Trong chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump, tàu chiến Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn.
Chính sách Biển Đông của Mỹ không thay đổi
- Cập nhật : 26/05/2017
Trong tuyên bố đưa ra sáng nay (26-5), một quan chức của bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chính sách của Mỹ với Biển Đông không thay đổi dưới thời tổng thống Trump.
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên USS Dewey hướng về Biển Đông trong ảnh chụp ngày 19-5 - Ảnh: Reuters
“Chính sách về Biển Đông của Washington không hề thay đổi dưới thời tổng thống Donald Trump, bà Susan Thornton - quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày hôm nay (26-5).
Phát biểu được đưa ra vào thời điểm hải quân Mỹ vừa thực hiện chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và bị Bắc Kinh phản ứng dữ dội.
Tối 24-5, báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong ngày 24-5. Trung Quốc hiện đang chiếm đóng trái phép và xây dựng bất hợp pháp các công trình tại khu vực này.
Phía Mỹ vẫn khẳng định việc tuần tra thường kỳ này là "đảm bảo tự do hàng hải và tự do đi lại trên không".
Hoạt động này từng được tiến hành rộng rãi dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, với lần gần đây nhất là vào tháng 10 năm ngoái.
Thế nhưng lần di chuyển trong khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn này, theo Reuters, không chỉ đơn thuần là “lần đi ngang vô hại” thể hiện quyền tự do đi lại.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters rằng các binh sĩ trên tàu khu trục USS Dewey đã có cuộc tập dượt cứu người.
Theo quan chức này, đó là cách Washington thể hiện việc không công nhận chủ quyền với thực thể bị bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Nếu đây là một thực tế đã xảy ra thì có thể thấy cách thể hiện của hải quân Mỹ mạnh mẽ hơn dù trước đó từng có những phỏng đoán tổng thống Trump sẽ có nhượng bộ để đổi lấy việc Bắc Kinh hỗ trợ thúc ép Bình Nhưỡng thực thi chính sách phi hạt nhân cho bán đảo Triều Tiên.
Có lẽ vì thế mà phía Bắc Kinh đã có phản ứng nhanh chóng và đầy giận dữ trong ngày 25-5 từ cả bộ Ngoại giao lẫn bộ Quốc phòng.
Trở lại với phát biểu ngày hôm nay của bà Susan Thornton tại Bắc Kinh, nó cho thấy sự thay đổi so với cách đây gần 10 tuần lễ.
Trong một cuộc họp báo ngày 14-3 tại thủ đô Washington, bà Susan Thornton từng khẳng định chính quyền của ông Donald Trump vẫn đang trong quá trình xây dựng chính sách riêng đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng những thay đổi nhất định sẽ được tiến hành.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Các thuật ngữ như trục, tái cân bằng... thường được dùng để chỉ chính sách của chính quyền trước đối với Châu Á. Nhưng hiện nay, chúng ta sẽ có những công thức và cách làm riêng”.
Tuy nhiên, khi đó, bà Susan Thornton cũng khẳng định ngay cả khi có sự thay đổi, chính quyền mới của Mỹ vẫn sẽ duy trì cam kết của mình đối với khu vực này bởi nền kinh tế châu Á đóng một vai trò quan trọng trong sự thịnh vượng và phát triển của nước Mỹ.
Tuyên bố của bà Susan Thornton được đưa ra trong bối cảnh ông Rex Tillerson đang thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Châu Á trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ với điểm dừng chân dự kiến là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Khái niệm “xoay trục sang châu Á” lần đầu được đưa ra dưới thời Tổng thống Barack Obama nhằm thúc đẩy mối quan hệ gần gũi và tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vốn được coi là trụ cột kinh tế của chính sách xoay trục - và không ít lần bóng gió việc xem lại các quan hệ quân sự với các đối tác trong khu vực này.
TÚ ANH
Theo Tuoitre.vn