Ông Rodrigo Duterte tuyên bố không cần Mỹ, đồng thời hết lời ca ngợi Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc “có tâm hồn lương thiện nhất”. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc vừa kết thúc chuyến thăm Philippines với nhiều đồng thuận.
Vì sao Triều Tiên sống chết phát triển vũ khí hạt nhân?
- Cập nhật : 09/03/2017
Giới chức lãnh đạo Trung Quốc vừa đưa ra đề nghị với Triều Tiên về việc ngừng phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc đề nghị “đổi hạt nhân lấy tập trận”
Hôm 8/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo đã cho biết, Trung Quốc đề nghị Triều Tiên ngừng phóng tên lửa và chương trình phát triển hạt nhân của mình để đổi lấy sự tạm ngừng những cuộc tập trận chung của liên quân Mỹ-Hàn.
Theo ông Vương Nghị, Triều Tiên nên làm như vậy để đổi lấy thỏa thuận tạm đình chỉ các cuộc tập trận chung của Mỹ-Hàn, mà như Bình Nhưỡng cho rằng, đó là sự tập dượt cho khả năng “xâm lược Triều Tiên”.
Sau khi cả Bình Nhưỡng lẫn Washington và Seoul thực hiện đúng những giao ước này, nó sẽ giúp các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp hòa bình cho tương lai của bán đảo Triều Tiên.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định rằng, bán đảo Triều Tiên một lần nữa đang gia tăng căng thẳng bởi những hành động thiếu kiềm chế của cả hai bên.
Ông này cho rằng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã làm ngơ trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế và đẩy mạnh việc phát triển chương trình hạt nhân của nước mình, phóng tên lửa đạn đạo, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Còn ở phía đối diện, Hoa Kỳ và Hàn Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn và gia tăng sức ép với Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng coi đó là “hành động khiêu khích và xâm lược”.Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng, Bắc Kinh không hề muốn bán đảo Triều Tiên biến thành một lò lửa xung đột, ưu tiên của Trung Quốc hiện nay là thuyết phục các bên không đi vào hai xu hướng này.
Bình luận về vấn đề này, giới phân tích nhận định rằng, Trung Quốc sẽ khó mà thực hiện được phương án hòa giải này, bởi hiện nay Bắc Kinh không có khả năng gây được sức ép đủ lớn đối với Triều Tiên, để Bình Nhưỡng thay đổi chính sách của mình, chứ đừng nói là gây ảnh hưởng đến Mỹ-Hàn.
Trong suốt 5 năm qua, tình hình bán đảo Triều Tiên luôn nóng như một lò lửa bởi cả Bình Nhưỡng lẫn Washington và Seoul đều không bên nào chịu nhượng bộ.
Trong những năm gần đây, Washington luôn cho rằng, các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân là vô nghĩa, chừng nào Bình Nhưỡng chưa thông qua quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân và chưa thực hiện những bước đi cụ thể theo hướng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Giới quan sát hy vọng là các bên đạt tới một giải pháp thỏa hiệp tương tự như thỏa thuận khung Geneva năm 1994 (hiện giờ đã bị hủy bỏ), phía Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân đổi lấy những nhượng bộ kinh tế và chính trị từ phía cộng đồng thế giới.
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh không ngừng hô hào và áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này thì Bình Nhưỡng tố cáo Mỹ và Hàn Quốc luôn nuôi ý đồ xâm lược nước này.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn thuyết phục Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ của mình nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng càng nổi giận và liên tiếp thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo.
Trước vụ thử nghiệm được coi là của tên lửa đạn đạo liên lục địa vừa qua, Triều Tiên đã tuyên bố đã thử nghiệm thành công vũ khí nhiệt hạch (bom H) đầu tiên vào ngày 6/1/2016.
Có thể nhận thấy rằng, áp lực của cộng đồng quốc tế là vô cùng lớn, nhưng rõ ràng là Triều Tiên không sợ điều này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố rằng, Bình Nhưỡng sẽ trở thành "một nước sở hữu vũ khí hạt nhân mạnh mẽ, để “không một kẻ thù nào dám khiêu khích”.
Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bắt đầu năm 1956, mặc dù nước này đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đến năm 2003, Bình Nhưỡng đã đơn phương rút khỏi Hiệp định này, với lí do “bị chính sách thù địch của Mỹ đe dọa”.
Ba năm sau, vụ thử hạt nhân đầu tiên diễn ra. Vụ thử thứ 2 diễn ra vào năm 2009 và vụ thứ 3 được nối tiếp sau đó 4 năm. Các vụ thử với lượng nổ lần sau lớn hơn lần trước này đều thành công cho thấy Bình Nhưỡng đã nắm được công nghệ hạt nhân cơ bản và có khả năng chế tạo bom nguyên tử.
Triều Tiên là một quốc gia nghèo, tiềm lực khoa học và kỹ thuật hạn chế, do đó quá trình tạo ra một loại vũ khí hạt nhân đúng với ý nghĩa của nó có thể kéo dài nhiều năm. Nhưng Bình Nhưỡng chưa bao giờ từ bỏ mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân.Hiến pháp của Triều Tiên cũng khẳng định quy chế “một cường quốc hạt nhân”, lấy đó làm “cái ô bảo hộ”, là “yếu tố sống còn” bảo vệ hòa bình, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng kích nổ vũ khí hạt nhân để bảo vệ vững chắc chủ quyền và tiếp tục xây dựng đất nước hùng mạnh.
Triều Tiên được cho là đã chế tạo thành công tên lửa liên lục địa KN-08 và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11
Nếu phân tích các điều kiện khách quan của Triều Tiên thì cũng thấy rõ rằng, nước này quyết tâm không từ bỏ vũ khí hạt nhân, vì họ cho rằng, điều đó là cần thiết để đảm bảo an ninh trước sự uy hiếp của Mỹ, đồng thời con bài hạt nhân còn là một công cụ ngoại giao hiệu quả.
Triều Tiên tuyên bố rằng, Washington đã vu khống về tình hình nhân quyền và tập trung mọi lực lượng chống đối, nhằm cản trở sự phát triển của Bình Nhưỡng. Nếu Mỹ không đe dọa chủ quyền của Triều Tiên, nước này sẽ không bao giờ phải phát triển vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã từng phản pháo Mỹ rằng, không ai có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân đe dọa nước khác, trong khi lại cấm họ sở hữu những vũ khí tương tự. Những định chế quốc tế chỉ là công cụ của phương Tây để ép các nước nhỏ từ bỏ “khả năng tự vệ”, trong khi các nước lớn lại muốn làm gì thì làm.
Bình Nhưỡng cũng đã hơn 1 lần nhắc lại bài học nhãn tiền - do chính người Mỹ truyền dạy cho họ - về sự sụp đổ của chính quyền Tripoli dẫn tới sự tang thương của đất nước Libya và đặc biệt là cái chết của Nhà lãnh đạo nước này là Tổng thống Muammar Gaddafi.
Ông Muammar Gaddafi là nhà lãnh đạo duy nhất trong lịch sử thế giới đã từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lấy những nhượng bộ kinh tế và đảm bảo an ninh từ phía phương Tây. Và kết cục ông đã bị chết thảm và đất nước Lybia hiện nay loạn lạc.
Do đó, việc nước này thử nghiệm bom nhiệt hạch là điều tất yếu, nhằm bảo vệ đất nước trước những âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Washington. Triều Tiên có quyền tự bảo vệ mình và tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân là biện pháp tự vệ tốt nhất trước Mỹ.
Nhật Nam
Theo Báo Đất Việt