Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng cao kỷ lục, Trung Quốc lo "sốt vó"; Nga khiến người Mỹ thất vọng, ẩn ý tương lai ông Putin; Mỹ sẽ lục soát tổng lãnh sự Nga tại San Francisco
Ngày 21/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới đối với Afghanistan. Mỹ quyết định tăng quân ở Afghanistan, lo ngại vội vã rút quân sẽ tạo ra “khoảng trống quyền lực”.
Trong chiến lược mới đối với Afghanistan, Mỹ nhấn mạnh sẽ căn cứ vào tình hình chiến sự thực tế để triển khai các hành động quân sự, chứ không phải đưa ra thời gian biểu trước. Tổng thống Mỹ sẽ dành cho quân đội Mỹ tại Afghanistan nhiều quyền lực hơn nhằm tấn công tốt hơn các phần tử khủng bố.
Chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan nhằm tấn công kẻ thù, tiêu diệt tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và Al Qaeda, ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nhằm vào nước Mỹ. Mỹ tiến hành cuộc chiến này bằng cách sử dụng tổng hợp các sức mạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự. Mỹ không tìm cách tái thiết Afghanistan, mà tập trung vào tấn công các phần tử khủng bố.
Mỹ có kế hoạch tăng 4.000 quân ở Afghanistan. Hiện nay, quân đội Mỹ tại Afghanistan có khoảng 8.500 quân, các nước NATO khác có khoảng 5.000 quân. Mỹ đã kêu gọi các nước đồng minh NATO khác cùng tăng quân.
Ngoài ra, trong chiến lược mới của Mỹ, Mỹ coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, muốn Ấn Độ phát huy vai trò quan trọng trong chiến lược Afghanistan của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn mong muốn thu hẹp thâm hụt thương mại (31 tỷ USD) với Ấn Độ. Mỹ đẩy Pakistan về phía Trung Quốc
Trong khi đó, khi công bố chiến lược mới đối với Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án Pakistan “che giấu” các phần tử khủng bố, cảnh báo Pakistan có thể sẽ phải chịu tổn thất. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn cho rằng lòng tin đã bị phá hoại, trong lương lai sự ủng hộ của Mỹ đối với Pakistan sẽ lấy việc nước này áp dụng “phương thức khác nhau” làm điều kiện.
Những phát biểu này của phía Mỹ đã gây phẫn nộ cho Pakistan. Cuối tuần qua, Thủ tướng lâm thời Pakistan Shahid Khaqan Abbasi cho biết: “Từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã cho biết rất rõ là chiến lược quân sự ở Afghanistan không có hiệu quả, cũng sẽ không có hiệu quả”.
Có chuyên gia cảnh báo, chính sách của Mỹ rất có thể tiếp tục đẩy Pakistan vào vòng tay của Trung Quốc. Trung Quốc đang đầu tư trên 50 tỷ USD vào các nước láng giềng Nam Á để triển khai xây dựng “Vành đai, Con đường”, kết nối con đường thương mại giữa các nước trên thế giới.
Hiện nay, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif không đến Mỹ, mà muốn đến Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Pakistan thậm chí đã trì hoãn chuyến thăm Pakistan của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á là Alice Wells.
Một quan chức ngoại giao Pakistan cho biết trong thời điểm này, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa muốn đưa cuộc chiến Afghanistan đến Pakistan, Trung Quốc tiếp tục đứng về phía Pakistan.
Quan chức này cho biết thêm: “Chúng tôi đã gác lại việc tiếp tục thảo luận, mà muốn trước tiên xác định, quan hệ Mỹ - Pakistan rốt cuộc phải phát triển như thế nào mới có hiệu quả”.
Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif đến Trung Quốc chứ không phải đến Mỹ thảo luận vấn đề Afghanistan. Ảnh: South China Morning Post.
Quan chức Pakistan cho rằng Mỹ không nên lấy Pakistan làm “con dê tế thần”, đồng thời chỉ trích quân đội Mỹ không thể quét sạch nơi ẩn náu của các phần tử vũ trang ở Afghanistan.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Pakistan từng là đồng minh quan trọng của Mỹ. Khi đó, nước này từng giúp Mỹ chi viện cho tổ chức “thánh chiến” ở Afghanistan để chống lại Liên Xô. Nhưng từ đó trở đi, quan hệ Mỹ - Pakistan đã xuất hiện bước ngoặt.
Washington đối mặt với một vấn đề khó khăn: Một mặt phải dựa vào Pakistan để cung cấp “đầu cầu” cho việc đi vào Afghanistan và toàn bộ khu vực. Mặt khác, muốn phê phán Pakistan không thể tấn công hiệu quả chủ nghĩa khủng bố ở trong nước.(Viettimes)
------------------
Hậu căng thẳng biên giới Trung - Ấn: Trung Quốc làm đường tiếp
Sau khi tuyên bố cùng rút quân với Ấn Độ, Trung Quốc tăng cường tuần tra và xây dựng đường ở điểm nóng cao nguyên Doklam.Hôm 31/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, thông qua các kênh quân sự và bảo vệ biên giới, Bắc Kinh đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán với Ấn Độ để chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng tại cao nguyên tranh chấp Doklam trên dãy Himalaya suốt hơn hai tháng qua.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ren Guoqiang cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường tuần tra ở Doklam cũng như tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng con đường tại khu vực này "sau khi cân nhắc nhiều yếu tố".
Trong thời gian xảy ra căng thẳng ở Doklam, quân đội Trung Quốc đã triển khai các biện pháp phản ứng khẩn cấp đồng thời tăng cường tuần tra biên giới và điều động binh sĩ sẵn sàng chiến đấu và điều này sẽ được tiếp tục.
"Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra ở khu vực Doklam. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và cân nhắc các yếu tố như điều kiện thời tiết" - Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Ren.
Ông Ren còn khẳng định dự án xây dựng đường của Trung Quốc ở Doklam là cần thiết để "bảo vệ tốt hơn khu vực biên giới cũng như cải thiện cuộc sống và điều kiện làm việc cho quân đội và người dân sinh sống ở khu vực này".
Sau thông báo hôm 27/8 của Bộ Ngoại giao Ấn Độ về hoạt động "khẩn trương rút quân" khỏi Doklam, phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, họ hài lòng với việc "quân nhân Ấn Độ đã rút lui về phía biên giới nước này" nhưng không xác nhận liệu Bắc Kinh có cho dừng dự án xây dựng đường ở cao nguyên tranh chấp Doklam hay không.
"Chúng tôi sẽ cân nhắc nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết trong quá trình tính toán kế hoạch xây dựng" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói thêm.
Trong tuyên bố hôm 31/8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ren đã phủ nhận thông tin cho rằng, Bắc Kinh đã cung cấp cho Ấn Độ một khoản vay trợ cấp 20 tỉ USD để đổi lại binh sĩ Ấn Độ rút quân khỏi Doklam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có phát ngôn tương tự, bác bỏ thông tin Bắc Kinh cho New Delhi vay 20 tỉ USD.
“Chúng tôi đã kiểm tra thông tin với các cơ quan chức năng của chính phủ và những thông tin này là hoàn toàn bịa đặt”.
Vụ căng thẳng ở biên giới này bắt đầu diễn ra vào tháng 6 khi Ấn Độ đưa quân tới ngăn Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực Doklam, vùng lãnh thổ xa xôi và không có người ở mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều tuyên bố chủ quyền.
Ấn Độ nói họ đưa binh lính đến vì hoạt động quân sự của Trung Quốc ở đó là một mối đe dọa đối với an ninh của khu vực đông bắc Ấn Độ.
Cả hai quốc gia đều đã không đưa ra những chi tiết rõ ràng về việc họ rút khỏi cuộc đối đầu ở khu vực, vốn đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn giữa cường quốc ở châu Á.
Cuộc đối đầu kết thúc ngay trước hội nghị thượng đỉnh vào cuối tuần tại Trung Quốc của các nước BRICS, nhóm này gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ dự hội nghị trên.(ĐVO)