Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Yếu tố chiến lược trong tham vọng biển Đông của Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Philippine Star
Sẽ lên thăm tàu chiến Trung Quốc
Theo hãng tin Reuters Anh, ngày 23/3, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ trích lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, cho rằng khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông vài năm trước, “các hành vi của Mỹ mới là nguyên nhân gây ra căng thẳng tình hình khu vực”.
Ông Rodrigo Duterte cho rằng, việc Washington tiến hành tuần tra ở Biển Đông tạo rủi ro "phán đoán nhầm" tình hình, chỉ trích chính phủ Mỹ khóa trước buộc người Philippines phải giữ lập trường chống Trung Quốc, nhưng lại không cung cấp hỗ trợ quân sự.
Khi đề cập đến hành động tuần tra của Mỹ thời kỳ Tổng thống Barack Obama, ông nói: "Các anh đến đó làm bộ phối hợp với họ ư? Chỉ cần nổ một phát súng thì có thể gây ra chiến tranh, đó sẽ là một vụ tàn sát".
Nhà lãnh đạo có quan điểm cấp tiến này hoàn toàn không hề che giấu thái độ bất mãn đối với đồng minh của Philippines. Ông Rodrigo Duterte nói, theo hiệp ước, đồng minh Mỹ cần bảo vệ Philippines. Nhưng, khi Trung quốc bắt đầu hoạt động thi công ở một phần vùng đặc quyền kinh tế của Manila, đồng minh này lại không làm gì.
Ông nói: "Mỹ là quốc gia duy nhất có thể triển khai hành động ở đó, dựa vào cái gì để hải quân của tôi đi đến đó? Quân nhân của tôi sẽ bị tàn sát".
Ông còn nói: "Anh tại sao lại không phê phán họ? Mỹ tại sao lại không điều 5 tàu sân bay? Anh phải đợi vấn đề phát triển đến hiện nay, đã trở thành vấn đề quốc tế liên quan nhiều nước như vậy".
Trong khi phê phán mạnh mẽ đối với Washington, ông Rodrigo Duterte lại không hề đưa ra lời nói nào phê phán Trung Quốc. Ông tìm mọi cách tranh thủ Trung Quốc mua hàng hóa nông nghiệp của Philippines, tranh thủ Trung Quốc giúp ông xây dựng hạ tầng cơ sở.
Ông chủ động tỏ thiện chí với một nước từng bị Manila coi là "kẻ xâm lược trên biển" từ lâu, điều này đánh dấu chính sách đối ngoại của Philippines đã có sự thay đổi đáng ngạc nhiên.
Ngoài ra, theo tờ Thương báo Philippines ngày 24/3, ông Rodrigo Duterte cho biết, sắp tới, tàu chiến Trung Quốc sẽ đến thăm Philippines. Khi đó, ông sẽ đến thăm. Ông nhấn mạnh, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ.
Ông Rodrigo Duterte nói: "Trung Quốc sẽ điều một tàu chiến đến Philippines. Tôi nói với Đại sứ Trung Quốc rằng tôi sẽ lên tàu".
Tháng 1/2017, ông Rodrigo Duterte đã lên một chiếc tàu chiến của Nga, khi đó ông tìm kiếm xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Moscow.
Ông Rodrigo Duterte còn cho biết, ông có thể sẽ tham quan một chiếc tàu chiến Nhật Bản khi tàu này tham gia tuần tra trên Biển Đông. Nhưng, khi tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ ghé thăm Philippines vào đầu tháng 3/2017, ông Duterte chỉ cử 3 quan chức nội các lên thăm đáp lễ.
Ngày 4/3/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Negrillo Lorenzana quan sát trên tàu sân bay USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ. Ảnh: Navy
Một số phát biểu gây chú ý gần đây của Tổng thống Philippines
Gần đây ông Rodrigo Duterte đã đưa ra nhiều phát biểu gây chú ý cho dư luận, có thể điểm lại như sau:
Sẵn sàng chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc
Ngày 23/3/2017, ông Rodrigo Duterte nói: Ông sẵn sàng chia sẻ với Trung Quốc tài nguyên ở vùng biển mà Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan tuyên bố thuộc về Manila. Người Philippines không có khả năng tự khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó.
Ông cho biết cho dù Philippines chiếm được các khu vực đó, nhưng Philippines không có vốn, không có cả giàn khoan. Philippines không có gì để khai thác.
“Không thể ngăn chặn được Trung Quốc” ở bãi cạn Scarborough
Ngày 23/3/2017, Ông Duterte còn cho hay: “Chúng ta (Philippines) không thể ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Họ cho rằng những đảo, đá ngầm đó là của họ. Người Philippines muốn tôi ngồi tàu đi cắm quốc kỳ, tôi đã nói như vậy khi tranh cử, sự ngu dốt này lại tin được”.
Đối với khả năng Trung Quốc tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough, hãng tin BBC Anh ngày 19/3 dẫn lời ông Rodrigo Duterte cho rằng: “Chúng ta không thể ngặn chặn Trung Quốc làm những việc này. Mỹ cũng không thể làm gì. Bạn muốn tôi làm gì? Tuyên chiến với Trung Quốc? (Làm như vậy) chúng ta ngày mai sẽ mất đi tất cả quân đội và cảnh sát, đất nước sẽ bị xóa sổ”.
Trước đó, ngày 19/12/2016, ông Rodrigo Duterte cũng cho rằng điều hải quân Philippines đến đoạt lấy bãi cạn Scarborough không phải là một phương án khả thi, bởi vì “họ (Trung Quốc) có thể quét sạch chỉ trong một phút. Đó là một thảm họa”.
Ngày 17/3/2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Ảnh: Philippine Star
“Trung Quốc sẽ không động đến bãi cạn Scarborough”
Tờ Thời báo Manila ngày 24/3 cho biết sau khi thăm Thái Lan và Myanmar, ông Rodrigo Duterte đã tiết lộ một thông tin quan trọng, đó là Trung Quốc sẽ không xây dựng hạ tầng ở bãi cạn Scarborough. Ông nói: “Họ cho tôi biết, họ sẽ không động đến bãi cạn Scarborough. Trung Quốc nói: ‘Đừng lo, chúng ta là bạn’”.
Ông cho biết thêm: Đây là cam kết của chính phủ Trung Quốc. Họ tính đến tình hữu nghị giữa hai nước, sẽ không xây dựng hạ tầng trên bãi cạn Scarborough. Họ sẽ không làm cho tình hình trở nên nguy hiểm. Người Trung Quốc nói lời đáng tin”.
Ông Duterte còn cho biết: “Tôi muốn nói, trong quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quốc, chúng tôi phải bảo đảm hòa bình, tôi chỉ muốn làm ăn với người Trung Quốc, bởi vì Philippines cần tiền”.
Tại Bangkok, Thái Lan, ông nói với kiều bào: “Kinh tế của chúng ta sẽ được cải thiện. Các bạn biết không? Thực ra Trung Quốc là người tốt”. Ông Duterte cho rằng, trước đây Philippines quá thân Mỹ và xa lánh Trung Quốc, nên không thể xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc.
Cho phép tàu Trung Quốc “đi qua vô hại”
Gần đây, còn có tin cho hay, ông Rodrigo Duterte đã cho phép các tàu Trung Quốc “đi qua vô hại” ở vùng biển “tranh chấp” (bãi cạn Scarborough). Ông nói: “Các bạn đi lại tự do, chỉ cần lên tiếng chào với hải quân và Bộ Ngoại giao là được”. Ngoài ra, ông Rodrigo Duterte cũng đã từ bỏ cam kết lên tàu đến quần đảo Trường Sa (Việt Nam) cắm quốc kỳ Philippines. Bởi vì, ông nói là điều này sẽ gây ra xung đột. Làm như vậy sẽ là phán đoán nhầm nghiêm trọng đối với thực tế.
Philippines sẽ không từ bỏ chủ quyền bãi cạn Scarborough
Mặc dù Tổng thống Philippines đã đưa ra nhiều phát biểu dường tỏ ra “mềm yếu” trước Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nhưng, theo tờ Thương báo Philippines ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Philippines sẽ không từ bỏ chủ quyền bãi cạn Scarborough.
Vừa qua, hạ nghị sĩ Philippines Gary Alejano đã phê phán Tổng thống Philippines “mềm yếu” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đã đề xuất phải tiến hành luận tội Tổng thống. Đáp lại, tại Myanmar ngày 19/3, ông Rodrigo Duterte cho rằng cứng rắn với Trung Quốc sẽ làm cho binh sĩ Philippines đổ máu. Mỹ cũng không thể buộc Bắc Kinh phải tuân theo.
Theo ông Dutertet, nếu ông Gary Alejano muốn đánh nhau với Trung Quốc thì để ông này đi đầu. Ông Duterte sẽ vui mừng cử ông Gary Alejano dẫn quân đến tấn công (Trung Quốc) ở quần đảo Trường Sa.
Ông Rodrigo Duterte nói, Philippines không cần viện trợ của Mỹ cũng có thể sống được. Người Mỹ có thể tự ăn những viện trợ này. Vì vậy, bắt đầu từ bây giờ, Philippines sẽ thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, chơi với những nước mình thích.
Trong khi đó, tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 20/3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines đang có kế hoạch xây dựng (trái phép) một đường băng và một cảng ở đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Ngoài ra, Philippines cũng sẽ “nâng cấp 8 công trình quân sự trên các đảo, đá ngầm do Philippines đang kiểm soát ở Biển Đông.
Phong Vân
Theo Viettimes.vn