Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Tàu khu trục Mỹ tiếp tục thách thức Trung Quốc trên Biển Đông
Tin thế giới đáng chú ý 12-08-2017
- Cập nhật : 12/08/2017
Vì sao nỗ lực xích lại gần nhau của Nga và Mỹ thất bại?
Tờ Gazeta.ru của Nga mới đây đã cho đăng tải bài phỏng vấn cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul về nguyên nhân làm thất bại các nỗ lực đưa quan hệ Nga-Mỹ xích lại gần nhau.
Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, ngay sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã có chủ trương tăng cường quan hệ với Nga. Tuy nhiên, các nỗ lực này đã thất bại và ông McFaul cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lỗi của cả giới lãnh đạo Mỹ và giới lãnh đạo Nga.
Về phía Mỹ, mặc dù muốn cải thiện quan hệ với Nga nhưng Tổng thống Donald Trump lại không đưa ra được bất cứ biện pháp, đề xuất cụ thể nào. Các kế hoạch của Tổng thống Mỹ trong giải quyết quan hệ với Nga đều sụp đổ với lý do là các kế hoạch này quá là “trừu tượng”.
Trong khi đó, ông McFaul cũng cho rằng đáng ra Tổng thống Nga Putin nên có các nhượng bộ nhất định đối với Nhà Trắng để hai bên có thể cải thiện được tình hình. Một trong các nỗ lực tích cực kiểu này, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, là việc Tổng thống Nga đáng ra đã có thể hủy bỏ lệnh cấm công dân Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi.
“Đó chỉ là các hành động mang tính biểu tượng để chứng tỏ rằng ông ấy (Tổng thống Nga Putin) muốn hợp tác với ông Donald Trump. Tuy nhiên, ông Putin lại không thực hiện hành động này”- ông McFaul nói.
Việc gần như buộc phải ký thông qua các đạo luật mới cấm vận Nga là biểu hiện rõ nhất cho sự thất bại trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Donald Trump đã sai lầm khi không thảo luận với các nghị sỹ Mỹ về đối thoại với Nga và không giải thích cho họ biết được các dự định của mình. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đã hành động một cách “mù quáng” mà không tiến hành bất cứ cuộc tư vấn nào với các đối tác châu Âu.
“Người chịu trách nhiệm chính cho các lệnh cấm vận hiện nay chính là ông Donald Trump. Ông ấy không có thái độ thực sự nghiêm túc đối với vấn đề này”- cựu Đại sứ Mỹ tại Nga khẳng định.
Theo ông McFaul, ông là người rất ủng hộ quan điểm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc phối hợp hành động chặt chẽ giữa Mỹ với châu Âu. Ông cũng cho rằng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện được bước đi nào đó tích cực trong quan hệ với Nga. Tổng thống Donald Trump rõ ràng là không muốn mất đi các tiềm lực chính trị của mình để kiên quyết bảo vệ quan điểm hợp tác với Nga trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành các cuộc điều tra về “sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ”.
Ông McFaul cũng đưa ra bình luận của mình về cuộc chiến chống “chiến tranh thông tin” của Nga mà chính quyền Mỹ đang tiến hành. Theo đó, hiện nhiều quốc gia đang sử dụng các phương tiện truyền thông để tăng cường ảnh hưởng của mình trên thế giới một cách không cân xứng.
Trên các mạng xã hội của Nga hoàn toàn không tìm thấy các chương trình hoạt động do Chính phủ Mỹ tài trợ. Trong khi đó, các nội dung của kênh truyền hình RT của Nga xuất hiện nhiều trên truyền hình Mỹ và đài Sputnik đã bắt đầu hoạt động tại Washington.
Được biết, Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Peskov đã gọi các cáo buộc này là vô căn cứ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, khi được hỏi về “sự can thiệp của Nga” vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, Pháp và Đức, cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng hiện không có bất cứ bằng chứng nào khẳng định điều này.
Hồi tháng 1/2017, cộng đồng tình báo Mỹ đã cho công bố bản báo cáo về “sự can thiệp của Nga” vào bầu cử ở Mỹ. Trong bản báo cáo này, phần khá lớn dung lượng được dùng để nói về hoạt động của các hãng thông tấn RT và Sputnik của Nga. Tuy nhiên, họ lại không đưa ra được các bằng chứng cụ thể về “ảnh hưởng của Moscow” lên bầu cử với lý do phải giữ bí mật. Trong khi đó, lãnh đạo Sputnik và RT khẳng định rằng họ chỉ đơn giản là nói về những gì đang diễn ra ở Mỹ.(Infonet)
---------------------------
Báo Campuchia: Ông Hun Sen nói Lào xâm phạm biên giới, cho 6 ngày để rút lui
Tờ Cambodia Daily đưa tin, sáng 11/8, Thủ tướng Hun Sen nói các binh sỹ Lào đã xâm phạm biên giới Campuchia từ tháng 4 và cho họ 6 ngày để rút lui.
Trong buổi lễ tại Văn phòng chính phủ sáng 11/8, ông Hun Sen nói đã cố gắng giảm bớt căng thẳng bằng việc cho quân đội ngừng xây dựng đường ở tỉnh Stung Treng nhưng các binh sỹ Lào vẫn chưa rút lui.
Cambodia Daily dẫn lời ông Hun Sen nói: "Tôi muốn gửi một thông điệp tới Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith để rút lui vô điều kiện khỏi Campuchia. Tôi sẽ cho Lào 6 ngày".
Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh các quan chức cấp cao 2 nước hiểu nhau nhưng các quan chức cấp dưới chưa hiểu nhau, dẫn đến những vấn đề có thể phát sinh.
Cũng theo tờ báo Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Tea Banh cùng 2 tướng Pol Saroeun và Kun Kim đã được lệnh chuẩn bị.
"Nếu có điều gì xảy ra, đừng đổ lỗi cho Campuchia", ông Hun Sen kết luận.(VTC)
---------------------------
Mỹ điều tra hình sự quỹ của chính phủ Malaysia
Mỹ đang tiến hành điều tra khoản tiền lớn thất thoát từ quỹ liên quan đến Thủ tướng Malaysia.
Biển quảng cáo quỹ 1MDB tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra hình sự quỹ Quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB), Reuters hôm nay đưa tin. Điều tra hình sự này có "quy mô toàn cầu", bao gồm các hành vi phạm tội ở nhiều nước trong nhiều năm.
Bộ Tư pháp Mỹ muốn trì hoãn các tố tụng dân sự, cho hay bất cứ thông tin nào được công bố cũng sẽ có "tác động xấu" đến khả năng của chính phủ Mỹ trong thực hiện điều tra hình sự.
Theo hàng chục đơn kiện nộp lên Bộ Tư pháp Mỹ trong hai năm qua, tổng cộng có 4,5 tỷ USD đã bị các quan chức cấp cao và các trợ lý của họ trong 1MDB biển thủ.
Hiện 1MDB chưa lên tiếng.
Quỹ 1MDB do Thủ tướng Malaysia Najib Razak thành lập năm 2009, đang phải đối diện với điều tra rửa tiền ở ít nhất 6 quốc gia, trong đó có Mỹ, Thụy Sĩ và Singapore.
Từ các đơn kiện dân sự trước đây, Bộ Tư pháp Mỹ đã tìm cách thu hồi tổng cộng 1,7 tỷ USD tài sản được chi tiêu sai từ quỹ. Hồi giữa tháng 6, một đơn kiện cho thấy gần 30 triệu USD từ quỹ 1MDB đã được lấy ra để mua trang sức cho bà Rosmah Mansor, vợ Thủ tướng Najib.
Từ 2015, Thủ tướng Malaysia bị cho là nhận hơn 680 triệu USD từ quỹ 1MDB qua tài khoản, tuy nhiên ông bác bỏ mọi cáo buộc. Đến đầu năm ngoái, chính phủ Malaysia đã xóa bỏ nghi vấn tham nhũng đối với ông Najib.(Vnexpress)
----------------------
Lính Ukraine đóng giả đặc nhiệm SEAL Mỹ dọa quân ly khai
Binh sĩ Ukraine mặc trang phục, treo cờ đặc nhiệm Mỹ nhằm răn đe lực lượng ly khai ở miền đông nước này.
Trong một nỗ lực gây chiến tranh tâm lý với lực lượng ly khai ở miền đông, các binh sĩ Ukraine gần đây thường xuyên đóng giả làm thành viên của Đội đặc nhiệm SEAL 6 tinh nhuệ của hải quân Mỹ, Business Insider ngày 11/8 đưa tin.
Theo Daily Signal, bên cạnh việc mặc quân phục giống đặc nhiệm SEAL, lính Ukraine thỉnh thoảng còn cắm cờ Mỹ lên doanh trại và truyền lệnh bằng tiếng Anh qua bộ đàm.
Đáp lại, phe ly khai cũng áp dụng chiến thuật tâm lý chiến, gửi các tin nhắn răn đe quân chính phủ qua điện thoại. "Hỡi các binh sĩ Ukraine, người ta sẽ tìm thấy thi thể bạn khi băng tan. Hãy rời đi và các bạn sẽ được bảo toàn tính mạng", một tin nhắn có đoạn.
Cuộc xung đột giữa phe ly khai và quân đội chính phủ Ukraine ở miền đông nước này đã kéo dài hơn ba năm, làm gần 10.000 người thiệt mạng. Kiev cùng các đồng minh phương Tây cho rằng phe ly khai được quân đội Nga hỗ trợ, Moscow phủ nhận cáo buộc trên.(Vnexpress)