Khoảng 18.000 tàu cá ở Hải Nam, Trung Quốc sẽ tràn xuống Biển Đông sau 108 ngày thực hiện lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc.
Trung Quốc tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế
- Cập nhật : 02/09/2017
Tiến sĩ luật Trần Thăng Long nhận định những cuộc tập trận hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông càng làm phức tạp thêm tình hình khu vực và thế giới.
Theo website của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), nước này tiến hành diễn tập quân sự từ 7 giờ ngày 29.8 đến 7 giờ ngày 4.9 tại khu vực nối liền bởi 4 địa điểm có tọa độ: 17o15’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông, 17o15’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông, 16o20’ vĩ bắc/110o40’ kinh đông và 16o20’ vĩ bắc/109o40’ kinh đông. Ít nhất một phần khu vực có diện tích tương đương 11.000 km2 này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Chưa hết, Trung Quốc còn thông báo tiến hành 3 cuộc tập trận bắn đạn thật phi pháp trong các ngày 31.8, 1.9 và 2.9, lần lượt nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên ngày 1.9, Tiến sĩ Trần Thăng Long thuộc Trường Đại học Luật TP.HCM đưa ra một số nhận định và cảnh báo về những hành động phi pháp nói trên của Trung Quốc:
Thứ nhất, có thể khẳng định rằng, hoạt động tập trận, bắn đạt thật tại khu vực nêu trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế. Hành vi này cũng ngăn cản việc đi lại bình thường của các tàu thuyền tại khu vực này trái với quy định của luật pháp quốc tế.
Theo quy định của Công ước LHQ về luật Biển năm 1982, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển được xác định theo quy định của các quốc gia ven biển có chiều rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở mà quốc gia sử dụng làm căn cứ để tính chiều rộng của lãnh hải. Tại đây quốc gia ven biển giữ đặc quyền trong việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, tiến hành các hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế và các quyền tài phán tương ứng nhằm đảm bảo việc thực thi các đặc quyền về kinh tế về lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ và gìn giữ môi trường biển (Điều 56 khoản 1 điểm a và b của Công ước 1982).
Mặc dù không phải là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia nhưng vùng đặc quyền kinh tế cũng không phải là vùng biển quốc tế, do đó, các hoạt động của các quốc gia khác phải trên cơ sở tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển và đảm bảo không tạo ra nguy cơ căng thẳng về hòa bình hoặc ngăn cản quyền tự do hàng hải, hàng không và đánh bắt, khai thác tài nguyên hợp pháp tại đây. Điều 58 khoản 3 Công ước 1982 cũng đã quy định rõ “trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước và trong chừng mực mà các luật và quy định đó không mâu thuẫn với phần này và với các quy tắc khác của pháp luật quốc tế. Theo Điều 37 khoản 1, Luật biển Việt Nam 2012 thì các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm.
Thứ hai, cũng cần thiết phải khẳng định rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam một cách không thể chối cãi về mặt lý luận và thực tiễn. Điều này đã được Nhà nước Việt Nam khẳng định rất nhiều lần từ trước đến nay. Do đó, Trung Quốc không thể có bất cứ cơ sở pháp lý nào về mặt pháp luật quốc tế để thực hiện các hành vi nói trên, bao gồm việc tập trận bắn đạt thật và ngăn cản quyền đi lại của tài thuyền trong khu vực này. Chính vì thế có thể khẳng định đây là những hành vi trái phép theo luật quốc tế.
Thứ ba, hành vi của Trung Quốc thực hiện các hoạt động phi pháp ở khu vực ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ còn đi ngược lại các thỏa thuận và cam kết giữa hai nước, cụ thể là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” ký tháng 10.2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5.2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Cần nhắc lại rằng, đây là vấn đề còn chưa được giải quyết triệt để giữa hai nước và hiện tại hai bên đang tiếp tục đàm phán để đi đến một giải pháp hợp lý, công bằng trong việc phân định khu vực này. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành vi đơn phương nào của phía Trung Quốc đều không chỉ xâm phạm đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam như đã nói ở trên mà còn gây ra căng thẳng, nguy cơ bất ổn và xung đột và ngăn cản việc thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nói rộng ra, hành vi này cũng đi ngược lại cam kết của Trung Quốc với các nước ASEAN trong việc không làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình tại khu vực biển Đông đã được nói đến trong dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thông qua vào tháng 8.2017. Dự thảo khung này nói đến cam kết thúc đẩy lòng tin lẫn nhau, sự hợp tác và uy tín, ngăn ngừa các sự cố, giải quyết các sự cố nếu chúng xảy ra, và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải và quyền tự do đi lại trên biển và trên không cũng như thực thi nghĩa vụ tự kiềm chế và ngăn ngừa các sự cố. Cuối cùng, hành vi này được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng leo thang do việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa gây ra căng thẳng, nguy cơ đối đầu quân sự ở khu vực Đông Bắc Á cũng như sau một loạt các động thái căng thẳng trên khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Do đó, hành vi nói trên của Trung Quốc càng làm phức tạp thêm tình hình chung của khu vực và thế giới, mặt khác thể hiện rõ thái độ ngang ngược của nước này.
Thứ tư, hành vi tập trận của Trung Quốc tại khu vực cửa vịnh Bắc Bộ, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và nghiêm trọng hơn là trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy thái độ khiêu khích ngang ngược ngày càng leo thang của Trung Quốc cũng như dự báo về cách thức hành xử thô bạo, bất chấp quy định của pháp luật quốc tế trong tương lai.
Văn Khoa
Theo Thanhnien.vn