Tại diễn đàn an ninh châu Á-Thái Bình Dương ngày 3.6 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã vạch ra 3 cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng cho khu vực.
Shangri-La 16: Trung Quốc muốn cùng Mỹ củng cố lòng tin chiến lược
- Cập nhật : 03/06/2017
Ngày 3/6, Phó Giám đốc Viện Khoa học quân sự thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trung tướng Hà Lôi cho rằng, Trung Quốc và Mỹ nên tăng cường lòng tin chiến lược lẫn nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ngày 6/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu họp báo bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore, Trung tướng Hà Lôi nhấn mạnh cuộc hội đàm thân thiện và hữu ích giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 vừa qua tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, đã đặt nền tảng và tạo tiến trình cho phát triển các quan hệ giữa hai nước.
Khi chỉ ra quan hệ giữa các lực lượng quân đội của Trung Quốc và Mỹ là một phần quan trọng trong các quan hệ giữa hai bên, ông Hà Lôi kêu gọi 2 nước tuân thủ các nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường lòng tin chiến lược lẫn nhau và tăng cường kiểm soát rủi ro.
Trước đó cùng ngày, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 16, các Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Australia đã có các bài phát biểu về quan điểm đối với an ninh khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh Mỹ cam kết tôn trọng và duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích bình đẳng của tất cả các nước, kể cả các nước nhỏ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cho rằng luật pháp quốc tế có thể thay đổi dựa trên tình hình thực tế, nhưng không thể phá bỏ hiện thực và việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định "thiếu sáng suốt".
Bà Inanda bày tỏ mong muốn tạo dựng mối quan hệ đồng minh sâu rộng hơn với Mỹ nhằm đóng vai trò tích cực hơn đối với an ninh khu vực.
Đối thoại Shangri-La 16, do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, có 5 phiên thảo luận chính thức bao gồm: Mỹ và an ninh châu Á - Thái Bình Dương; Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á - Thái Bình Dương; Xây dựng nền tảng an ninh khu vực chung; Các mối đe dọa toàn cầu và an ninh khu vực.
Ngoài ra, diễn đàn cũng thảo luận các vấn đề vốn đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay liên quan đến hiểm họa hạt nhân đe dọa châu Á - Thái Bình Dương, các hình thức hợp tác an ninh mới, tác động của các công nghệ mới đối với lĩnh vực quốc phòng hay các biện pháp mang tính thực tế để tránh xung đột trên biển...
TTXVN/Tin Tức