Tàu khu trục mang tên lửa USS Chafee của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành chiến dịch “tự do hàng hải” ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào thứ 3 ngày 9/10/2017.
Philippines 'bắt cá nhiều tay', vẫn coi Mỹ là đồng minh số 1
- Cập nhật : 08/10/2017
Gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Philippines có nhiều tín hiệu tích cực, thể hiện rõ qua việc Mỹ tăng cường hỗ trợ Philippines tiến hành chống khủng bố, hai bên khôi phục tập trận chung thường kỳ, có nhiều phát biểu “hữu nghị”.
Philippines được Mỹ tích cực hỗ trợ chống khủng bố
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tích cực điều chỉnh chính sách ngoại giao. Mặc dù đã có nhiều phát biểu gây tranh cãi về quan hệ Philippines - Mỹ, nhưng cho đến nay, quan hệ đồng minh giữa hai nước vẫn được duy trì, thậm chí đang có những dấu hiệu tích cực.
Hiện nay, Mỹ đang tích cực hỗ trợ Philippines tiến hành chống khủng bố ở trong nước, bao gồm triển khai máy bay không người lái MQ-1C Gray Eagle ở Philippines.
Loại máy bay này có thể tiến hành hoạt động giám sát mục tiêu mặt đất từ trên cao trong 25 giờ liên tục, đồng thời còn mang theo nhiều tên lửa chống tăng và bom dẫn đường chính xác cỡ nhỏ. Đây là một trong những loại máy bay tấn công không người lái tiên tiến nhất của quân đội Mỹ.
Gần đây, những vũ khí trang bị Mỹ bàn giao cho Philippines còn bao gồm 1 máy bay không người lái RQ-11B Raven, 2 máy bay trinh sát Cessna 208B và nhiều loại vũ khí đạn dược khác, hỗ trợ cho quân đội Philippines tiến hành chống khủng bố.
Trong 17 năm qua, Mỹ đã cung cấp gần 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Philippines, bao gồm máy bay không người lái, máy bay trinh sát, tàu chiến và súng trường tấn công. Đến nay, Mỹ vẫn là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Philippines.
Ngoài tiếp nhận vũ khí trang bị của Mỹ, cùng Mỹ tích cực triển khai tập trận chung, Philippines còn cho phép lực lượng đặc nhiệm Mỹ tham gia các hành động tác chiến chống khủng bố ở thành phố Marawi, miền nam Philippines.
Trong khi đó, điều đáng lưu ý là hiện nay, Trung Quốc cũng đang tỏ thái độ rất tích cực trong quan hệ với Philippines về quốc phòng, an ninh. Ngày 5/10/2017, Trung Quốc đã tổ chức lễ bàn giao lô súng trường thứ hai trong năm nay cho Philippines với 3.000 khẩu, 3 triệu viên đạn cùng 90 kính ngắm bắn tỉa, trị giá khoảng 30 triệu nhân dân tệ.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Trung Quốc đã lần đầu tiên cung cấp vũ khí trang bị cho Philippines. Hai lô vũ khí này đều được Philippines sử dụng để chống khủng bố ở miền nam nước này. Tuy nhiên, viện trợ quân sự của Trung Quốc vẫn còn hạn chế.
Kể từ ngày 23/5/2017 đến nay, cuộc chiến chống khủng bố ở miền nam Philippines đã tiêu diệt 753 phần tử vũ trang, 155 binh sĩ và cảnh sát Philippines hy sinh, ít nhất 47 dân thường thiệt mạng. Ngoài ra, chiến sự đã khiến cho hơn 460.000 người ở thành phố Marawi và khu vực xung quanh phải rời bỏ nhà cửa.
Tiếp tục coi Mỹ là đồng minh số một
Ngày 2/10, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết từ ngày 2 - 11/10/2017, Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “Kamandag”. Đây là cuộc tập trận chung lần thứ ba giữa Mỹ - Philippines trong năm nay, sau cuộc tập trận Balikatan diễn ra vào tháng 5 và Tempest Wind diễn ra vào tháng 9/2017.
Quân đội Philippines cho biết cuộc tập trận này nhằm nâng cao khả năng chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo và cứu nạn giữa quân đội hai nước Mỹ - Philippines, nội dung bao gồm cấp cứu trên chiến trường, phản ứng khẩn cấp với thương vong quy mô lớn trên biển và bắn đạn thật. Cuộc tập trận được tổ chức ở 7 địa điểm trên đảo Luzon, trong đó bao gồm các căn cứ không quân Clark và Basa.
Phía Mỹ cử khoảng 900 quân tham gia cuộc tập trận này, còn quân số tham gia của Philippines chưa rõ. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, binh sĩ hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận này với mục đích là tăng cường khả năng chuẩn bị và phản ứng giữa quân đội hai nước Mỹ - Philippines đối với khủng hoảng khu vực.
Căn cứ vào yêu cầu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chủ đề của cuộc tập trận chung Philippines - Mỹ năm nay từ phòng vệ lãnh thổ điều chỉnh thành chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo và cứu nạn.
Năm 2016, hai nước đều khẳng định giảm các cuộc tập trận chung. Nhưng ngày 5/10, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Eduardo Ano khẳng định, Philippines và Mỹ đã quyết định sẽ tăng số lần tập trận chung vào năm 2018. Tuần trước, ông Eduardo Ano đã có cuộc gặp với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii.
Ông Eduardo Ano còn cho biết: “Tổng thống (Rodrigo Duterte) nói: ‘Tôi cần hữu nghị hơn với Mỹ’, theo đó, chúng ta có quan hệ chặt chẽ hơn và nhiều cuộc diễn tập hơn… Ông ấy (Rodrigo Duterte) nói, phải tiếp tục quan hệ với Mỹ, họ vẫn là đồng minh số một của chúng tôi”.
Ông Eduardo Ano tiết lộ, các cuộc tập trận chung do Philippines và Mỹ tổ chức trong năm 2018 sẽ tập trung vào chống khủng bố, ứng phó thảm họa, thậm chí phòng thủ lãnh thổ.
Hồi tuần trước, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Eduardo Ano đến Hawaii gặp gỡ Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, quân đội Mỹ. Ảnh: US Pacific Command.
Ngoài quan hệ về quốc phòng và an ninh, gần đây, Philippines cũng có các động thái tích cực cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ. Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ” để cải thiện quan hệ tổng thể hai nước. Quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Mỹ sẽ “vượt qua vấn đề an ninh”.
Tuần trước, khi gặp Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ Cory Gardner ở Washington, Ngoại trưởng Philippines Peter Cayetano đã đề xuất tăng cường hợp tác kinh tế hai nước.
Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Philippines bà Molly Koscina nhấn mạnh, Mỹ đã là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Philippines, đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện đã trên 4,58 tỷ USD. Mỹ còn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2016 đạt trên 17 tỷ USD.
Chuyên gia cho rằng, việc Philippines tích cực cải thiện quan hệ với Mỹ cho thấy Philippines đã biết Trung Quốc khó có thể thực hiện tất cả các cam kết đối với Philippines, bao gồm cam kết viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ USD được đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte trước đây.
Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc còn gây quan ngại về vấn đề người lao động và tài chính. Trong khi đó, Philippines và Trung Quốc còn tồn tại tranh chấp ở Biển Đông. Những bài học trong quan hệ chính trị, kinh tế với Trung Quốc đã được thấy ở nhiều nơi trên thế giới và khu vực cũng như từ bản thân Philippines.
Philippines chọn Trung Quốc hay Mỹ?
Trước đây, người ta đã được nghe nhiều đến các phát biểu “chống Mỹ” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhưng với các động thái tiếp nhận vũ khí trang bị, cho phép quân đội Mỹ tham gia chống khủng bố ở miền nam Philippines cũng như khôi phục tập trận chung thường xuyên với Mỹ cho thấy Philippines đang thực hiện chính sách “tái cân bằng ngoại giao”, coi trọng cả quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Gần đây, Tổng thống Rodrigo Duterte đã không còn đưa ra những phát biểu “chống Mỹ” như trước. Ông thậm chí không chỉ ca ngợi sự giúp đỡ của Mỹ đối với Philippines, mà còn nhiều lần đề cập đến quan hệ đồng minh với Mỹ, tuyên bố cần phát triển quan hệ hữu nghị với Mỹ v.v…
Trên thực tế, ông Rodrigo Duterte đã “dị ứng” với việc Mỹ thể hiện tư thế “áp đặt” trong quan hệ với Philippines, đặc biệt là những chỉ trích của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ có tân Tổng thống vào đầu năm 2017, Philippines đã có thái độ tích cực hơn trong quan hệ với Mỹ. Hai bên đã trải qua một giai đoạn “cọ xát” ngoại giao khó khăn và đến nay quan hệ song phương đang cải thiện tích cực hơn.
Dư luận báo chí Trung Quốc cho rằng mặc dù Philippines đang có những động thái mới trong quan hệ với Mỹ, nhưng dù sao thì ông Rodrigo Duterte vẫn chưa “nuốt lời” khi đã thực hiện hạ cấp các cuộc tập trận chung với Mỹ thành tập trận cứu trợ nhân đạo, cứu nạn và chống khủng bố. Ngoài ra, địa điểm các tập trận chung với Mỹ đã được Philippines lựa chọn tổ chức ở nơi cách xa khu vực tranh chấp Biển Đông, tránh kích động Trung Quốc.
Rõ ràng là Philippines duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ nhưng đã có ý tránh để ảnh hưởng đến quan hệ đang được cải thiện với Trung Quốc. Philippines đã thể hiện “độc lập, tự chủ” hơn, không đi theo Mỹ để chống Trung Quốc - tờ Phượng Hoàng, Hồng Kông suy đoán.
Quan hệ Philippines - Trung Quốc đã được cải thiện rất lớn trong thời gian qua. Tại lễ bàn giao lô vũ khí thứ hai ngày 5/10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng sự ủng hộ liên tục của Trung Quốc đối với Philippines đã mở đường cho “hợp tác an ninh rộng rãi hơn” giữa Philippines và Trung Quốc trong tương lai.
Không chỉ coi trọng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, hiện nay, Philippines còn tích cực mở rộng quan hệ với các nước lớn khác như Nhật Bản và Nga, nhất là về quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, Tổng thống Philippines tuyên bố, Philippines có ý định mở cửa cho quân đội Indonesia và Malaysia đến hỗ trợ Philippines tấn công các phần tử vũ trang cực đoan, ngăn chặn chúng chạy trốn bằng đường biển.
Các động thái ngoại giao mới của Philippines đã cho thấy Philippines đang thực hiện một chính sách ngoại giao thực dụng, độc lập hơn, cân bằng hơn và sẵn sàng điều chỉnh chính sách khi thấy có lợi và cần thiết.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn