Tin tức Biển Đông 2017. Cập nhật liên tục tin tức Biển Đông. Thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thông tin về hoạt động, hành xử của các bên về vấn đề BIển Đông. Việt Mỹ ký loạt thỏa thuận Thương Mại trị giá 12 tỉ USD
Tin thế giới đáng chú ý 13-11-2017
- Cập nhật : 12/11/2017
Việt - Mỹ sắp thống nhất kế hoạch hợp tác quân sự mới
Việt Nam và Mỹ hôm nay dự kiến thống nhất chương trình hợp tác quân sự, đồng thời ký thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến hoàn tất kế hoạch hợp tác quân sự mới kéo dài ba năm giữa Việt Nam và Mỹ trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Thỏa thuận này sẽ tăng cường hoạt động hợp tác hải quân song phương, theo thông cáo từ Nhà Trắng.
Mỹ đang tiến hành các thủ tục để chính thức bàn giao tàu tuần tra của Lực lượng phòng vệ bờ biển Mỹ cho Việt Nam, nhằm củng cố khả năng bảo đảm an ninh hàng hải. Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ ra thông cáo chung, tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không và thương mại trên Biển Đông, cũng như cam kết tiếp cận giải quyết tranh chấp trên biển bằng con đường pháp lý.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thống nhất đẩy mạnh đàm phán nhằm mở rộng trao đổi thương mại song phương và đầu tư giữa hai nước. Nhiều khả năng Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ chứng kiến việc ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá tới 12 tỷ USD.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump sẽ kêu gọi Việt Nam ủng hộ chiến dịch gia tăng áp lực để đưa Triều Tiên trở lại con đường phi hạt nhân hóa.(Vnexpress)
---------------------------------------
Đàm phán chính thức về COC sẽ diễn ra vào năm tới?
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và những hội nghị liên quan diễn ra ở Philippines, Bộ Ngoại giao nước này cho rằng đàm phán chính thức về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có thể diễn ra trong năm tới.
Nhận định trên do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar đưa ra với giới báo chí tại Manila. Theo tờ The Straits Times, ông Bolivar còn nói Philippines mong các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, khai mạc vào ngày mai 13.11, sẽ thông báo việc bắt đầu đàm phán về COC. Hồi tháng 8, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung của bộ quy tắc này.
Trong ngày 13.11 cũng sẽ lần lượt diễn ra các hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, theo báo The Rappler. Đến ngày 14.11 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, với sự tham dự của các đại diện từ 10 nước thành viên ASEAN cùng 8 quốc gia đối tác đối thoại, gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Úc. Giới quan sát dự đoán vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề chính của đợt hội nghị.
Theo tờ The Straits Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte vào ngày 13.11. Phát ngôn viên Harry Roque của Tổng thống Duterte hôm 11.11 phát biểu với giới báo chí bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng rằng cuộc thảo luận về vấn đề Biển Đông có thể diễn ra vì Tổng thống Trump đã nhấn mạnh lợi ích của Mỹ là duy trì tự do hàng hải ở những tuyến đường biển quan trọng. Ngoài ra, một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng cũng tiết lộ Tổng thống Trump sẽ cam kết với ASEAN rằng Washington "không quên Đông Nam Á", theo The Straits Times.(Thanhnien)
-------------------------
Triều Tiên nói với Nga đã sẵn sàng tấn công hạt nhân Mỹ?
CHDCND Triều Tiên được cho là gửi một bức thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để tuyên bố nước này đã sẵn sàng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Bức thư được phái đoàn Triều Tiên gửi cho Tổng thống Nga thông qua Chủ tịch thượng viện Valentina Matvienko tại đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) diễn ra ở St. Petersburg hồi tháng 10, theo hãng tin Sputnik.
Nội dung bức thư viết rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng tấn công hạt nhân vào Mỹ.
Cũng theo Sputnik, phía Mỹ sau đó cũng được thông báo về nội dung của bức thư.
Trả lời về thông tin này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói ông không hay biết về lá thư nào do Triều Tiên gửi cho Tổng thống Putin có nội dung như trên. Bình Nhưỡng và Washington chưa có bình luận nào về vấn đề này.(Thanhnien)
----------------------------
Việt Nam dự kiến mua tên lửa S-400, báo Trung Quốc bình luận gì
Việt Nam mua sắm vũ khí trang bị là để thực hiện nhiệm vụ phòng vệ chính đáng, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển chính đáng của Việt Nam. Nhưng báo chí Trung Quốc tỏ ra dị nghị, bàn ra tán vào...
Việt Nam và Nga đang bàn mua S-400
Ông Mikhail Petukhov nói: "Hiện nay đang thảo luận với phía Việt Nam vấn đề cung cấp, sửa chữa và hiện đại hóa nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không.
S-400 Triumph là hệ thống phòng không tầm xa đi vào hoạt động mới nhất của quân đội Nga, dùng để đánh chặn các loại máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm bắn xa nhất đạt 400 km.
Mikhail Petukhov tiết lộ, hiện nay hai bên đang xác định thực hiện danh mục hợp tác. Tháng 4/2017, Việt Nam và Nga đã thảo luận qua về việc mua sắm 4 tiểu đoàn hệ thống phòng không S-400. Đồng thời có kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng không S-300PMU1 mà Việt Nam mua sắm của Nga lên tiêu chuẩn S-300V4 tiên tiến hơn.
Nếu Nga và Việt Nam đạt được thỏa thuận về mua sắm hệ thống phòng không S-400 thì Việt Nam sẽ là quốc gia thứ ba mua sắm hệ thống phòng không này. Trước đó, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã lần lượt ký kết hợp đồng mua sắm với Nga. Ấn Độ cũng đang tiến hành đàm phán với Nga.
Theo chuyên gia Nga, nếu Nga bán hệ thống phòng không S-400 tiên tiến nhất cho Việt Nam thì Việt Nam có thể "ngủ ngon", "Hệ thống này có thể bảo đảm an ninh của Việt Nam một cách có hiệu quả".
Ngoài hệ thống S-400, Nga còn bắt đầu cung cấp xe tăng chiến đấu T-90S và T-90SK tiên tiến cho Việt Nam. Hãng tin Interfax Nga ngày 7/11 dẫn lời ông Petukhov tiết lộ, sau khi trải qua một loạt cuộc đàm phán, chuyên gia Nga và Việt Nam cuối cùng đã ký kết hợp đồng cung cấp hai loại xe tăng này. So với sự phát triển nhanh chóng của hải, không quân những năm gần đây, việc đổi mới xe bọc thép, xe tăng của lục quân Việt Nam tương đối chậm chạp. Tháng 7/2017, nhà máy chế tạo xe Ural Nga ký kết hợp đồng với lục quân Việt Nam, cung cấp 64 xe tăng chiến đấu T-90S.
Đây là loại xe tăng chiến đấu thế hệ thứ ba đầu tiên lục quân Việt nhập khẩu, đồng thời sẽ bắt đầu thực hiện hợp đồng trong năm 2017.
Được biết, T-90S là loại xuất khẩu của xe tăng T-90 Nga, còn T-90SK là phiên bản chỉ huy của xe tăng T-90S, hiện chúng cũng là xe tăng chủ lực của lục quân Nga.
Những năm gần đây, Việt Nam còn mua vài tiểu đoàn hệ thống phòng không S-300PMU1, 32 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 12 tàu tên lửa Molniya, 4 tàu hộ vệ Gepard và 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga.
Sina: Trung Quốc mua gì, Việt Nam mua nấy
Về thông tin Việt Nam mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, trang tin Sina Trung Quốc ngày 9/11 cho rằng Nga luôn tìm cách tuyên truyền để có thể bán được vũ khí trang bị và họ đã luôn đạt được hiệu quả.
Chẳng hạn, khi chào bán máy bay chiến đấu Su-35, Nga cho rằng nó có thể đánh bại máy bay chiến đấu tàng hình F-35, hơn nữa Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ 4++ tốt nhất thế giới. Vì vậy, máy bay này được không ít quốc gia đặt hàng.
Nhưng theo Sina, trên thực tế Su-35 nhiều nhất cũng là một loại Su-27 phiên bản cuối cùng, không thể đánh bại được F-35 của Mỹ.
Khi Nga chào bán hệ thống phòng không S-400, Nga cho biết khoảng cách đánh chặn của nó là 400 km, có thể đánh chặn các loại máy bay chiến đấu và có thể phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống này chưa từng trang bị tên lửa 40N6 tầm bắn 400 km. Khoảng cách đánh chặn của tên lửa 48N6 tầm bắn tối đa hiện nay chỉ 250 km.
Sina cho rằng Việt Nam là “lô cốt đầu cầu” của Nga ở Đông Nam Á và có những điểm giống với Ấn Độ. Điều thể hiện rõ nhất là Trung Quốc mua cái gì của Nga thì Việt Nam cũng không tiếc tiền để có được vũ khí cùng loại. Chẳng hạn, vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Trung Quốc đã mua tàu ngầm 877EKM và 636M lớp Kilo của Nga. Đến những năm gần đây, Việt Nam cũng đã mua 6 tàu ngầm 636M của Nga.
Sau khi Trung Quốc nhập khẩu một lô máy bay chiến đấu dòng Su-27/30MKK, Việt Nam theo sau cũng mua một lô máy bay chiến đấu Su-27MKV. Khi Trung Quốc nhập khẩu tên lửa phòng không S-300PMU1, Việt Nam cũng mua sắm tên lửa phòng không S-300PMU1. Lần này, Việt Nam đi theo Trung Quốc mua sắm tên lửa phòng không S-400.
Mặc dù vậy, Trung Quốc mua sắm vũ khí trang bị của Nga với số lượng rất ít. Mục đích của Trung Quốc là thông qua mua sắm để nắm được công nghệ, từ đó cải tiến, nâng cấp vũ khí của họ và có điều kiện và công nghệ để “đáp trả”.
Chẳng hạn, trên nền tảng máy bay chiến đấu Su-30, Trung Quốc đã phát triển ra máy bay chiến đấu J-16 có sức chiến đấu mạnh hơn; trên nền tảng tàu ngầm 636M lớp Kilo, Trung Quốc đã thiết kế ra tàu ngầm Type 41 chạy êm hơn; trên nền tảng tên lửa S-300, Trung Quốc đã phát triển được tên lửa HQ-9.
Sina cho rằng nếu chỉ mua sắm mà không cải tiến được vũ khí trang bị mua của Nga thì việc vận dụng thực tế sẽ rất khó đạt được hiệu quả như Nga tuyên truyền. Hơn nữa, Trung Quốc cũng thông qua việc sao chép, cải tiến này để tìm cách đối phó. Sina cho rằng Trung Quốc có thể dùng các loại tên lửa chống bức xạ như LD-10, YJ-91 và CM-102 để “đánh bại” S-400.
Ngoài ra, trang Sohu Trung Quốc còn "dìm hàng" rằng cho dù Việt Nam có mua được tên lửa phòng không S-400 thì cũng chưa đủ. Việt Nam không có đủ hệ thống cảnh báo sớm khu vực tầm xa tiên tiến, không có radar cỡ lớn và hệ thống cảnh báo sớm Sky Wave để dò tìm các mục tiêu xa hàng nghìn km.
Ngoài ra, Việt Nam còn chưa có đủ máy bay cảnh báo sớm và radar mảng pha. Trong khi đó, khoảng cách dò tìm của radar thuộc hệ thống tên lửa S-400 không đến 100 km, làm cho hiệu quả tác chiến của S-400 bị hạn chế. (Viettimes)