Bắc Kinh đã tạm hoãn đưa ra một số quyết định vì chưa rõ những chính sách hoặc hướng đi sắp tới của ông Trump
Tuần tra ở Biển Đông đã đủ giúp Mỹ thắng thế trước Trung Quốc?
- Cập nhật : 04/03/2017
Để giành ưu thế trước Trung Quốc, Mỹ cần không chỉ tiến hành tuần tra ở Biển Đông mà còn cần xây dựng một chiến lược toàn diện và lâu dài trên cả mặt trận chính trị và kinh tế.
National Interest nhận định, việc điều động nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu tiến hành tuần tra ở Biển Đông đã cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong cách phản ứng của Mỹ với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Theo đó, trong giai đoạn 2012 – 2015, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã không cho phép Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông. Hoạt động này mới chỉ được nối lại vào năm 2016, thời điểm ông Obama sắp mãn nhiệm.
Hoạt động tuần tra ở Biển Đông chưa đủ để giúp Mỹ giành ưu thế toàn diện trước Trung Quốc trong khu vực.
Do đó, sự xuất hiện lần này của siêu tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson dường như lại mang ý nghĩa đặc biệt hơn so với những lần tuần tra trước của Hải quân Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về tính hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông từ hoạt động tuần tra của Hải quân Mỹ. Theo giới chuyên gia, Mỹ vẫn cần xây dựng một chiến lược lâu dài với Trung Quốc để không chỉ thực thi các cam kết duy trì an ninh, ổn định đối với các quốc gia đồng minh và đối tác mà còn để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình trong khu vực.
"Tuần tra không là chưa đủ"
Giới chức Mỹ luôn khẳng định ở Biển Đông, Mỹ có thể và sẽ đi tới bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào nếu muốn. Tuy nhiên, hoạt động tuần tra ở Biển Đông của Hải quân Mỹ lại dường như "vô tác dụng" trong việc răn đe Trung Quốc.
Trên thực tế, sau khi tàu chiến Mỹ thực hiện tuần tra, Trung Quốc vẫn tiếp tục có hành động đơn phương củng cố chủ quyền sai trái cũng như quân sự hóa ngay trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ngay cả sau khi Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng Bảy năm ngoái, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tái diễn bành trướng.
Một khi sức mạnh quân sự và sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông không ngừng được cải thiện, quân đội nước này sẽ dần giành quyền kiểm soát mọi hoạt động ở bên trên và dưới Biển Đông. Nói cách khác, lực lượng mà Trung Quốc trái phép triển khai ra các đảo nhân tạo sẽ trở thành lực lượng kiểm soát Biển Đông.
Trong những năm trước, hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông thường hay bị tàu các chiến Trung Quốc ngăn cản. Nhưng nay, Trung Quốc đã hành động chuyên nghiệp hơn, song Mỹ cũng không thể thay đổi một thực tế là Trung Quốc giờ chiếm thế thượng phong ở Biển Đông.
Trung Quốc có thể để tàu thuyền và máy bay cả dân sự và quân sự của Mỹ đi qua Biển Đông nhưng không có nghĩa là với các quốc gia khác Bắc Kinh cũng làm như vậy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) đã lần đầu tiên tiến hành điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Hai.
Chiến lược toàn diện lâu dài
Theo National Interest, hoạt động tuần tra của tàu sân bay USS Vinson là việc làm cần thiết ở Biển Đông nhưng vẫn chưa đủ để răn đe Trung Quốc. Thậm chí, hoạt động này còn khiến Trung Quốc nghi ngờ Mỹ đang muốn giành lại vị thế số 1 trong khu vực.
Do đó, để đạt được hiệu quả trong việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông mà không cần tới hành động quân sự, chính quyền của Tổng thống Trump cần làm xây dựng một chiến lược toàn diện và lâu dài.
Cụ thể, đối với lực lượng Hải quân, ngoài việc thường xuyên tiến hành tuần tra, Mỹ cần có một chiến lược hiện đại hóa lâu dài như đóng thêm tàu chiến trang bị tên lửa để cùng tham gia vào hoạt động ở Biển Đông.
Đối với Nhật Bản, Mỹ cần tăng cường liên minh quân sự trong đó chú trọng tới nâng cấp vũ khí và tài trợ ngân sách cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để cùng tham gia hoạt động với quân đội Mỹ. Động thái này sẽ giúp Mỹ và Nhật Bản triển khai tuần tra chung thường xuyên và tổ chức tập trận ở biển Hoa Đông, vùng biển mà Bắc Kinh cũng đang tranh chấp chủ quyền với Tokyo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đối với Đài Loan, Mỹ vẫn nên duy trì "Đạo luật quan hệ với Đài Loan" bất chấp Trung Quốc phản đối. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc từng rơi vào sóng gió sau cuộc điện đàm gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi tháng 12/2016. Đây là cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đài Loan kể từ khi Washington và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1979. Ông Trump còn đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có nên thay đổi quan điểm với chính sách lâu đời "một Trung Quốc" vốn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung đã có phần khởi sắc hơn sau cuộc điện đàm bất ngờ của ông Trump với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình hồi tháng Hai. Trong cuộc điện đàm này, ông Trump khẳng định tôn trọng chính sách "một Trung Quốc".
Đối với ASEAN, Mỹ cần mở rộng hợp tác bởi nhiều quốc gia thành viên ASEAN và các nước châu Á đang đánh giá mức độ nghiêm túc và đáng tin của chính quyền Tổng thống Trump. Từ đó, các nước châu Á sẽ đưa ra quyết định xích lại gần Mỹ đến đâu.
Với Australia và Ấn Độ, Mỹ nên tiếp tục củng cố quan hệ đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng. Bởi Australia và Ấn Độ là những đối tác chiến lược và có cùng lợi ích ở châu Á như Mỹ. Mỹ không nên coi việc Australia là đồng minh là điều hiển nhiên và cũng không nên quên những việc mà Australia đã giúp Mỹ trong hàng thập niên qua. Nói cách khác, Mỹ nên chấp nhận một số điều khoản liên quan tới người di cư để hòa hợp với Australia.
Về kinh tế, nếu như chính quyền của Tổng thống Trump hiện thực hóa tuyên bố áp đặt 45% hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng sẽ có phản ứng đáp trả mạnh mẽ. Thay vào đó, Washington có thể tạo thêm áp lực cho Bắc Kinh bằng cách áp dụng những điều khoản chặt chẽ liên quan tới hoạt động đầu tư vào Mỹ; áp đặt các quy định của WTO và loại bỏ miễn thuế; cũng như đưa ra những hình phạt thích đáng cho hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thậm chí, biện pháp trừng phạt đối với những công ty Trung Quốc vi phạm quy định có thể là tiến hành kiểm tra và kiểm duyệt trong vòng 30 ngày đối với các tàu hàng Trung Quốc cập cảng tại Mỹ.
Ngoài ra, dù đã rút khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ vẫn có thể đưa ra các thỏa thuận thương mại trong đó có thỏa thuận thương mại song phương với các nước châu Á. Động thái này sẽ không chỉ giúp duy trì lợi ích của Mỹ và cả vị thế số 1 trong khu vực.
Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet.vn