Tàu sân bay Mỹ, Nhật hoàn thành diễn tập tại Biển Đông; Khu trục hạm Mỹ va chạm với tàu hàng Philippines, 7 người mất tích; Vợ thủ tướng Malaysia bị tố sắm kim cương bằng quỹ chính phủ
Tin thế giới đáng chú ý 17-06-2017
- Cập nhật : 17/06/2017
Thượng viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt Nga, Iran
Thượng viện Mỹ bỏ phiếu nhất trí thông qua biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga và Iran.
Dự luật trừng phạt, được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 15/6 với tỷ lệ phiếu 98 - 2, nhằm buộc Iran trả giá vì "tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa khủng bố", AFP đưa tin. Dự luật cũng nhằm vào Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và khiến Nhà Trắng khó thu hồi lệnh trừng phạt hơn.
"Chúng tôi không chỉ thông qua đợt trừng phạt cứng rắn hơn vì Nga can thiệp bầu cử Mỹ, chúng tôi còn đưa các lệnh trừng phạt hiện có vào luật, khiến chúng khó bị xóa bỏ hơn. Chúng tôi chuyển sang chọn quốc hội, không phải tổng thống, là bên ra phán quyết cuối cùng về trừng phạt trong trường hợp cần thiết", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer nói trước khi bỏ phiếu.
Theo ông Schumer, mọi ý nghĩ của Tổng thống cho rằng ông có thể xóa trừng phạt, dù với lý do gì, sẽ đều bị loại bỏ.
Dự luật ban đầu được mô tả là biện pháp trừng phạt riêng Iran. Các nghị sĩ sau đó thêm phần sửa đổi về Nga, do lưỡng đảng đưa ra, hồi đầu tuần. Với dự luật này, mọi quyết định như nới lỏng, tạm hoãn hay xóa trừng phạt Nga đều cần được quốc hội "bật đèn xanh".
Dự luật còn chờ Hạ viện thông qua và Tổng thống Donald Trump ký ban hành để có hiệu lực. Nhà Trắng hiện chưa có bình luận nào về dự luật.(Vnexpress)
-------------------------------------
Trung Quốc tố Úc bịa đặt dùng tiền mua ảnh hưởng
Đại sứ Trung Quốc tại Úc ngày 15-6 lên tiếng phản bác các thông tin trước đó của đài truyền hình ABC nói Bắc Kinh đã chi tiền thao túng chính trường xứ sở chuột túi.
Đại sứ Trung Quốc tại Úc Cheng Jingye (phải) và Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (trái) trong một sự kiện - Ảnh chụp màn hình
Đại sứ Cheng Jingye đã dùng những từ khá khó nghe để nói mô tả về các bản tin của ABC, gọi đó là sự bịa đặt và xào nấu những thứ vô căn cứ, theo Sky News.
"Ở Trung Quốc, chúng tôi gọi đó là hấp lại cơm nguội để qua đêm. Nó có nghĩa quý vị cứ lặp đi lặp lại, xào nấu những thứ đã cũ mèm", ông Cheng nói trong một sự kiện ngay tại quốc hội Úc ngày 15-6.
Phóng sự điều tra "Quyền lực và những ảnh hưởng của Trung Quốc" ngay sau khi được lên sóng tháng 6-2017 đã thu hút được sự chú ý của dư luận Úc.
Vấn đề này tuy không mới, song đã chỉ thẳng mối quan hệ giữa các đảng chính trị ở Úc và hai nhà tài phiệt Trung Quốc. Luật Úc cho phép các đảng chính trị được nhận tiền từ nước ngoài, khác với một số nước phương Tây khác.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khi đó đã phải lên tiếng Bắc Kinh đừng dùng tiền thao túng chính trường Úc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra phản ứng sau khi phóng sự được phát sóng. Thay vào đó là sự phản bác của đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Úc. Ông Cheng phủ nhận ABC nói có động cơ chính trị đằng sau các khoản quyên góp.
"Những người bịa đặt ra những cáo buộc như vậy có trí tưởng tượng rất phong phú và bệnh hoạn. Nếu họ đem trí tưởng tượng đó áp dụng cho các nghiên cứu khoa học thì nói không chừng một ngày nào đó họ cũng giành được giải Nobel. Ai mà biết được đúng không?", đại sứ Trung Quốc mỉa mai.
Ông Cheng khẳng định Bắc Kinh luôn nhất quán với tôn trọng chủ quyền và phát triển quan hệ hữu nghị với các nước khác dựa trên nguyên tắc cùng chung sống hòa bình.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, phát biểu sau ông Cheng, đã không phản bác lại những gì đại sứ Trung Quốc vừa nói, thay vào đó nhấn mạnh những lợi ích từ dòng tiền đầu tư của Bắc Kinh tại Úc.
"Mối quan hệ song phương giữa Úc và Trung Quốc ngày càng phát triển và thắt chặt hơn trước", bà Bishop khẳng định.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Úc. Năm 2016, trong mỗi đô la thương mại toàn cầu của Úc, có 22 cent với Trung Quốc. (Tuoitre)
-------------------------------
Ông Trump quyết định siết chặt đường làm ăn với Cuba
Mối quan hệ ngoại giao với Cuba vẫn được duy trì nhưng tổng thống Mỹ giữ lời hứa tranh cử xử lý vấn đề quan hệ giao thương với Cuba.
Theo dự thảo biên bản ghi nhớ của tổng thống (DPM), trong ngày hôm nay (giờ Mỹ) tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra tuyên bố nhằm thắt chặt các quy định về du lịch sang Cuba đối với công dân Mỹ.
Ngoài ra, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin đã nhìn thấy bản DPM cho biết tổng thống Trump cũng dự tính sẽ hạn chế đáng kể các hoạt động làm ăn của các công ty Mỹ với các doanh nghiệp Cuba thuộc quân đội nước này. Đây là nhóm doanh nghiệp được cho là có rất nhiều trong lĩnh vực du lịch đang hái ra tiền.
Ông Trump sẽ đưa ra các chính sách mới đối với Cuba trong bài phát biểu tại Nhà hát Manuel Artime ở Miami - nơi tập trung cộng đồng người Cuba và người Mỹ gốc Cuba.
Bài phát biểu có khả năng đẩy lùi những thành tựu của cựu tổng thống Barack Obama trong việc nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn 5 thập kỷ thù địch.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những thay đổi chính sách của ông Trump, dự kiến sẽ tham dự cùng tổng thống Mỹ và những nghị sĩ Mỹ gốc Cuba khác tại Miami.
Theo DPM, ông Trump sẽ thắt chặt kiểm soát để đảm bảo người Mỹ phải tuân thủ đúng 12 hạng mục theo quy định khi du lịch sang Cuba. Điều này có thể khiến nhiều du khách e ngại vì nếu vi phạm họ sẽ đối mặt với khoản tiền phạt rất nặng.
Lý do ông Trump đưa ra là nhiều người đã lợi dụng việc nới lỏng quy định dưới thời ông Obama để biến các chuyến đi vì công việc đến Cuba thành những chuyến vui chơi.
Tuy nhiên ý định của ông Trump vấp phải sự phản đối của giới doanh nghiệp Mỹ và ngành công nghiệp du lịch mới chớm nở ở Havana.
Ngoài ra ông Trump cũng sẽ đưa ra một số thay đổi khác xa với người tiền nhiệm. Theo Reuters, chính sách hạn chế của ông Trump chắc chắn sẽ làm suy giảm mối quan hệ kinh tế mới nối lại giữa hai quốc gia này.
Ông Trump cũng sẽ biện minh cho việc ông đảo ngược phần nào các biện pháp của ông Obama đối với chính quyền Havana với lý do nhân quyền. Các cố vấn của ông nói rằng việc nới lỏng các hạn chế của Mỹ đối với Cuba đã không thể thúc đẩy sự phát triển tự do chính trị ở nước này.
Trong khi đó các nhóm nhân quyền quốc tế cho rằng việc khôi phục lại chính sách cô lập Cuba có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chính quyền Havana cũng nói rõ rằng nước này sẽ không vì áp lực phải cải cách chính trị để đổi lấy những cam kết ngoại giao từ phía Mỹ.(Tuoitre)
-------------------
Tổng thống Trump bị kiện: Lợi ích cá nhân hay quốc gia
Kiện tụng ở Mỹ là chuyện bình thường, kể cả vụ hàng trăm nghị sỹ và tổng chưởng lý kiện Tổng thống Donald Trump về chuyện xung đột lợi ích. Nhưng phía sau vụ kiện có phải là một "đòn thù"?
Một nhóm người biểu tình chống Tổng thống Trump ở New York (Mỹ) nhân ngày sinh nhật ông (14-6) - Ảnh: AFP
Vụ 196 nghị sĩ Đảng Dân chủ cùng hai tổng chưởng lý bang Maryland và hạt Columbia (khu vực thủ đô Washington) kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump vi phạm những lệnh cấm “làm ăn riêng tư” của hiến pháp, trong một góc nhìn nào đó, có thể được xem như là một diễn biến “bình thường” ở Mỹ, một xã hội có thói quen kiện tụng “ăn vào máu”, ai kiện ai cũng được, chẳng ai đứng trên pháp luật để rồi không (bị) kiện được.
Đảng Dân chủ tự cho rằng lợi ích quốc gia Mỹ có thể bị thiệt hại hay đe dọa bởi chuyện “làm ăn” của Tổng thống Trump và tập đoàn của ông ta là “thường tình” trong ý nghĩa trên.
Cũng thế, cánh của Tổng thống Trump nay định kiện cựu giám đốc FBI Comey vì đã tiết lộ bí mật quốc gia trong buổi điều trần tuần trước nằm trong tập quán bình đẳng trước pháp luật của xã hội này.
Vấn đề không phải ở chỗ ông Trump là tỉ phú, mà ông bị cho là vẫn còn làm ăn hưởng lợi, qua tập đoàn của ông, sau khi trở thành tổng thống.
Cùng ngày với những tin tức về việc Đảng Dân chủ đâm đơn kiện, tờ Newsweek chạy tít: “Donald Trump được cấp (kinh doanh) sáu mặt hàng mới tại Trung Quốc, có khả năng xung đột lợi ích hơn nữa”.
Tờ báo này cho biết mới có thêm 6 dịch vụ của tập đoàn Trump được cấp phép tại Trung Quốc, trong đó có cả lĩnh vực thú y. Đây là một thông tin rất bình thường nếu như ông Trump không phải là tổng thống Mỹ!
Đảng Dân chủ có cái lý của mình khi khởi kiện. Hiến pháp Mỹ cấm các quan chức liên bang chấp nhận quà tặng hoặc thù lao từ các chính phủ nước ngoài.
Hiến pháp cũng cấm tổng thống chấp nhận lợi ích kinh tế hoặc thù lao từ chính quyền liên bang hoặc tiểu bang, ngoài lương tổng thống.
Vấn đề là trong 230 năm qua, chưa có tòa án nào đã giải nghĩa chính xác “thù lao” là gì. Đơn giản là do chưa có một tiền lệ làm ăn như thế ở cấp... tổng thống.
Thật ra, ngay từ tháng 11 năm ngoái, vấn đề này từng được nêu ra khi ông Trump chưa nhậm chức.
Phản ứng của ông Trump lúc đó rất “đơn giản”, trong một phỏng vấn của tờ New York Times: “Luật pháp hoàn toàn đứng về phía tôi. Tổng thống làm sao có xung đột lợi ích được”.
Quả thật là luật pháp Mỹ đã chỉ cấm các viên chức thôi chứ đâu có cấm các... tổng thống! Có xung đột lợi ích hay không, tòa án sẽ phán quyết, song Đảng Dân chủ kiện thì cứ kiện.
Trong một góc nhìn khác, mang tính chính trị, cũng có thể xem đây là một đòn tấn công khác nữa của Đảng Dân chủ nhằm “phục hận” thất cử sau khi đã bày hết keo này tới keo khác, quật văng được cố vấn an ninh quốc gia Flynch mà chưa “vật” ngã được đối thủ Trump, rồi gần đây là điều tra về quan hệ “ngoài luồng” với Nga... E rằng đây chưa phải là “đòn thù cuối cùng”.
Chuyện xung đột lợi ích như trên là điều hoàn toàn rất dễ xảy ra ở bất cứ đâu. Nếu như ở Mỹ nay mới có chuyện một doanh nhân lên làm tổng thống nên chưa kịp thiết đặt những “lan can” phòng ngừa, thì ở Pháp đã có sẵn những “lan can” như thế qua các luật lệ kê khai tài sản tất tần tật cho tới các bộ trưởng và đại biểu quốc hội, trước khi nhậm chức và sau khi rời chức tăng giảm như thế nào...
Vậy mà cũng đã có những khe hở chưa kịp che chắn dẫn đến một số vụ tai tiếng nhấn chìm thanh danh và sự nghiệp cựu thủ tướng François Fillon đang tràn trề khí thế được bầu làm ứng cử viên đại diện cánh hữu.
Chẳng qua ông này đã tự bổ nhiệm vợ ông làm trợ lý trong quốc hội, nên bị tố là để vợ lãnh lương khống. Rút kinh nghiệm vụ đó, từ tháng 3 năm nay, Quốc hội Pháp ra quy định cấm chỉ việc tuyển thân nhân làm trợ lý!
Chuyện làm ăn của Tổng thống Mỹ ở Trung Quốc, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ... có làm hại gì lợi ích quốc gia Mỹ hay không, tòa án Mỹ sẽ trả lời.
Chưa bao giờ xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia lại bùng nổ như bây giờ, khi mà những người có quyền chức tự đồng hóa chức quyền của mình với lợi ích của gia đình hay của các thân hữu. Khi lợi ích quốc gia đi vắng, liệu quốc gia đó sẽ thăng tiến hay suy vong?(Tuoitre)