Anh và Pháp đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông để khẳng định tự do hàng hải, thực hiện thỏa thuận chung với các nước trong khu vực, khẳng định vai trò trong an ninh quốc tế, khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ...
Nga- Trung: Mối tình thân ái đến từ trừng phạt
- Cập nhật : 10/06/2018
Trung Quốc dường như là lựa chọn tốt nhất cho Nga trong việc đối phó trừng phạt kinh tế và trong vấn đề Triều Tiên.
Ngày 8/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO) vào ngày 9/6 và 10/6.
Đáng chú ý, đây là chuyến thăm thứ 3 của ông Putin đến Trung Quốc chỉ trong vòng 1 năm qua khi hai nước đang tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác đặc biệt.
Tổng thống Nga đã có những lời ca ngợi đặc biệt đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo trợ lý Tổng thống Nga ông Yuri Ushakov, trong cuộc gặp lần này hai nhà lãnh đạo Nga và Trung quốc sẽ ký “một gói đầy ắp các văn kiện” về hợp tác thương mại, năng lượng, vũ trụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao tặng Tổng thống Nga huân chương hữu nghị.
Chủ tịch Trung Quốc một lần nữa chúc mừng Tổng thống Putin đắc cử nhiệm kỳ mới, đồng thời khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Bắc Kinh và Moscow là "chín muồi, ổn định và bền vững".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhấn mạnh mối quan hệ hai nước đang ở mức tốt nhất trong lịch sử.
Trong bối cảnh nước Nga chịu trừng phạt kinh tế từ năm 2014 do sức ép từ Mỹ, phương Tây thì Trung Quốc được cho là sự lựa chọn chắc chắn và bền vững của Moscow. Chưa kể, hai nước cũng đã có bề dày lịch sử trong hợp tác phát triển.
Nga và Trung Quốc đã triển khai hàng loạt dự án về hạ tầng, năng lượng. Tuy nhiên, các dự án vẫn chưa đi vào khai thác được, vấn đề nằm ở các cam kết về nguồn vốn của Bắc Kinh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ủng hộ sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc và đã cùng Trung Quốc tổ chức tham gia nhiều diễn đàn kinh tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Chuyến đi lần này của ông Putin được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng không chỉ siết chặt quan hệ với đối tác chiến lược Trung Quốc mà còn là thông điệp gửi đến Mỹ và châu Âu đã sống khỏe và vững vàng trước trừng phạt.
Trong khi đó, với Bắc Kinh, quan hệ với Nga luôn là mối quan hệ được ưu tiên hàng đầu dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc cả Nga và Trung Quốc đều đang gặp phải những vấn đề phức tạp, khó giải quyết trong quan hệ với Mỹ và phương Tây càng đẩy hai nước xích lại gần nhau hơn.
Trung Quốc hiểu rằng, tuy đang gặp khó khăn trong thời điểm này nhưng Nga vẫn là một nước lớn, một cực quan trọng trên thế giới. Mối quan hệ Trung-Nga, hai nước thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sự kết hợp giữa tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới của Nga với túi tiền ''rủng rỉnh" của Trung Quốc sẽ là đối trọng quan trọng trong mối quan hệ với Mỹ. Hợp tác giữa Trung Quốc và Nga ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, năng lượng, hàng không, giao lưu nhân văn...
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước tăng 27,3% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ vượt mức 100 tỷ USD trong năm nay. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày càng phố biến và được yêu thích tại Nga. Trung Quốc đã khéo léo kết nối chiến lược "Vành đai và con đường" với sáng kiến "Liên minh kinh tế Á-Âu" do Nga đứng đầu.
Đón đầu thượng đỉnh Mỹ- Triều
Tron chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy, nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, đồng thời chú trọng đặc biệt tới vấn đề Triều Tiên.
Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc thiết lập một nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Ông nhấn mạnh cả Nga và Trung Quốc "đều quan tâm đến tiến trình thiết lập hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên".
Cuộc gặp lần này cũng là cuộc gặp ở cấp cao nhất của hai nước, diễn ra trước cuộc thượng đỉnh Mỹ- Triều được tổ chức vào ngày 12/6. Chuyến thăm Bắc Kinh lần này cũng thể hiện một cách rõ ràng quan điểm của nhà lãnh đạo Putin trong sự phối hợp với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.
Theo ông Alexey Muraviev - chuyên gia chiến lược quốc phòng của Nga, Trung Quốc và Nga đều có lợi ích chung trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
Cả hai nước đều muốn đảm bảo những bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên không ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh, cũng như tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực.
Trước cuộc gặp của lãnh đạo hai nước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đều nhất trí rằng, đối mặt với cảnh quan quốc tế không ngừng biến đổi và đầy bất ổn như hiện nay, Trung Quốc và Nga, với tư cách là những đối tác chiến lược toàn diện của nhau, phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hợp tác nhằm bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của các mối quan hệ quốc tế, duy trì sự công bằng quốc tế và bảo vệ lợi ích chung của tất cả các thị trường mới nổi, cũng như của các quốc gia đang phát triển.
Hai quốc gia cùng có chung quan điểm về vấn đề Triều Tiên và kêu gọi giải pháp hòa bình cho vấn đề “phi hạt nhân hóa”, phản đối Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc.
Điều này khiến cuộc gặp ở cấp thượng đỉnh của Nga và Trung Quốc không chỉ mang tính hợp tác song phương mà còn muốn tuyên bố với Mỹ và phương Tây về sự hợp tác mà họ sẽ phải dè chừng.
Kim Hoa
Theo Baodatviet.vn