Ông Trump nói kịch bản tấn công Triều Tiên: Ai buồn? ; Lý do Triều Tiên tiến nhanh trong công nghệ tên lửa và hạt nhân; Trung Quốc quyết dứt tình với Triều Tiên?
Tin thế giới đáng chú ý 09-09-2017
- Cập nhật : 09/09/2017
Xôn xao thông tin Nga dùng 'cha của các loại bom' diệt khủng bố IS ở Syria
Truyền thông đang xôn xao trước thông tin Nga vừa dùng "cha của các loại bom" - FOAB để tiêu diệt các phần tử IS ở Syria.
Thông tin này bắt đầu xuất hiện vào ngày 7/9. Một số nhân chứng và các nhà hoạt động gần thành phố Deir ez-Zor của Syria khẳng định đã nhìn thấy siêu vũ khí này của Nga.
Tuy nhiên, cho tới nay chưa có bất cứ báo cáo nào từ phía Matxcơva cập nhật về thông tin này. Bộ Quốc phòng Nga cũng không hề đưa ra một tuyên bố chính thức nào nói họ thả FOAB như đồn đoán.
Nhiều người cho rằng có thể Nga không tiết lộ thông tin trên để đảm bảo độ bảo mật cho chương trình phát triển vũ khí tối mật của mình.
FOAB, loại bom phi hạt nhân mạnh nhất được phát triển tại Nga còn được gọi với cái tên ATBIP (bom chân không tăng cường sức công phá) được thử nghiệm lần đầu tiên và duy nhất vào ngày 11/9/2007.
Mặc dù Maxcơva không tiết lộ thông tin về siêu vũ khí mà họ đang sở hữu nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sức công phá của FOAB tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT trong khi sức công phá của MOAB là 11 tấn TNT.
Bán kính hủy diệt của FOAB là khoảng 300 m, gấp đôi bán kính của GBU-43. Theo các chuyên gia, FOAB có sức công phá lớn gấp 4 lần "mẹ của các loại bom" GBU-43 (MOAB) mà Mỹ sở hữu.
Giống như các loại bom nhiệt hạch khác, FOAB phát nổ giữa không trung, đốt cháy hỗn hợp gồm nhiên liệu và không khí, phá hủy các cấu trúc, gây ra những vụ nổ lớn kéo theo dư chấn mạnh ngang với vũ khí hạt nhân.
Video: Nga thử nghiệm cha của các loại bom
Cho đến nay, FOAB vẫn chưa được sử dụng trên chiến trường. Lần đầu tiên mà nó được thử nghiệm là vào ngày 11/9/2007. "Sức hủy diệt do sóng xung kích siêu âm và nhiệt độ cực cao do FOAB gây ra khiến mọi sinh vật sống đều bị bốc hơi", báo cáo sau vụ thử nghiệm đánh giá. (VTC)
--------------------------
Hàn Quốc tập trận hải quân, Trung Quốc tập trận phòng thủ
Dù các nước đều tìm cách hạ nhiệt căng thẳng quanh bán đảo Triều Tiên và tìm giải pháp ngoại giao nhưng Seoul và Bắc Kinh vẫn tập trận ở khu vực với qui mô lớn.
Theo hãng tin Reuters, lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn, với tình huống bảo vệ đảo tiền tiêu gần vùng biển biên giới với Triều Tiên ở phía Tây nước này.
Thông báo ngày 7-9 của Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận kéo dài từ ngày 5-9 đến 7-9, được tiến hành cả ngày lẫn đêm tại đảo Baengnyeong nằm ở phía Nam đường Giới hạn phía Bắc (NLL) trên Hoàng Hải.
Hoạt động này có sự tham gia của "tất cả binh sĩ và khí tài chiến đấu" thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 6, trong đó có cả máy bay trực thăng tấn công AH-1S Cobra, phương tiện tấn công đổ bộ và xe tăng M48A3K.
Cuộc tập trận tập trung vào việc kiểm tra khả năng phòng thủ các đảo ở khu vực phía Tây Bắc và sẵn sàng chiến đấu trong những tình huống cụ thể khi cần thiết.
Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận tương tự bảo vệ đảo Yeonpyeong - gần NLL.
Trong tháng trước, các lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tập trận chống tấn công giả định vào các đảo biên giới của Hàn Quốc. Phía Seoul coi đây là một sự kiện cho thấy khả năng Triều Tiên sẽ có hành động khiêu khích trực tiếp.
Trong khi đó, cũng theo hãng tin Reuters sáng 7-9, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin Không quân nước này đã tiến hành các cuộc diễn tập gần Bán đảo Triều Tiên nhằm thực hành phòng thủ trước một "cuộc tấn công bất ngờ" trên biển.
Trang mạng quân đội chính thức www.81.cn thông báo rằng một tiểu đoàn phòng không đã tiến hành diễn tập vào sáng 5-9 gần Bột Hải - vùng vịnh ở biển Hoàng Hải vốn ngăn cách Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên.
Các binh sĩ Trung Quốc đã được triển khai từ đại lục tới địa điểm này trước khi bắt đầu diễn tập phòng thủ trước "cuộc tấn công bất ngờ".
Trang mạng trên nêu rõ: "Khả năng phản ứng nhanh và trình độ tác chiến thực sự của quân đội đã được kiểm tra thực tế".
Binh sĩ Trung Quốc bắn thử hệ thống tên lửa phòng không HQ-6 trong cuộc tập trận ngày 5-9 - Ảnh: CHINA MILITARY ONLINE
Theo trang mạng trên, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc sử dụng những vũ khí nhất định để bắn hạ các mục tiêu tầm thấp trên biển, song không cho biết thêm chi tiết.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong khi đó chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng cuộc diễn tập "không nhằm cụ thể một mục tiêu nào hay một quốc gia nào".
Trang Newsweek cho biết tiểu đội phòng không của Trung Quốc đã bắn tên lửa từ hệ thống HQ-6 và tên lửa vác vai FN-6. Ngoài ra, binh sĩ Trung Quốc cũng đã bắn thử loại súng nòng xoáy LD-2000 Gatling nhắm vào các mục tiêu trên không.
Chỉ mới một ngày trước, lực lượng quân nhân dự bị của Trung Quốc cũng đã tập trận bắn đạn thật ở tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc.(Tuoitre)
------------------------
‘Ấn Độ cần đề phòng chiến tranh kép với TQ và Pakistan’
Tướng Ấn Độ cảnh báo New Delhi phải trang bị sẵn sàng để đề phòng khả năng xảy ra một cuộc chiến “kép” trên mặt trận phía Bắc (Trung Quốc) và mặt trận phía Tây (Pakistan).
Phát biểu tại một hội thảo được tổ chức bởi Trung tâm nghiên cứu chiến tranh trên bộ (CLWS) ở New Delhi hôm 6-9, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ, tướng Bipin Rawat nói rằng Ấn Độ cần chuẩn bị cho tình huống xảy ra một cuộc chiến hai mặt trận, căn cứ vào tình hình Trung Quốc đang “khoe cơ bắp” và ít có hy vọng hòa giải với Pakistan.
Tướng Rawat cảnh báo tình hình căng thẳng dai dẳng với Bắc Kinh có thể bùng phát thành một cuộc xung đột quy mô lớn ở khu vực biên giới phía Bắc Ấn Độ. Trong khi đó, Pakistan từ mặt trận phía Tây có thể lợi dụng tình hình để tạo sức ép Ấn Độ.
“Liên quan tới kẻ thù phía Bắc, việc khoe cơ bắp đã bắt đầu. Chiến thuật lát cắt salami của họ để nuốt dần lãnh thổ là điều mà chúng ta phải cảnh giác và duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu phòng các tình huống phát triển thành xung đột” - tướng Rawat nói.
Ông tiếp tục: “Còn về kẻ thù phía Tây, chúng ta không nhận thấy bất kỳ hy vọng hòa giải nào vì quân đội và người dân của họ đã bị tác động để tin rằng Ấn Độ muốn phá hoại quốc gia họ”. Theo Press Trust of India (PTI), bên cạnh lo ngại về chiến tranh cùng lúc trên hai mặt trận như ông Rawat cảnh báo, cũng có những hoài nghi về một cuộc chiến “câu kết” giữa Bắc Kinh và Islamabad.
Kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, Ấn Độ từng có chiến tranh biên giới với Trung Quốc vào năm 1962 và ba cuộc chiến với Pakistan, hai trong số này là giành quyền kiểm soát khu vực Kashmir. Hiện Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Vũ khí hạt nhân thật sự là loại vũ khí mang tính ngăn chặn. Nhưng để nói rằng chúng có thể ngăn chặn chiến tranh hay là chúng sẽ không cho phép các quốc gia đi tới chiến tranh hay không thì trong tình huống của chúng ta, điều đó có thể không đúng” - PTI dẫn lời tướng Rawat nói.
Khoảng 10 tuần căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở cao nguyên Dokalam đã kết thúc sau khi hai nước đạt được thỏa thuận cùng lui quân. Tuy nhiên, ông Rawat cảnh báo: “Chúng ta phải chuẩn bị. Trong trường hợp của chúng ta, chiến tranh thật sự có thể xảy ra”.
Bình luận của Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí cách tiếp cận “nhìn về tương lai” trong quan hệ Trung-Ấn, bỏ qua căng thẳng tại Dokalam. Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh khối các nền kinh tế mới nổ BRICS ở TP Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.(PLO)
-------------------------
Không lực Nga tiêu diệt 'Bộ trưởng Chiến tranh' của IS
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, đòn không kích của máy bay Nga đã đánh chính xác vào cứ điểm khủng bố ở Deir-ez-Zor, tiêu diệt đối tượng Gulmurod Khalimov là “Bộ trưởng Chiến tranh” của Nhà nước Hồi giáo IS.
Khalimov và 3 chỉ huy chiến trường có thế lực của IS đã bị tiêu diệt khi đang nhóm họp ở cứ điểm chỉ huy của bọn khủng bố. Trong số đó có cả "Amir Deir-ez-Zor" là Abu Muhammad Ash-Shimali, kẻ chịu trách nhiệm về tài chính và tuyển mộ tân binh vào các cơ sở huấn luyện của IS.
Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng, "hàng loạt cơ quan đặc nhiệm châu Âu coi đối tượng này chính là kẻ đã tổ chức những vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm 2015".
Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga còn diệt 40 chiến binh và phá hủy một đầu mối liên lạc.
"Sau khi khẳng định những thông tin nhận được và tiến hành trinh sát bổ sung về mục tiêu, từ căn cứ không quân Hmeymim đã có hai máy bay Su-34 và Su-35 của Nga xuất kích, giáng đòn trừng trị chuẩn xác bằng bom phá bê-tông", tin từ Bộ Quốc phòng nói rõ thêm.
Các chỉ huy chiến binh họp bàn về việc quân đội Syria bắt đầu tấn công. Đòn đánh hiệu quả của Không lực Nga đã giúp đẩy nhanh quá trình mở đường vào Deir-ez-Zor.(VTC)