Trong một động thái mới nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc không xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và các công trình xây dựng chủ yếu phục vụ mục đích dân sự. Nhưng đâu là sự thật?
Trung Quốc đang tung đòn 'quyến rũ' châu Âu
- Cập nhật : 29/03/2017
Trong khi chính quyền mở ở Mỹ vẫn còn ngó lơ, Trung Quốc đã bắt đầu "ve vãn" châu Âu bằng những đòn "tấn công quyến rũ" trên nhiều lĩnh vực.
Cờ của Liên minh châu Âu và Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU năm 2016 - Ảnh: Reuters
Chính quyền Bắc Kinh đang thể hiện cách tiếp cận mới với châu Âu từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Nói như một nhà ngoại giao châu Âu thì "ông Trump đang đẩy châu Âu và Trung Quốc xích lại gần nhau".
Bốn nhà ngoại giao cấp cao và một số quan chức châu Âu có liên hệ gần gũi với Trung Quốc đều nhận định với hãng tin Reuters rằng Bắc Kinh giờ đây đang sẵn sàng phá vỡ sự trì trệ trong thương mại suốt mấy năm qua với châu Âu. Thậm chí, một hiệp định đặc biệt giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc để tăng dòng chảy đầu tư cũng nằm trong viễn cảnh này.
Một dấu hiệu rõ nhất là trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao riêng lẻ với các nước châu Âu, Bắc Kinh đã tỏ ra dịu giọng và giảm áp lực đòi EU phải công nhận nền kinh tế Trung Quốc là kinh tế thị trường, không phải kinh tế nhà nước.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu, sở dĩ Bắc Kinh yêu cầu EU công nhận kinh tế thị trường là bởi khi đó hàng hóa của Trung Quốc sẽ được áp một mức thuế khác.
"Nếu bây giờ yêu cầu này được Trung Quốc đưa ra lần nữa, nó sẽ được giải quyết ở mức độ tối thiểu. Đó là một phần của đòn tấn công quyến rũ của Bắc Kinh", Reuters dẫn lời vị này cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói yêu cầu EU công nhận nền kinh tế Trung Quốc vẫn là một ưu tiên của Bắc Kinh song nhấn mạnh EU là một đối tác đang ngày càng quan trọng của nước này.
Hồi tháng 2 vừa rồi, Trung Quốc từng đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên với EU sớm hơn so với mốc thời gian hiện tại là tháng 7. Các nhà ngoại giao được Reuters liên hệ đều xác nhận đang tìm kiếm một ngày thích hợp để tổ chức sự kiện này.
EU vẫn thận trọng
Trong khi đó, các doanh nghiệp EU đang làm ăn tại Trung Quốc cho biết họ vẫn chưa thấy sự thay đổi nào từ chính sách của chính quyền địa phương.
Reuters nhận định: đứng trước các "đòn tấn công quyến rũ" của Trung Quốc, EU đang thể hiện hai mặt khác nhau. Một mặt, EU tỏ ra thận trọng đối với đối tác thương mại lớn thứ 2 của khối; quan ngại trước việc xuất khẩu thép ồ ạt và quân sự hóa các đảo nhân tạo chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông của Trung Quốc.
Mặt khác, khối này lại muốn tận dụng dịp lần này để ký kết các hiệp định thương mại với Trung Quốc, tạo điều kiện cho các công ty của EU vào làm ăn ở Trung Quốc và nhất là thuyết phục Bắc Kinh bỏ hẳn quy định doanh nghiệp EU phải chia sẻ công nghệ với công ty bản địa đối tác tại Trung Quốc.
Trước đó, EU cũng đã kêu gọi Trung Quốc nên mở cửa thêm các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ và dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân của EU đầu tư.
Nói về điều này, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Xiochuan (Chu Tiểu Xuyên) hôm 26-3 khẳng định rằng Bắc Kinh sẵn sàng mở cửa thêm nhiều lĩnh vực đón các nhà đầu tư từ EU nhưng nhấn mạnh, "Trung Quốc cũng muốn được đối xử công bằng ở nước ngoài".
Một nhà ngoại giao khác của Trung Quốc thì nói EU đang "quá tham vọng" và đòi hỏi.
DUY LINH
Theo Tuổi Trẻ