém và phần lớn các chuyên gia phương Tây cho rằng nền công nghiệp quốc phòng yếu kém của Nga không thể hiện đại hóa lại toàn bộ hệ thống quân sự. Liệu rằng giờ đây các lãnh đạo Nga đã chứng minh được rằng các chuyên gia phương Tây đã hoàn toàn sai lầm hay chưa? Câu hỏi này vẫn chưa thể trả lời một cách dứt khoát.
Theo Giáo sư Hedlund, Kremlin đã làm rất tốt với những gì mình có, bằng một kỹ năng chính trị đáng ngưỡng mộ. Nga đã tái xây dựng hình ảnh về một mối đe dọa quân sự lớn vớiNATO.
1. Điểm khởi đầu thấp
Một chuyên gia nhận xét vào tháng 7/2011: "Ngành công nghiệp quân sự Liên Xô (MIC) từng rất hùng mạnh đã sản xuất ra mọi thứ từ đạn dược đến các tên lửa xuyên lục địa", khi đó Nga là một "siêu cường năng lượng". Nhưng cơ sở hạ tầng ngày đó đã không còn. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, có khoảng 2.200 công ty quốc phòng. Tuy nhiên sau đó rất nhiều công ty đã phá sản. Hiện nay chỉ còn khoảng 1.200 công ty đa dạng về quy mô".
2. Thức tỉnh
Vào tháng 8 năm 2008, chiến tranh bùng nổ giữa Nga và Gruzia. Trong báo cáo ba năm sau đó, Giáo sư Hedlund đã tóm lược cuộc xung đột: "Cuộc xung đột là một thảm họa theo quan điểm của quân đội Nga. Thiết bị lạc hậu, hệ thống hậu cần hỗn loạn và không có khả năng thực hiện các hoạt động kết hợp vũ khí khiến Nga chỉ có thể may mắn giành được chiến thắng nhờ số lượng quân áp đảo. "
"Quân đội Nga đã rơi vào tình trạng kém cỏi đến mức đất nước này cơ bản không thể tự vệ trước một cuộc tấn công từ bên ngoài", ông Hedlund đã nhận định trong báo cáo ngày 27/12/2011.
3. Tham vọng của ông Putin
Ông Hedlund cho rằng ngay từ đầu khi lên nắm quyền, tổng thống Vladimir Putin "đã nói về việc khôi phục lại lại vị thế cường quốc của nước Nga... Tham vọng là đạt được quân đội thế hệ thứ năm phát triển một cách toàn diện sánh ngang với quân đội Mỹ".
Theo giới quan sát phương Tây, điều này phản ánh một tham vọng khó thực hiện trọn vẹn với Nga. Phần lớn tăng cường trong chi tiêu cho quốc phòng đều được chuyển sang các mục tiêu xã hội như tiền lương và nhà ở. Trang thiết bị của quân đội nhìn chung là kém chất lượng. Khoảng 90% trang thiết bị của các lữ đoàn bộ binh đều đã lỗi thời".
Ông Hedlund cũng liệt kê một số những trở ngại chính mà các nhà cải cách quân sự Nga phải đối mặt. Đầu tiên là tình trạng tham nhũng trong bộ máy.
4. Khôi phục vị thế
Trong một bài viết vào tháng 3/2012, Giáo sư Hedlund đã viết: "Sau nhiều năm bỏ bê, việc tái trang bị vũ khí quân sự của Nga hiện đang được tiến hành, với ngân sách mua sắm khổng lồ là 646 tỷ USD (tương đương 19,4 nghìn tỷ rúp) cho đến năm 2020. Chương trình chính thức bắt đầu vào năm 2011.
Một tiêu đề khác của bản báo cáo tháng 2/2012 tóm lược lại một cách ngắn gọn: "Chương trình tái vũ trang của Nga liệu có quá yếu và quá muộn để trở lại thành siêu cường hay không?". Theo Giáo sư Hedlund, “có rất ít bằng chứng cho thấy Nga sẽ sớm có khả năng triển khai sức mạnh bên ngoài lãnh thổ Liên Xô trước đây. Quy mô đầu tư cho việc tái vũ trang hết sức ấn tượng, nhưng so với các cường quốc quân sự khác thì ngân sách quốc phòng của Nga vẫn còn tương đối nhỏ. Vào năm 2010-2011, Mỹ đã chi 692,8 tỷ USD cho quốc phòng, Trung Quốc chi 76,4 tỷ USD còn Nga chỉ chi 41,4 tỷ USD.
Nếu chi tiêu quốc phòng của Mỹ gấp Nga 17 lần và nếu công nghệ của Mỹ tiên tiến hơn Nga, thì phải mất một thời gian dài Nga tự biến mình thành mối đe dọa quân sự đối với Mỹ. Cho dù danh sách mua sắm rất ấn tượng, bao gồm xây dựng sáu tàu sân bay mới, 100 tàu chiến, 600 máy bay và 1.000 máy bay trực thăng, nhưng kế hoạch này rõ ràng là không thực tế. Giáo sư Hedlund kết luận: "Nếu chỉ tăng ngân sách sẽ không giải quyết được vấn đề của Nga. Câu hỏi là tất cả những thiết bị công nghệ tân tiến này sẽ được sản xuất ở đâu", ông Hedlund kết luận.
Đến tháng 7/2012, không ai còn băn khoăn về việc Nga có nâng cấp quân sự hay không mà là vì sao Nga lại phải nâng cấp quân sự. Ông Hedlund cho rằng mục tiêu chính của tổng thống Putin là xây dựng hình ảnh và vị thế sánh ngang với NATO.
5. Thay máu để cải tổ
Vào đầu tháng 11/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov và một tướng cao cấp bất ngờ bị sa thải. Điều này thật đáng ngạc nhiên, bởi vì đội ngũ của ông Serdyukov dường như đã khá thành công trong việc thực hiện một phần hết sức quan trọng trong công cuộc cải cách quân sự, đó là tái cơ cấu lực lượng.
Ông Hedlund cho biết: "Quân đội huy động quần chúng thời Liên Xô, có đến 203 đơn vị và 20 triệu nhân lực trong tay đã được chuyển đổi sang một lực lượng nhỏ gọn hơn với 83 lữ đoàn thường trực luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu". Công cuộc chuyển đổi này đã gần hoàn thành, nhưng theo ông Shoigu, người kế nhiệm và là cộng sự lâu năm của ông Putin thì cuộc cải tổ này hầu như đã bị đảo ngược.
Lý do của cuộc thay đổi đột ngột này liên quan đến những nỗ lực của ông Serdykov nhằm tạo ra một sự cạnh tranh trong việc mua sắm quân sự của Nga bằng cách mua các trang thiết bị quân sự ở nước ngoài. Và vị quan chức này đã bị đánh bại "bởi những người ủng hộ các nhà sản xuất vũ khí quốc doanh truyền thống".
6. Quân đội Nga còn nhiều vấn đề
Vào tháng 2/2013, vấn đề mà giáo sư Hedlund đặt ra là chất lượng vũ khí của Nga. "Khi Mátxcơva tung ra Chương trình trang bị vũ khí quốc gia (SAP) khổng lồ giai đoạn 2011-2020, một dấu hỏi lớn đã được đặt ra là liệu ngành công nghiệp quân sự của Nga có đủ đáp ứng nhu cầu mới hay không".
Đã có nhiều nghi ngờ về tên lửa đạn đạo Bulava và máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK-FA. Chỉ có triển vọng cho nền tảng Sukhoi T-10 và các thiết kế cổ điển của máy bay chiến đấu SU-27, SU-30, SU-34 và SU-35 là còn tích cực. Các chuyên gia Mỹ chê bai triển vọng của Nga đạt được công nghệ thế hệ thứ năm "vẫn còn mơ hồ", khác hoàn toàn với triển vọng của Trung Quốc "đang khiến Lầu Năm Góc đau đầu".
Ông Hedlund tiếp tục, "SAP cũng kêu gọi một sự nâng cấp đáng kể lực lượng mặt đất, bao gồm cả việc cung cấp khoảng 2.300 xe tăng... Tháng 3/2011, tướng Alexander Postnikov, sau đó là chỉ huy lực lượng mặt đất Nga, gây náo động khi ông nói phần cứng bọc thép do ngành công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất không thể cạnh tranh với NATO hoặc thậm chí là các hệ thống vũ khí của Trung Quốc... Cụ thể hơn, ông khẳng định rằng sẽ thích hợp hơn nếu Nga mua xe tăng Leopard của Đức, rẻ hơn và tốt hơn T-90 của Nga".
Ông Hedlund nhớ lại vào mùa hè năm 2011: "Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov đã tuyên bố đình chỉ 5 năm đơn đặt hàng xe tăng T-90 của nhà nước, và nhắc lại rằng sẽ tốt hơn nếu mua xe tăng Leopard. Và vào tháng 11 năm đó, Tướng Nikolai Makarov, tổng tư lệnh quân đội, đã công khai gọi chiếc T-90 là "lỗi thời", và cho biết pháp của nó chỉ có tầm bắn bằng một nửa so với chiếc Merkava MK4 của Israel.
Sau khi thay thế cả Bộ trưởng Quốc phòng và Tướng Makarov, những lời chỉ trích vũ khí Nga đã chấm dứt ... Cuộc thử nghiệm mẫu T-99 Armata mới sẽ bắt đầu vào năm 2013". Đến nay vẫn không rõ Armata có phải là một thiết kế đáng giá hay không. Đây là một phần của trò chơi mà mọi thiết kế mới ra đời ở Nga đều được đánh giá cao hơn so với đối thủ của phương Tây. Nga đã có một vài đột phá đáng chú ý khiến các nhà lập kế hoạch quân sự Tây phương phải quan ngại, tuy nhiên nhìn chung, máy móc vũ khí của Nga không thực sự ấn tượng.
7. Nhân tố thay đổi trò chơi
Vào tháng 7/2013, ông Hedlund cảnh báo rằng siêu cường trước đây đã gần như đánh cược để giành lại sự nể trọng bằng cách nâng cấp mọi khía cạnh của bộ ba hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển. Chương trình SAP giai đoạn 2011-2020 cũng đang hướng tới hỗ trợ cho tham vọng này.” Điều này vẫn là thành phần quan trọng nhất trong nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Nga.
8. Bảo đảm sức mạnh phòng thủ của Nga
Một báo cáo của Giáo sư Hedlund vào ngày 20/10/2014 đã hướng người đọc chú ý đến vai trò quân sự của người kiểm soát bán đảo Crimea: "Cuộc sáp nhập Crimea ... sẽ có ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực rộng hơn, từ Biển Đen đến Địa Trung Hải... NATO không còn có thể tự tin vào việc thống trị Biển Đen, hoặc không bị ai tranh chấp ở Địa Trung Hải".
Kết luận của ông Hedlund là Nga đang đảm bảo phạm vi phòng thủ, với hy vọng rằng nó sẽ làm tăng chi phí cuộc tấn công của NATO đến mức mà các thành viên của liên minh sẽ không sẵn sàng chi trả.
9. Cuộc chiến chính trị
Vào ngày 26/2/2016, ông Hedlund đưa ra bài viết với tiêu đề: “Học thuyết mới cho thấy Nga sẵn sàng và có khả năng sử dụng vũ lực.” Theo lời ông Hedlund, vào đêm Giao thừa, ông Putin đã ký chiến lược an ninh quốc gia mới. Chiến lược này phù hợp với quan hệ đi xuống của Nga với phương Tây. So với chiến lược năm 2014, chiến lược lần này có hai đặc điểm nổi bật, đó là NATO hiện nay là kẻ thù hơn là đối thủ cạnh tranh, và tình trạng xúi giục “các cuộc cách mạng màu” đã được nâng lên thành mối đe dọa an ninh quốc gia.
10. Nga đang ở đâu?
Ngày 21/11/2016, bài viết của ông Hedlund đã tấn công vào vấn đề then chốt: "Quân đội Nga hiện nay mạnh ở điểm nào?”. Với bản chất nghiêm trọng của vấn đề, thất đáng lo ngại rằng mỗi chuyên gia lại đưa ra các ý kiến đánh giá khác nhau. Người thì cho rằng Nga rất mạnh với dẫn chứng là các cuộc thanh tra lớn với hàng chục nghìn quân, nhanh chóng chiếm được Crimea, nhanh chóng dàn 40.000 quân đến biên giới Ukraine và hỗ trợ hậu cần cho các chiến dịch tại Syria.
Có ý kiến lại cho rằng quân đội Nga vẫn còn khá yếu kém. Dù đã được tăng cường nhưng chi tiêu quân sự của Nga chẳng thấm vào đâu so với Mỹ. Hải quân Nga cũng chưa sẵn sàng, kỹ thuật điện tử hàng không của không quân Nga cũng kém hơn, bom mà Nga sử dụng ở Syria cũng chủ yếu là bom thông thường. Các vấn đề về nhân khẩu và sức khỏe đã hạn chế nguồn nhân lực cho quân đội, các tuyến tiếp tế bị phá vỡ cũng cản trở khả năng triển khai các kế hoạch hiện đại hóa quân sự.
Tuy nhiên, dù không mạnh về tấn công nhưng Nga đã phát triển rất nhiều hệ thống đảm bảo cho việc phòng thủ. “Những hệ thống vũ khí này bổ sung vào khả năng chống tiếp cận (A2/AD) của Nga.” Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vácxava, phần lớn cuộc tranh luận đều liên quan đến việc làm cách nào để đối phó với các khu vực chống tiếp cận ở bán đảo Kola, Kaliningrad, Crimea và Syria. Các thành viên NATO đều tin rằng các hệ thống phòng thủ này có thể bị chế áp, nhưng sẽ rất tốn kém. Quan trọng là bằng cách đầu tư vào khả năng chống tiếp cận, Kremlin đã mở rộng phạm vi hoạt động, trong khi NATO vẫn đứng yên.
Đây là kết luận chính mà Giáo sư Hedlund rút ra sau bốn năm phân tích quân đội Nga. Bằng cách bảo vệ phạm vi hoạt động của mình, Nga đang tăng cao nguy cơ cho phương Tây trong việc cản trở các tuyên bố của Nga ở Ukraine, vùng Cáp-ca-dơ và cả ở Syria. Có thể Nga đã thắng trong cuộc chơi do mình tạo ra, và NATO đã thua cuộc. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga là mối đe dọa cho phương Tây, trừ khi phương Tây cho là như vậy.
11. Một thế giới dễ thay đổi
Hiện nay hệ thống phòng thủ của châu Âu yếu đến mức buộc NATO phải leo thang căng thẳng để duy trì sự cân bằng. “Căng thẳng giữa Nga và NATO đang tăng lên. NATO đang đẩy mạnh sự hiện diện ở Na Uy, Trung Âu và Baltic. EU đang củng cố các biện pháp trừng phạt Nga kể từ năm 2014 để đáp trả tình hình ở Ukraine, hiện nay NATO cũng đang phản ứng trước các động thái của Nga ở Syria. Nga đã đáp trả bằng cách đưa tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander tới vùng lãnh thổ Kaliningrad, nơi giáp Ba Lan và Lithuania, và phái hạm đội đến Địa Trung Hải,” Ông Prince Michael, người sáng lập GIS nhận định.
Ông Prince kết luận: "Những điểm nóng này khiến cuộc xung đột trên quy mô toàn cầu càng dễ xảy ra, nếu không muốn nói là sắp xảy ra. Trong Chiến tranh lạnh, nỗi lo tiêu diệt lẫn nhau đã ngăn chặn nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa NATO và phe Hiệp ước Vácxava. Tuy nhiên sự răn đe hạt nhân chỉ có hiệu quả trong thế giới lưỡng cực. Trong hệ thống đa cực hiện nay, răn đe hạt nhân có thể đã mất đi vai trò của mình. Đó là lý do vì sao nguy cơ chiến tranh thông thường nên được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Đặng Phương Thảo
Theo Viettimes.vn