Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Trump cảnh báo đối thủ tiềm tàng đừng để Mỹ phải ra tay
Tin thế giới đáng chú ý 05-11-2017
- Cập nhật : 05/11/2017
Nga phát triển tên lửa siêu thanh tái sử dụng
Nga - Ấn Độ đang tạo ra cuộc cách mạng về tên lửa khi đồng thời tấn công mục tiêu siêu thanh và tên lửa có thể được dùng lại nhiều lần.
Thông tin này được Giám đốc điều hành BAIL ông Pillai tuyên bố, phiên bản BrahMos II có tính năng vượt trội hơn phiên bản Brahmos ban đầu tới chín lần. Với những khả năng hiện có của phiên bản tên lửa mới, gần như không có radar nào có thể bắt bám chính xác loại tên lửa này trong hành trình của nó.
Ngoài khả năng tấn công siêu thanh (có thể đạt Mach 7), tên lửa Brahmos II là nó có thể được tái sử dụng nhiều lần. Theo ông này, khi đến gần mục tiêu đầu đạn tên lửa sẽ tự tách ra khỏi thân để di chuyển theo quán tính với hệ dẫn đường độc lập. Trong khi đó, phần thân còn lại sẽ di chuyển như một máy bay không người lái siêu sau đó đáp xuống một địa điểm xác định với sự hỗ trợ của dù.
Trước tuyên bố cực ấn tượng của nhà sản xuất về bản BrahMos II, tạp chí Business Insider thừa nhận, một khi phát triển thành công phiên bản hoàn toàn mới của tên lửa BrahMos II, Nga và Ấn Độ có nhiều lợi thế mà Mỹ không thể có được.
Theo những thông tin ban đầu được công khai, dòng tên lửa BrahMos II được giới thiệu có tính năng độc đáo đạt tốc độ siêu thanh, đa phương thức dẫn đường và điều khiển, tính linh hoạt và khả năng cơ động cao. BrahMos II có uy lực xuyên phá rất mạnh, khả năng chống nhiễu và đối phó với tên lửa đánh chặn rất tốt.
Hiện BrahMos II là loại tên lửa được giới quân sự đánh giá là độc nhất vô nhị trên thế giới, được người Ấn Độ yêu mến đặt cho biệt danh là "Tên lửa ma thuật". Được biết, dự án tên lửa BrahMos II này nhằm phát triển một loại tên lửa có tốc độ vượt khoảng 5 lần so với các loại tên lửa hiện có của quân đội Mỹ, đảm bảo trong khoảng thời gian hơn 1 giờ có thể tấn công tới bất cứ địa điểm nào trên Trái đất.
Với tốc độ Mach 7 đạt được, tạp chí Business Insider khẳng định, BrahMos II sẽ tạo lợi thế rất lớn trước Mỹ bởi cơ bản, các loại tên lửa của quân đội Mỹ hiện nay đều có tốc độ hạ âm hoặc chạm siêu âm như vũ khí tấn công liên hợp ngoài khu vực phòng không JSOW C-1 có vận tốc hạ âm 0,86 Mach, tên lửa hành trình Tomahawk cũng chỉ đạt vận tốc 0,8 Mach.
Trong khi đó, X-51A dù đã thử nghiệm 3 lần nhưng chỉ có 1 lần thành công trong khoảng thời gian ngắn và chưa chứng minh được độ tin cậy về động cơ và điều khiển trong hành trình dài.
Thậm chí X-51A mới chỉ bay đơn thuần với quỹ đạo bất biến chứ chưa được trang bị bất cứ tính năng kỹ chiến thuật gì. Vì vậy, một khi phiên bản BrahMos II được thử nghiệm thành công và ứng dụng trong thực tế, Ấn Độ - Nga sẽ tạo được lợi thế rất lớn trước Mỹ trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh.
Được biết, tên lửa Brahmos II do tập đoàn liên doanh Nga - Ấn là Brahmos Aerospace India Limited (BAIL) nghiên cứu phát triển.(baodtviet)
--------------------------------
5 điểm đáng chú ý trong chuyến công du châu Á của ông Trump
Vấn đề Triều Tiên, căng thẳng với Trung Quốc, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực là những điểm thu hút chú ý khi ông Trump đến châu Á.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/11 thăm bang Hawaii trước khi thực hiện chuyến viếng thăm 5 nước châu Á kéo dài tới ngày 14/11, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Có 5 điểm đáng chú ý trong chuyến công du châu Á lần này của Trump, theo Nikkei Asian Review.
Khủng hoảng Triều Tiên
Triều Tiên sẽ là vấn đề cấp bách nhất vì nước này đang tiến gần hơn đến việc sở hữu tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn đến lục địa Mỹ. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster, trong chuyến công du châu Á, Trump sẽ nói với các lãnh đạo khu vực rằng thế giới "đang cạn kiệt thời gian ứng phó với Triều Tiên và sẽ yêu cầu tất cả nước hành động nhiều hơn".
Mục tiêu của Trump là thuyết phục Seoul và Bắc Kinh ủng hộ kế hoạch của ông nhằm gây áp lực, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lo ngại về cách tiếp cận cứng rắn của Trump đối với Triều Tiên. Trung Quốc cũng phản đối một lệnh cấm vận dầu đối với Triều Tiên và cũng không muốn một cuộc chiến tranh phủ đầu nổ ra vì lo ngại về nguy cơ bất ổn lớn trên bán đảo Triều Tiên.
Thương mại
Giảm bất cân đối thương mại của Mỹ với các nền kinh tế lớn châu Á là ưu tiên hàng đầu của Trump. Ông nói rằng Mỹ sẽ đàm phán thương mại với riêng từng nước khi ông rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Vì vậy, ông nhiều khả năng yêu cầu Nhật Bản mở cửa thị trường cho thịt bò và ôtô Mỹ. Tại Hàn Quốc, ông có thể thúc giục sửa đổi hiệp định tự do thương mại song phương có hiệu lực cách đây 5 năm vì ông cho rằng nó "quá bất lợi cho Mỹ và quá tốt cho Hàn Quốc".
Tại Trung Quốc, ông Trump có thể đạt được các thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ USD.
"Trung Quốc tìm cách sử dụng các lễ ký kết thỏa thuận thương mại để khiến Mỹ giảm áp lực trong việc đòi hỏi Trung Quốc mở rộng thị trường cho hàng hóa Mỹ và cải cách cấu trúc nền kinh tế", Ryan Hass, nhà phân tích từ Viện Brookings Institution ở Washington, nói.
Căng thẳng với Trung Quốc
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, ông Trump sẽ thảo luận các chủ đề như Triều Tiên, vấn đề Biển Đông và cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau gây ra 150 cái chết mỗi ngày ở Mỹ mà Trump cho rằng một phần do nguồn cung các thuốc giảm đau nhóm opioid giá rẻ từ Trung Quốc.
"Mục tiêu của ông Tập là để cho ông Trump rời Bắc Kinh với cảm giác hài lòng rằng ông được tiếp đón trọng thị", nhà phân tích Ryan Hass nói. Vì vậy, Hass cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump sẽ thiên về tính biểu tượng hơn là thực chất.
"Ông Tập sẽ đón nhận chuyến viếng thăm cấp nhà nước của ông Trump với vị thế mạnh sau khi vừa củng cố quyền lực tại đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc", Hass nói.
Mỹ cho rằng thuốc giảm đau nhóm opioid do Trung Quốc sản xuất đang tràn ngập trên thị trường Mỹ, góp phần làm trầm trọng thêm nạn lạm dụng thuốc giảm đau ở Mỹ. "Tôi sẽ gặp ông Tập ở Trung Quốc và tôi sẽ đề cập vấn đề này như một ưu tiên hàng đầu", ông Trump nói.
Trái với suy nghĩ của Mỹ, Wei Xiaojun, Phó Tổng thư kí Ủy ban kiểm soát ma túy quốc gia Trung Quốc hôm 3/11 nhấn mạnh không có bằng chứng đầy đủ để nói rằng phần lớn thuốc giảm đau nhóm opioid ở Mỹ đến từ Trung Quốc.
Tình bạn Trump - Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có mối quan hệ thân thiết với ông Trump. Ông được mô tả trong tít của một bài báo trên New York Times là "người bầu bạn qua điện thoại của Trump trong khủng hoảng Triều Tiên", vì hai người thường xuyên điện đàm với nhau.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng hai, ông Abe được ông Trump đưa đi chơi golf ở Florida và ông Abe cũng mời ông Trump chơi golf gần Tokyo hôm 5/11. Ông dự kiến mời nghệ sĩ hài Pikotaro, chủ nhân của ca khúc Pen-Pineapple-Apple-Pen (Bút dứa bút táo) từng gây sốt mạng đến biểu diễn trong buổi ăn tối với ông Trump.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ông Abe cần đảm nhận vai trò lãnh đạo trong khu vực thay vì làm "cấp phó" cho ông Trump.
"Bằng cách thúc đẩy một TPP không có Mỹ, chính quyền của ông Abe đang đi đúng hướng. Nhật Bản cần làm nhiều hơn nữa", Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại ở Đại học Temple, Tokyo, nói.
Sự hiện diện của Mỹ ở châu Á
Theo Nhà Trắng, một phần của sứ mệnh của Trump trong chuyến công du lần này là tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trump dự kiến trình bày tầm nhìn của Mỹ về vấn đề này tại hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở Việt Nam và sẽ tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao với các nước ASEAN tại Manila, Philippines.
Rana Mitter, giáo sư về lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Oxford, cho rằng bài phát biểu của ông Trump tại APEC sẽ được phân tích kỹ lưỡng để xem liệu ông có đưa ra một tuyên bố rõ ràng và mạch lạc về cam kết của Mỹ đối với khu vực hay không.
Trong những ngày qua, thông tin Tổng thống Mỹ không tham dự hội nghị cấp cao Đông Á ở Philippines ngày 14/11 đã đặt ra những nghi ngờ về cam kết của ông đối với châu Á. Tuy nhiên, vào phút chót, ông đã quyết định ở lại Philippines thêm một ngày để dự hội nghị này.
"Việc đổi ý này cho chúng ta thấy điều rất quan trọng: ông Trump đang ngày đặt ưu tiên cao cho châu Á", Ernest Bower, cố vấn cao cấp của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét.(Vnexpress)
-------------------------
Ông Trump cảnh báo Trung Quốc dè chừng sức mạnh của Nhật
Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc sẽ gặp vấn đề lớn với Nhật Bản nếu khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên tiếp diễn.
"Nhật Bản là một quốc gia chiến binh. Tôi muốn nhắc Trung Quốc và tất cả mọi người rằng họ sẽ sớm có vấn đề lớn với Nhật Bản nếu để vấn đề với Triều Tiên tiếp diễn", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 2/11.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không cho biết "vấn đề lớn" với Trung Quốc có nghĩa là gì. Hồi tháng 4/2016, ông Trump từng khẳng định Nhật Bản nên tự bảo vệ mình trước Triều Tiên, thay vì dựa vào sức mạnh quân sự Mỹ. Khi được hỏi liệu điều này có cho phép Tokyo sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó Bình Nhưỡng, ông Trump khẳng định các biện pháp phòng thủ có thể "bao gồm cả vũ khí hạt nhân".
Tuyên bố này được ông Trump đưa ra trước thềm chuyến công du dài ngày tới châu Á, nơi ông sẽ gặp lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc để thảo luận về các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay.
Nhật Bản hiện không sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nước này đã làm giàu hàng trăm kg plutonium cấp độ vũ khí, cho phép họ chế tạo 6.000 đầu đạn hạt nhân chỉ trong vòng vài tháng. Chính sách dự trữ mang tên "Lựa chọn Nhật Bản" này trên thực tế đã biến Nhật thành một quốc gia hạt nhân, bất chấp việc chưa tới 10% dân số nước này ủng hộ việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump cũng có thể ám chỉ Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản, trong đó cấm Tokyo tuyên bố chiến tranh hoặc tiến hành hoạt động quân sự trừ khi bị tấn công. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố xem xét lại Điều 9 trong Hiến pháp là trọng tâm trong chính sách quân sự nhằm đối phó với áp lực an ninh gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, kịch bản Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Ông Trump chọn Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á, trước khi tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề được bàn thảo giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe trong chuyến đi này.
Washington, Tokyo và Seoul đang tìm cách gia tăng áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng để đáp trả các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Trump thường xuyên kêu gọi Trung Quốc tham gia nỗ lực buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa có dấu hiệu xuống thang, bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế.(Vnexpress)
-----------------------
Ông Hun Sen thúc giục chính trị gia đối lập rời bỏ đảng
Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 4.11 cảnh báo những nghị sĩ đảng đối lập CNRP nên sớm rời khỏi đảng này trước nguy cơ bị cấm tham gia chính trị.
Thủ tướng Hun Sen kêu gọi thành viên CNRP nên sớm quyết định tương lai trước nguy cơ bị cấm tham gia chính trị REUTERS
Trong thông điệp gửi đến giới nghị sĩ CNRP, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi những người này nên “nắm lấy cơ hội”, chuyển sang đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (CPP).
“Tôi muốn đưa ra cho các bạn cơ hội này để tiếp tục làm việc. Không phải CNRP bị giải tán là vấn đề sẽ kết thúc. Có thể hơn 100 người sẽ bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Hun Sen cảnh báo.
Hiện tại, gần nửa số thành viên của CNRP đã bỏ chạy ra nước ngoài trong khi lãnh đạo Kem Sokha bị bắt hồi tháng 9 với cáo buộc phản quốc.
Thông điệp của ông Hun Sen được đưa ra giữa thời điểm Tòa án tối cao đang xem xét việc có giải tán CNRP hay không và dự kiến phán quyết sẽ được thông báo vào ngày 16.11. Trước đó, Bộ Nội vụ Campuchia cũng như một số đảng chính trị đã đệ đơn kiến nghị giải tán CNRP.
Quốc hội Campuchia gần đây thông qua đạo luật cho phép phân chia lại số ghế của CNRP cho các đảng khác nếu đảng này bị giải tán. Hầu hết sẽ được giao cho các đảng nhỏ trong khi chức vụ của các quan chức CNRP tại chính quyền địa phương sẽ do CPP tiếp nhận.(Thanhnien)